“Mẹo” tránh phạm sai lầm dành cho nhân viên trẻ
Lượt xem: 17,167Nhân viên trẻ mới bước vào thị trường tuyển dụng với ít hoặc không có kinh nghiệm sống và làm việc một cách chuyên nghiệp. Bởi vậy họ rất dễ phạm sai lầm trong công việc.
Chuyên gia về thương hiệu Nancy Shenker, đã tận dụng kinh nghiệm quản lý của mình để viết nên quyển cẩm nang dành cho những nhân viên ở lứa tuổi 20. Cuốn sách “Đừng gây sự với đồng nghiệp” Shenker viết cùng người chuyên phụ trách mảng mạng lưới quan hệ Lindsay E. Brown, đã cung cấp hơn 200 bí quyết sự nghiệp, từ làm thế nào để thiết kế CV trực tuyến ấn tượng tới cách cư xử chuyên nghiệp nơi công sở.
Shenker cho biết cô nảy ra ý tưởng viết quyển sách sau khi bắt gặp một nhân viên thực tập trong công ty TheONswitch của mình đang phàn nàn về cô ấy trên mạng. Cô tình cờ đi ngang qua bàn làm việc của người đó và nhìn vào màn hình máy tính. “Cô ấy đã nói những điều không hay về tôi, rằng tôi không giúp đỡ cô ấy. Những điều cô ấy nói có thể là sự thật. Nhưng thay vì nói xấu sau lưng, cô ấy nên nói chuyện trực tiếp với tôi”, Shenker nói.
Cô đã sa thải người thực tập đó vào ngày hôm sau và nói rằng nhân viên trẻ đã phạm sai lầm trong công việc. Nhân viên trẻ có thể mắc sai lầm hàng ngày và đó là những lỗi rất “trẻ con” như chơi game trong giờ làm việc, sử dụng ngôn ngữ “teen”… Đây là những hành động thiếu chuyên nghiệp và có thể ảnh hưởng tới danh tiếng của họ trong dài hạn.
Từ kinh nghiệm trên, Shenker đã quyết định chuyển hướng sang một vai trò mới – người cố vấn cho những người trẻ. Cô đưa ra những lời khuyên sau giúp nhân viên trẻ tránh mắc sai lầm trong công việc và gây dựng một hình ảnh chuyên nghiệp ngay từ những ngày đầu trong sự nghiệp:
Xây dựng trang mạng xã hội chuyên nghiệp riêng biệt
Ngày nay, mạng xã hội như Facebook không còn là nơi để bạn chia sẻ những nỗi niềm trong cuộc sống riêng tư mà còn là nơi nhà tuyển dụng kiểm tra thông tin về bạn cũng như để bạn xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp, phục vụ cho sự phát triển sự nghiệp.
Vì vậy, để tránh những tình huống bạn bè đăng ảnh hay những lời nhận xét ảnh hưởng tới công việc của bạn, hãy lập một tài khoản mạng xã hội riêng, chỉ sử dụng cho mục đích nghề nghiệp.
Không sử dụng tiếng lóng trong công việc
Những cách viết tắt như LOL hay 2day, G9… rất thịnh hành trong giới trẻ. Nhưng hãy đảm bảo rằng bạn không sử dụng chúng khi viết email, báo cáo hay bất cứ tài liệu nào trong công việc bởi làm như vậy khiến bạn thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp cũng như kiến thức cơ bản.
Tôn trọng cách thức phỏng vấn truyền thống
Dù hiện tại là thời đại công nghệ số, bạn có thể ứng tuyển và gửi CV một cách trực tuyến nhưng hãy vẫn mang hồ sơ xin việc bản cứng tới buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao hành động này của bạn. Và đảm bảo hỏi xin danh thiếp và viết thư cám ơn sau ngày phỏng vấn. Thư cám ơn viết tay sẽ giúp bạn nổi bật hơn.
Gặp gỡ trực tiếp
Kể cả bạn có thể liên lạc dễ dàng, nhanh chóng với các thành viên trong mạng lưới quan hệ của mình qua điện thoại, email nhưng đôi khi hãy hẹn gặp họ trực tiếp. Như vậy, bạn sẽ “nuôi dưỡng” mối quan hệ của mình một cách vững chắc hơn.
Ngừng kết nối online
Làm việc với máy tính 10 tiếng ở công sở, về đến nhà bạn lại thức tới khuya để online. Nếu ngày nào lịch trình cũng như thế này, cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, hãy ngừng làm việc khi tan sở và dành thời gian thư giãn bên gia đình, bạn bè, bạn sẽ tái “nạp” năng lượng cho ngày làm việc tiếp theo năng suất.