Liệu đời sống trực tuyến có ảnh hưởng chuyện tìm việc?
Lượt xem: 10,165Chúng ta đều biết những bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội (social media) có thể giúp chủ tài khoản có thêm người quan tâm nhưng đôi khi lại có nguy cơ đánh mất bạn bè. Theo một khảo sát gần đây của CareerViet , chúng còn có tác động khá lớn đến các nhà tuyển dụng nữa. Kết quả cho thấy có đến 70% người sử dụng lao động đã dùng các trang mạng xã hội để tìm hiểu ứng viên, và 43% tìm thấy được thông tin khiến họ ra quyết định tuyển dụng. Mặt khác, 57% số nhà tuyển dụng đã khai thác được những nội dung dẫn đến việc từ chối ứng viên.
ĐỪNG ĐỂ “ĐỜI SỐNG TRỰC TUYẾN” LÀM HẠI BẠN
Gần một nửa số người sử dụng lao động trong cuộc khảo sát (47%) chia sẻ, nếu không tìm được ứng viên trên các kênh trực tuyến thì có ít khả năng là ứng viên đó được gọi phỏng vấn, 28% nhà tuyển dụng muốn thu thập thêm nhiều thông tin trước khi phỏng vấn ứng viên, và 20% nói rằng họ mong đợi ứng viên của mình duy trì sự hiện diện trực tuyến.
Theo các nhà tuyển dụng thường sử dụng mạng xã hội để nghiên cứu về ứng viên tiềm năng thì những điều họ quan tâm khi tìm kiếm chính là:
- Các thông tin làm rõ được trình độ chuyên môn trong công việc: 58%
- Ứng viên có cá tính/ diện mạo trực tuyến như thế nào: 50%
- Những điều người khác nói về ứng viên đó: 34%
- Những lý do có thể cản trở việc thuê ứng viên: 22%
HÃY CẨN THẬN MỘT KHI ĐÃ VÀO CÔNG VIỆC
Nhà tuyển dụng thường sẽ tiếp tục theo dõi các hoạt động trực tuyến của nhân viên ngay cả khi đã tuyển dụng họ.Gần một nửa số người sử dụng lao động (48%) cho biết họ sử dụng các trang mạng xã hội để tìm hiểu sâu sát các nhân viên hiện có, 10% làm việc này mỗi ngày. Hơn nữa, một phần ba số người sử dụng lao động (34%) đã phát hiện ra những nội dung trực tuyến khiến họ khiển trách hoặc trở thành một phần lý do của việc sa thải nhân viên.
CÁCH SỬ DỤNG TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI TỐT NHẤT
Social media đang bùng nổ với khả năng giúp người dùng kết nối, tạo mối quan hệ và cơ hội “trưng trổ” các thành tựu cá nhân. Tuy nhiên, nó cũng có thể là tác nhân đặt dấu chấm cho công việc nếu được sử dụng không đúng cách. Việc cần làm nhất là giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát, bằng cách không đăng những hình ảnh hay bình luận không đúng mực, đạo văn, chế nhạo khách hàng hay đồng nghiệp, than vãn về sếp hay công việc, bàn tán về chuyện mình đang tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp khác. Dù cho bạn có sử dụng mạng xã hội ở nơi làm việc hay không, điều quan trọng là luôn giữ cho mọi nội dung đăng tải phù hợp với thương hiệu cá nhân đang xây dựng và đảm bảo nó thu hút nhà tuyển dụng ngay lần đầu họ nhìn thấy.
Bạn còn có bí quyết riêng nào để quảng bá tích cực cho thương hiệu cá nhân trên các trang mạng xã hội không? Hãy chia sẻ cùng CareerViet.vn nhé!
Nguồn hình: Freepik