Mẹo kiểm soát cảm xúc trong buổi phỏng vấn
Lượt xem: 18,199Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Dù có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn xin việc, bạn vẫn không tránh khỏi cảm giác bồn chồn, lo lắng khi đối diện với nhà tuyển dụng. Để giúp bạn kiểm soát tốt tâm trạng của mình, các chuyên gia nghề nghiệp đã đưa ra một số lời khuyên sau:
Chuẩn bị
“Khâu chuẩn bị chiếm 90% thành công trong cuộc phỏng vấn việc làm”, tiến sĩ Linda Smith-Gaston, chuyên viên tư vấn nghề nghiệp của Trường cao đẳng Los Angeles Trade Technical, nói. Smith-Gaston khuyên bạn nên luyện tập phỏng vấn trước với một người bạn hay người thân và chú ý vào những câu hỏi thường gặp như:
- Tại sao bạn nghĩ mình là ứng viên tốt nhất cho vị trí này?
- Hãy giới thiệu về bản thân
- Những điểm mạnh/yếu của bạn?
- Tại sao bạn muốn làm việc cho công ty chúng tôi?
- Những gì học được ở trường giúp ích ra sao cho bạn trong công việc này?
Ngoài ra, hãy tìm hiểu càng nhiều thông tin về công ty càng tốt, đồng thời chuẩn bị cả những câu hỏi bạn có thể đặt ra cho nhà tuyển dụng. Nhiều người thường quên bước này và khi người phỏng vấn đề nghị đặt câu hỏi, họ lúng túng nói “không” và bỏ lỡ cơ hội gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Lên kế hoạch thời gian trước cuộc phỏng vấn
Sự chậm trễ, vội vàng không chỉ làm gia tăng mức độ bồn chồn mà đôi khi còn khiến bạn đánh mất cơ hội tham gia cuộc phỏng vấn. Do vậy, hãy tìm đường tới địa điểm phỏng vấn từ trước. Bạn nên dự tính thời gian cần thiết để tới được đó cả trong trường hợp có tắc đường, thời tiết xấu hay bị lạc đường.
Giải tỏa căng thẳng trước cuộc phỏng vấn
Trước khi bước vào phòng phỏng vấn, hãy thực hiện vài động tác thư giãn đơn giản như nhắm mắt hay hít thở sâu, vận động nhẹ nhàng. Và nhớ không uống chất có cồn hay hút thuốc lá trước buổi phỏng vấn dù chúng giúp bạn giải tỏa căng thẳng khi làm việc.
Đặt bản thân vào vị trí của người phỏng vấn
Những câu hỏi khó và dồn dập khiến bạn có cảm giác như đang bị người phỏng vấn “tra khảo”. Thật ra họ chỉ đang làm công việc của mình là chọn được ứng viên tốt nhất cho công việc. Chỉ cần nghĩ như vậy cũng có thể giúp bạn trấn tĩnh phần nào sự bồn chồn của mình.
Lắng nghe, suy nghĩ và trả lời
Hãy nhớ thực hiện đúng trình tự đó khi tham gia phỏng vấn, dù phỏng vấn trực tiếp hay qua điện thoại. Tập trung vào người phỏng vấn sẽ giúp bạn quên đi cảm giác bồn chồn.