Lật ngược ván cờ trong phỏng vấn
Lượt xem: 16,656Đã có nhiều người nhầm tưởng phỏng vấn xin việc có nghĩa là chăm chú nghe câu hỏi và trả lời. Họ không biết được rằng để trở thành một ứng viên chuyên nghiệp trong mắt nhà tuyển dụng, bạn phải biết biến cuộc phỏng vấn thành một cuộc trò chuyện có sự tương tác giữa hai phía. Dồn mình vào thế bị động cũng đồng nghĩa với nguy cơ bạn trở thành kẻ rời khỏi "cuộc chơi" sớm nhất.
Tạo bước tiến, giữ thế thượng phong
Có người đã ví von một buổi phỏng vấn tuyển dụng giống như một ván cờ. Trong đánh cờ kẻ nào giành thế chủ động thì khả năng thắng sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Phỏng vấn là lúc bạn phải biết mình nên nói gì và không nên nói gì trong thời điểm quyết định đó. Phỏng vấn là cuộc gặp gỡ tiếp xúc giữa ứng viên tìm việc và nhà tuyển dụng tìm kiếm nhân viên tốt nhất cho mình. Đó là ván cờ quyết định cho sự thành công của bạn trong công cuộc xin việc gian nan giữa thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Với những người có kinh nghiệm xông pha “trận mạc” thì phỏng vấn còn là một cuộc thử thách “máu lửa” không dễ gì vượt qua huống hồ những người trẻ, đặc biệt là những sinh viên vừa ra trường thông thường không có nhiều kinh nghiệm thực tế trong công việc và sự thiếu tự tin cố hữu, phỏng vấn trở thành một vấn đề có phần nghiêm trọng. Thế nhưng bạn cần biết rằng với các nhà tuyển dụng, với sinh viên ra trường, họ thực sự có ấn tượng và chú ý những kỹ năng giao tiếp cũng như giới thiệu về bản thân với một thái độ tự tin, rõ ràng, đầy thuyết phục. Chưa có kinh nghiệm trong công việc thực tế nhưng những gì bạn đúc rút được trên giảng đường cũng như các hoạt động khi còn là sinh viên như làm việc nhóm, làm thêm, tham gia các hoạt động xã hội như các câu lạc bộ, mùa hè xanh, tình nguyện viên cũng là những yếu tố dễ “ghi điểm” với nhà tuyển dụng nếu điều đó phù hợp với công việc bạn muốn làm.
Nhiều người sai lầm khi để quyền dẫn dắt cuộc phỏng vấn vào tay nhà tuyển dụng. Điều đó cũng có nghĩa là cuộc nói chuyện của bạn và họ hoàn toàn diễn ra theo lối hỏi - đáp và bạn sẽ dễ dàng khựng lại ở một câu hỏi hóc búa nào đó. Cần chủ động cho người phỏng vấn biết về bạn nhiều hơn, chủ động hỏi về một yêu cầu công việc mà bạn biết chắc đó là sở trường của mình.
Phỏng vấn là một thử thách nhưng đồng thời cũng là một cơ hội để ứng viên nhìn nhận được bản thân. Từng nước cờ là những bước đi thể hiện năng lực cũng như phong thái làm việc của bạn. Tiến hay lùi tùy thuộc khá lớn vào sự chủ động và bản lĩnh của các ứng viên.
Những bí quyết cho sự thắng bại
Không phải ai cũng đủ khéo léo và biết cách ứng xử thông minh để biến một buổi phỏng vấn căng thẳng trở thành một buổi trò chuyện thân mật và thoái mái với nhà tuyển dụng, không phải ai cũng đủ bình tĩnh và tự tin để liên tục chủ động và ghi điểm trong suốt quá trình phỏng vấn. Sự chuẩn bị và tư thế sẵn sàng sẽ là những bước đi đầu tiên trong chiến thắng của bạn.
Sự tự tin của ứng viên là yếu tố cho ứng viên bước đầu nắm được thế chủ động. Để có điều đó, trước hết bạn phải có một sự chuẩn bị tốt. Tìm hiểu kĩ về công ty, người quản lý, sản phẩm, sự phục vụ, khách hàng … thông qua trang web của công ty và các thông tin cần thiết về vị trí dự tuyển. Luyện tập trước khi phỏng vấn, tập giới thiệu khả năng và thành tích của bản thân là những việc nên làm. Nếu không có sự chuẩn bị trước, bạn sẽ không biết nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn những gì và hỏi trong bao lâu. Bạn cần chú ý nghĩ ra những câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể do nghi ngờ mà hỏi bạn những câu để khẳng định xem bạn có thực sự thích công việc mà bạn đang muốn làm hay không. Để có thể chuẩn bị thời gian nói những điều quan trọng mang tính thuyết phục, bạn cần luyện tập trước nội dung cũng như hình thức của buổi phỏng vấn.
Các nhà tuyển dụng cho rằng một buổi phỏng vấn thực ra là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa bạn và người tuyển dụng, do đó, ấn tượng ban đầu cực kì quan trọng. Hình thức sẽ phần nào đánh giá cá tính của ứng viên. Vậy nên, ứng viên cần tạo cho bản thân một vẻ ngoài gọn gàng, phù hợp với đặc thù công việc mà bạn đang phỏng vấn nhằm tạo thiện cảm ban đầu trước người phỏng vấn.
Ứng viên cần tạo cho mình một tâm lý thoải mái khi nghĩ về cuộc phỏng vấn. Hãy xem nó đơn thuần chỉ là một dịp để bạn trao đổi với người khác về năng lực của mình. Biết đâu bạn sẽ trở thành đồng nghiệp của nhà tuyển dụng. Đặc biệt hãy luôn nghĩ rằng cơ hội việc làm không có chữ “duy nhất”, bạn có thể thất bại nhưng như thế đâu phải là mọi chuyện đã kết thúc.
Chủ động về thời gian cũng là cách bạn giữ sự thoải mái cho mình. Không thể lường trước hết mọi bất trắc có thể xảy ra vậy nên bạn cần đến sớm trước 15 phút để chuẩn bị tinh thần cho cuộc phỏng vấn. Đừng chậm trễ dù chỉ một vài phút vì như vậy bạn sẽ quên hết những gì định nói cũng như mang tâm lý ngại ngùng hồi hộp trước nhà tuyển dụng.
Trong một cuộc phỏng vấn, ngôn ngữ cơ thể đóng một vai trò rất quan trọng bởi nó cho người khác thấy được những gì bạn muốn nói một cách rõ ràng nhất. Giữ những tư thế ngồi và để tay thật đúng mực và lịch sự, đừng bao giờ nhắc lại những vấn đề mà mình đã nói. Hãy hỏi lại nhà tuyển dụng câu hỏi của họ và diễn tả theo cảm giác của bạn, giữ giọng ở mức độ bình thường, đừng cao quá ở mức kiêu ngạo, cũng đừng thấp quá ở mức thiếu tự tin. Đừng nói liến thoắng và biết mỉm cười tự nhiên khi nói về điều gì đó thân thiện. Một cái bắt tay lịch sự khi bước vào cuộc gặp cũng thể hiện phong thái tự tin của bạn - một “điểm” dành cho ứng viên chuyên nghiệp.
Tham gia một cuộc phỏng vấn tuyển dụng là một thử thách không dễ dàng nhưng cũng không đến mức quá khó. Để phỏng vấn thành công và trở thành ứng viên được chọn cần đến cả một nghệ thuật. Hãy học cách chuyên nghiệp hóa bản thân từ những bước đầu tiên trong con đường xây dựng sự nghiệp của mình.