Lỡ cơ hội vì tự mãn
Lượt xem: 13,050Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật CN TPHCM với tấm bằng loại giỏi trong tay, Hoàng Trung Kiên hoàn toàn tin tưởng mình sẽ dễ dàng vượt qua đợt phỏng vấn tuyển dụng của một Cty quảng cáo thuộc hạng trung bình của thành phố.
Với Kiên, Cty quảng cáo nhỏ này chỉ là một bệ phóng để anh nhắm đến những Cty tầm cỡ quốc tế khác sau này. Đúng như dự đoán, nhà tuyển dụng lập tức mời anh phỏng vấn. Hoàn toàn tự tin, Kiên ngồi trước nhà tuyển dụng một cách ung dung. Đối với Kiên, những câu hỏi về kỹ năng không khó chút nào.
Nhưng sau khi phải trả lời một loạt câu hỏi về cá nhân, không liên quan gì đến công việc cụ thể của nhà tuyển dụng, Kiên bắt đầu cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, anh vẫn tỏ ra bình tĩnh cho tới khi nhà tuyển dụng đề nghị mức lương khởi điểm 2.500.000 đồng/tháng cho vị trí nhân viên thiết kế của anh. "Tôi có thể làm được nhiều công việc khác với mức lương trên 3 triệu, rõ ràng anh chị đang làm mất thời gian của tôi" - nói xong, Kiên đứng dậy bỏ đi.
Với suy nghĩ này, Kiên đã cầm đơn xin việc đi hết Cty này đến Cty nọ nhưng đều thất bại. Kiên không thể hiểu, tại sao mình lại không thể có được công việc như mình đã nghĩ. Nản lòng, Kiên không thèm đi xin việc nữa mà chỉ nhận một số việc lặt vặt, mùa vụ để có thu nhập. Và cho đến giờ, Kiên vẫn chưa có được một chỗ làm chính thức.
Không chỉ Kiên là có suy nghĩ như vậy mà hiện nay, không ít bạn trẻ, mới ra trường mang suy nghĩ ấy khi đi tìm việc. Với những công việc đòi hỏi kỹ năng và sự sáng tạo, người mới vào nghề buộc phải cọ xát với thực tế mới mong có được kinh nghiệm và dễ thăng tiến. Những người trẻ tuổi như Kiên, cao ngạo và tự mãn, không biết lượng sức mình sẽ không có cơ hội được làm việc để thể hiện khả năng thực sự của mình. Hoặc nếu phải làm một công việc không đúng với khả năng của mình, tay nghề sẽ dần thui chột.