"Lính mới" thể hiện mình thế nào?
Lượt xem: 14,385Trở thành "người mới" trong thế giới lao động, chắc hẳn bạn rất háo hức muốn phô diễn các kĩ năng cũng như kiến thức tích luỹ được trong trường lớp. Tuy nhiên, bên cạnh điều đó thì những thói quen làm việc hiệu quả cơ bản sẽ giúp tăng hiệu quả làm việc của bạn. Duy trì hiệu quả thường xuyên trong công việc sẽ giúp đẩy cao cơ hội thành công trong sự nghiệp của các "lính mới tò te".
5 thói quen làm việc hiệu quả đó là:
1. Xung phong làm việc khó
Một trong những cách tốt nhất để chứng tỏ bạn là người ham học hỏi và không ngại khó chính là xung phong nhận các nhiệm vụ, nhất là khi các nhiệm vụ đó dường như không mấy ai muốn làm. Tuy nhiên, trước đó, bạn nên tự mình đánh giá các kỹ năng cũng như kiến thức để xem mình có thể tự tin hoàn thành nhiệm vụ đó hay không. Nếu bạn tự tin sẽ hoàn thành công việc đó một cách toàn diện, hoàn hảo thì đừng ngần ngại gì mà không đứng lên và xung phong đảm nhiệm nó.
Dù sao bạn cũng cần nhớ một điều, luôn giữ lời hứa và cam kết thực hiện đúng tiến độ nhiệm vụ đã xung phong nhận. Đừng quá tự tin tới mức biến một cơ hội hoàn hảo thành mớ bòng bong. Một khi bạn đã bắt đầu công việc, hãy tận tâm với nó cho tới phút chót. Làm được như vậy, mọi người sẽ đánh giá bạn là một người can đảm và đủ tin cậy để có thể giao thêm các công việc khác. Đây là thói quen đầu tiên bạn cần thấm nhuần khi bắt đầu sự nghiệp.
2. Hoà nhã với mọi người
Có lẽ ai cũng đã nghe nhắc tới điều này rồi nhưng vẫn cần phải nói lại một lần nữa, bạn hãy luôn tỏ ra thân thiện với mọi người bất kể chức vụ hay cấp bậc của họ. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng nếu bạn làm được, mọi người sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn. Là người mới trong một tổ chức, bạn sẽ chẳng bao giờ biết hết mình cần hỗ trợ những gì. Các đồng nghiệp thường thích làm việc với những người có tài và thân thiện. Nếu bạn tạo được thói quen làm việc hiệu quả này, bạn sẽ khiến những người khác có thiện cảm hơn và muốn bạn cùng làm việc nhóm với họ.
Hoà nhã với mọi người chỉ là những biểu hiện cư xử lịch thiệp chung chung, nó không đòi hỏi những kỹ năng quá đặc biệt. Đó có thể là nụ cười vào buổi sáng và lời chào tươi tắn. Người ta thường vin cớ rằng trong môi trường làm việc nhiều áp lực như hiện nay, con người dễ nổi cáu hay tức giận. Điều này có cần thiết không? Hoà nhã luôn được đền đáp bằng hoà nhã và trong thực tế thái độ đó còn khiến bạn giảm được stress.
3. Biết ưu tiên trong công việc
Tất cả chúng ta đều muốn làm những việc mình thích trước. Tuy nhiên, thường thì những việc này không phải là những việc cấp bách và quan trọng nhất trong danh sách những việc cần làm tại công sở. Nếu bạn chọn làm những việc bạn thích hơn thay vì những việc quan trọng hay cấp bách hơn, bạn sẽ tự hạ thấp các cơ hội thành công trong sự nghiệp của mình.
Thay vào đó, bạn nên có một danh sách những việc cần làm tuỳ theo tầm quan trọng chiến lược của chúng đối với công ty bạn. Bạn cần hiểu rõ vai trò của mình trong việc hoàn thành những nhiệm vụ nào ngay để đạt được mục đích của toàn công ty. Khi biết ưu tiên trong công việc, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn và dễ thành công hơn.
4. Giữ thái độ tích cực
Là lính mới trong công ty có thể khiến bạn dễ bị "khớp" tinh thần vì bạn còn lạ lẫm. Bạn chưa quen với hệ thống công việc ở đó, bạn phải gặp gỡ, làm việc với những người mới cư xử với bạn rất khác so với những người trong trường học. Và sẽ phải mất khá lâu để bạn làm quen với điều đó, dù rất nhỏ nhưng sẽ có những điều lệ công ty bạn cần phải tuân thủ.
Hãy vượt qua tất cả những điều này và giữ thái độ tích cực khi đối diện với các thách thức. Khi bạn có thái độ tích cực, bạn sẽ tập trung được vào các mục tiêu của mình, sẽ đưa ra được những quyết định chuẩn xác và vì thế cũng sẽ làm việc hiệu quả hơn.
5. Nêu ra vấn đề nhưng luôn kèm theo các giải pháp
Một thói quen làm việc hiệu quả cuối cùng là mỗi lần bạn nêu ra vấn đề khó khăn nào đó với sếp, bạn cần phải kèm theo những giải pháp cho vấn đề đó. Bạn cần nhớ rằng nếu bạn chỉ đưa ra vấn đề mà không có giải pháp thì hành vi của bạn có thể bị coi như một động thái phàn nàn.
Để tránh hiểu lầm này, bạn hãy luôn đưa ra các giải pháp có thể cho vấn đề. Điều này sẽ chứng tỏ với sếp là bạn đã suy nghĩ rất thấu đáo về điều đó trước khi đề cập mọi chuyện với họ. Thêm nữa, hãy nghĩ trước một giải pháp đề xuất cụ thể trong số những phương pháp bạn đưa ra để sếp xem xét.