Lấy lòng sếp
Lượt xem: 28,257Sếp là người đầu tàu, thảo ra các kế hoạch làm việc để nhân viên thực hiện. Bạn đang "loay hoay" không biết làm thế nào để được sếp tạo điều kiện làm việc thuận lợi nhất. Bạn sẽ ứng xử như thế nào để không cần phải quà cáp, nịnh bợ mà bạn vẫn luôn là nhân viên "khéo" trong mắt sếp?
Nếu sếp kém tuổi
Không ít người tóc hoa râm vẫn hay tự ti vì bị một "ông" sếp trẻ lãnh đạo. Bạn nên vạch kế hoạch làm việc khoa học để hạn chế tối đa rủi ro và sai sót. Qua đó, đồng nghiệp và cấp trên sẽ đánh giá đúng cống hiến và tài năng của bạn.
Bạn nên tập thói quen làm việc tập thể, cùng các nhân viên khác thảo luận những phương án để công việc chung đạt hiệu quả tốt nhất. Bản thân sếp trẻ thường ngại giao việc cho cấp dưới là người lớn tuổi hơn. Cũng dễ hiểu bởi lẽ, nhân viên lớn tuổi thường có quan hệ rộng và nhiều kinh nghiệm, các sếp thường không thích nhân viên dưới quyền tỏ ra giỏi hơn mình.
Do đó, bạn hãy luôn vui vẻ, chủ động hoà nhập để xoá đi khoảng cách về tuổi tác, kinh nghiệm đối với sếp. Bên cạnh đó, bạn cũng cần ít thể hiện mình trong mắt sếp là bạn luôn là người khiêm tốn mà hoàn thành tốt công việc.
Nếu sếp đã đứng tuổi
Khi bạn đang trò chuyện với sếp đã có tuổi có nghĩa bạn đang tiếp xúc với một người rất giàu kinh nghiệm. Vì thế, bạn hãy luôn cẩn thận trong lời nói, kể cả lời khen, vì đôi khi khen không đúng lúc sẽ trở thành nịnh bợ.
Bạn hãy luôn học cách lắng nghe, kể cả cách hỏi để đừng làm mất lòng sếp. Sếp có tuổi thường bảo thủ và muốn thể hiện mình. Vì thế, bạn hãy luôn kiên nhẫn dẹp bỏ tính tự ái và làm sao để sếp luôn là người đúng.
Khi thuyết phục sếp thay đổi việc này việc kia, bạn phải chuẩn bị đầy đủ các lý do và biết tìm cơ hội hợp lý để đề xuất. Tranh luận với sếp là việc rất khó, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu bạn nêu lý lẽ của mình trên tinh thần xây dựng.
Bạn tránh đề cập nơi đông người, không để nó biến thành một sự chỉ trích cá nhân. Trên thực tế, nhiều sếp "già" không ưa lắm thói xu nịnh. Đơn giản là do thậm niên cuộc sống khiến họ sợ bị... nhân viên âm thầm cho "quả đắng".
Nếu sếp là phái đẹp
Bạn đang lo lắng khi tuần tới phải làm việc với sếp mới, mà lại là sếp nữ. Bạn hãy dành thời gian để trò chuyện vì sếp nữ thường coi trò chuyện như một cách tương tác cá nhân để thu thập thông tin và xây dựng quan hệ tốt với nhân viên.
Nếu sếp bạn "gợi ý" vài cuộc nói chuyện nho nhỏ, hãy vui vẻ hưởng ứng mặc dù bạn đang rất bận.Có thể kiểu nói chuyện vô thưởng vô phạt này tiêu phí mất một chút thời gian "vàng ngọc" của bạn, nhưng nó sẽ tạo được một sự thân thiện với sếp.
Bạn hãy học cách lắng nghe, đặc biệt hết sức thận trọng và tốt nhất là không nên "rỉ tai" chuyện của sếp với đồng nghiệp khác. Hãy luôn cố gắng làm việc để chứng tỏ năng lực của mình.
Bên cạnh đó, bạn nên luôn tỏ thái độ ứng xử phù hợp: thiết lập một giới hạn rõ ràng trong quan hệ với sếp khác phái. Hãy nhớ là sếp sẽ càng tôn trọng, tin tưởng bạn nhiều hơn nếu bạn cư xử với sếp một cách đàng hoàng.
Nếu sếp là người nước ngoài
Hiện nay nhiều nhân viên trẻ (nhất là dân ngoại ngữ, dân công nghệ) rất thích làm việc với sếp "ngoại" bởi hy vọng sẽ học hỏi kinh nghiệm làm việc trong môi trường thực sự chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, mức lương và cơ hội thăng tiến sẽ đi kèm với sự khắt khe. Đừng để sếp thấy bạn là người trễ hẹn dù chỉ một phút. Phong cách làm việc của các sếp nước ngoài là chú trọng đến tính kỷ luật và hiệu quả công việc.
Vì thế, nếu bạn chứng tỏ được với sếp về ý thức và khả năng của mình là bạn đã thành công rồi đấy. Nhưng bạn phải hiểu sếp là người bận rộn, nên phải chủ động thể hiện bản thân chứ đừng chờ sếp tìm hiểu về mình.
Điều cấm kỵ khi làm việc với sếp "ngoại" là sự tuỳ hứng trong công việc. Bạn nên rèn luyện cho mình tác phong làm việc chuyên nghiệp: lên kế hoạch cụ thể và luôn đảm bảo tiến độ công việc. Chuẩn bị tốt, bạn sẽ không phải lúng túng khi bị sếp "sờ gáy" bất cứ khi nào.
Nếu sếp bạn là người "khó chịu"
Sếp bạn thích kiểm soát mọi việc từ A đến Z, lại hay thoái thác trách nhiệm khi có chuyện gì đó đổ bể... Bạn cần phải cư xử thế nào cho "phải phép"?
Sếp cố tình muốn kiểm soát mọi bước đi của bạn. Bạn hãy thường xuyên báo cáo với sếp về tiến độ công việc và xin ý kiến chỉ đạo. Điều này có thể làm sếp bạn yên tâm về công việc đã giao và không còn "lưu ý" bạn bất ngờ nữa.
Sếp là người bạn thân và cố gắng "khai thác" thông tin cá nhân của bạn. Bạn nên nhớ, kể cả là bạn thân nhưng vẫn phải giữ khoảng cách, không nên nói tất cả những gì bạn biết với sếp. Không nên tìm hiểu quá nhiều thông tin riêng tư của sếp. Đừng bao giờ dại khờ mà tỏ ra biết nhiều hơn sếp, chỉ đề cập về mình khi nói chuyện với sếp.