Lắng nghe trực giác khi nhận việc mới
Lượt xem: 10,713Rất khó lòng từ chối một lời mời làm việc, đặc biệt khi bạn đang chìm trong tuyệt vọng vì hành trình tìm “bến đỗ” đã kéo dài mấy tháng trời hoặc tình trạng công việc hiện có thực sự bế tắc. Tuy nhiên, nên hiểu rằng cảm giác thoả mãn cá nhân và thành công sự nghiệp ra sao sẽ tuỳ vào việc bạn tìm ra đâu là điều có thể đáp ứng các nhu cầu. Khi chẳng thể đoán chắc được mình sẽ hoàn toàn hài lòng trong công việc mới hay không, hãy đưa ra các quyết định khôn ngoan hơn bằng cách lắng nghe bản năng và tin vào trực giác.
Xác định công việc lý tưởng
Lập danh sách những điều quan trọng nhất với bạn khi nắm giữ một vị trí. Cân nhắc tiền lương, nhiệm vụ, giờ giấc, cơ hội thăng tiến và văn hoá doanh nghiệp. Hiểu đâu là phẩm chất cần có cho công việc và đâu đơn giản là điều bạn thích.
Ngoài ra, hãy xác định điều gì là không thể chấp nhận, những khả năng nào có thể khiến thoả thuận không đạt được. Nếu có những thứ bạn nhất định không muốn làm khi nhận việc, đừng cố bỏ qua chỉ vì đề nghị trông có vẻ hấp dẫn.
Nếu biết rõ những điều mình muốn và cần trước khi nhận được lời mời, bạn sẽ dễ dàng đánh giá ưu và nhược điểm của vị trí này hơn. Theo đó, cũng ít khả năng bạn chấp nhận công việc vì sợ hãi hay tuyệt vọng.
Cân nhắc tình huống của bản thân
Mặc dù công việc nghe có vẻ lý tưởng, nhưng đôi khi các chi tiết khác lại hoàn toàn không phù hợp với hoàn cảnh cá nhân bạn. Ví dụ như một công việc đòi hỏi bạn phải mất đến 60 phút để di chuyển đến nơi làm việc và đi về. Hoặc bạn phải thường xuyên đi công tác, không có thời gian chăm sóc gia đình.
Hãy xem xét mọi khía cạnh của công việc trước khi chấp nhận nó. Trừ khi bạn quá khao khát được nhận lương, chấm dứt tình trạng thất nghiệp, hoặc là bạn không còn bất cứ cơ hội tìm việc nào khác nữa, hãy để bản thân được chờ đợi đến ngày tìm thấy một công việc đáp ứng đúng như cầu về lương và cho phép bạn duy trì tình trạng cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Đánh giá chỗ làm mới
Bản thân công việc không phải là điều quan trọng duy nhất. Môi trường làm việc và các mối quan hệ cũng là điều đáng xem xét. Nền tảng lý tưởng là bạn nên có thiện cảm cùng sự tin tưởng dành cho sếp quản lý trực tiếp, đồng thời luôn cảm thấy thoải mái với văn hoá doanh nghiệp.
Hãy chú ý đến cách nhà tuyển dụng đối xử với bạn trong suốt quá trình phỏng vấn. Hỏi xem liệu họ có dự kiến khi nào nhận được kết quả phỏng vấn, hoặc quy trình tuyển dụng của công ty thường kéo dài trong khoảng bao lâu. Quan sát xem có khả năng nào là họ sẽ giữ liên lạc với bạn trong nhiều tuần, rồi sau đó sẽ yêu cầu bạn lập tức xuất hiện để trao đổi thêm chỉ sau một cuộc điện thoại hoặc tin nhắn?
Bên cạnh đó, khi đến dự phỏng vấn, hãy lưu ý thái độ chung của mọi người. Nhân viên ở đó có vẻ hạnh phúc, có lan truyền cảm giác gắn kết đồng đội, hoặc là những người bạn tiếp xúc có vẻ thô lỗ, thiếu ý tứ hay không?
Hiểu mục tiêu nghề nghiệp của mình
Hãy tự hỏi mình xem công việc mới này có đáp ứng được cả mục tiêu dài hạn lẫn ngắn hạn không. Đó có phải là một vị trí có mức lương hấp dẫn hoặc chức danh to, nhưng cơ hội thăng tiến nghề nghiệp lại hạn chế? Hoặc, công việc đó sẽ giới hạn bạn trong một khu vực nhỏ hẹp và không cho phép bạn khám phá những tài năng tiềm ẩn hoặc mối quan tâm tích cực khác. Nếu công việc không phát triển lên cùng bạn, đây được xem là một “góc chết” – tức là vị trí mà bạn mắc kẹt với nó lâu dài, không thể tạo ra bất cứ tiến bộ nào nữa cả. Thêm vào đó, bạn còn không có cơ hội trau dồi và nâng cao kỹ năng cần thiết để hội đủ điều kiện cho các vị trí cao hơn, gây khó khăn cho trong việc thuyết phục các nhà tuyển dụng tương lai về năng lực của mình.
Nguồn hình: Freepik