Làm thêm kiểu sinh viên IT
Lượt xem: 49,980Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Không cần chạy đôn chạy đáo khắp các trung tâm để mong tìm được một công việc làm thêm tăng thu nhập, chẳng cần phải gật đầu với những công việc nằm ngoài vùng chuyên môn như gia sự, bán hàng, tiếp thị… Giới sinh viên IT có vô vàn những việc làm IT kiếm tiền thật từ thế giới ảo.
Làm thêm đúng ngạch
Trước nhu cầu ngày càng cao của các công ty, doanh nghiệp về hệ thống thông tin, lập trình cơ sở dữ liệu, sinh viên IT đang được xem là tầng lớp ăn nên làm ra nhờ vào vốn tự có của mình. Công việc của dân công nghệ SV rất đa dạng và phong phú, miễn là các vấn đề về máy tính nằm trong “tầm kiểm soát” của khả năng và tay nghề thì đều có thể trở thành cơ hội kiếm thêm thu nhập.
Đã qua rồi cái thời sinh viên IT chỉ biết ngồi… trông hộ hàng net cho chủ quán, hay đi sửa máy tính thời vụ cho những mối thân quen. Sinh viên ngành công nghệ thông tin bây giờ rất được các công ty mở rộng cửa chào đón. Sự thiếu hụt nhân sự ngành này hiện nay khiến không ít công ty chấp nhận đón sinh viên về làm việc trên danh nghĩa “làm thêm” nhưng thực chất là sự bắt đầu cho một công việc lâu dài.
“Làm thêm là cách tiếp thu công nghệ mới nhanh nhất”, một sinh viên IT khẳng định.
Khi cung chưa đáp ứng nổi cầu, các doanh nghiệp và công ty càng “nóng lòng” thu hút nguồn lực IT trong giới sinh viên. Sinh viên IT vì thế càng được dịp tung hoành trên thương trường.
Hiện nhiều doanh nghiệp phần mềm quy mô nhỏ đang là “bãi đáp” tạm cho rất nhiều sinh viên ngành công nghệ thông tin. Trưởng thành từ môi trường làm việc của những doanh nghiệp này để tạo bàn đạp tấn công các “đại gia” lớn là lựa chọn của không ít sinh viên IT khi đi làm thêm. Đây cũng là điều dễ hiểu vì để thăng tiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin đòi hỏi sinh viên IT phải không ngừng vươn tới những cái mới, công nghệ mới, công cụ mới, và điều này chỉ có các công ty lớn mới có thể đáp ứng được.
Lĩnh vực IT có rất nhiều công việc với những chuyên môn khác nhau từ quản trị mạng, lập trình viên, thiết kế hệ thống, bảo mật và an ninh mạng… Nhiều sinh viên chọn công việc làm thêm trong ngành công nghệ đơn giản như thiết kế website. Họ họp thành nhóm, mỗi tháng thiết kế 3, 4 trang web. Thu nhập khá ổn.
Để không bị “lỡ nhịp”
“Ở trường chúng tôi được học rất nhiều thứ, dăm bảy ngôn ngữ lập trình, vài ba nền tảng khác nhau thế nên nếu không đi làm thêm cho các công ty ngay từ lúc này đố mà biết được các công ty phần mềm sử dụng phổ biến loại ngôn ngữ nào, nền tảng nào, dạng ứng dụng nào vì xem ra chúng tôi chẳng có luồng thông tin chính thức nào cả”, Hoàng, sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Công nghệ cho biết.
“Làm thêm là cách tối ưu nhất để tìm hiểu lĩnh vực của mình sẽ làm trong tương lai. Có những thứ bọn mình chỉ được học qua công việc thực tế, còn sách vở lại chẳng cung cấp được mấy. Môi trường và áp lực công việc dù chỉ làm thêm đã giúp mình quen dần hơn với sức cạnh tranh trong ngành IT như hiện nay”, Hoàng cho biết thêm.
Là sinh viên năm thứ ba ngành công nghệ thông tin nhưng Nam vẫn chưa định hướng được cho mình nên học cái gì và học từ đâu. Đi làm thêm cùng bạn bè ở một vài công ty, Nam mới chợt nhận ra bí quyết của dân IT đi trước là không cần phải học hết tất cả mọi thứ, chỉ cần xác định cho mình một chuyên môn, một công ty và cố gắng phấn đấu thì không khó để thành công.
Nhiều sinh viên IT đi “làm thêm” rồi mới nhận ra sao chương trình đào tạo về CNTT của các trường đại học trong nước hiện nay lạc hậu hơn rất nhiều so với sự phát triển thực sự của CNTT. Tuy nhiên, với họ, điều đó xem ra không còn mấy quan trọng nữa khi chính họ đã tự mình “xông pha trận mạc”, tự mình học và kiếm tiền một cách chính đáng.
Chủ động hơn với hướng đi trong tương lai, sẵn sàng làm việc ngay sau khi ra trường là những cái “được” mà sinh viên IT có sau những công việc bán thời gian ngoài sách vở. Đó cũng là lời khuyên của không ít chuyên gia trong ngành. Theo họ, công nghệ luôn có sự thay đổi nhanh chóng, vừa học vừa làm thêm, sinh viên mới theo được công nghệ và nắm bắt được những cơ hội việc làm một cách kịp thời.