Một CV hoàn hảo vẫn chưa đủ
Lượt xem: 20,661
Chưa từng tham gia phỏng vấn, chưa từng viết CV xin việc, bạn sẽ bắt đầu từ đâu để có được công việc mơ ước? Hơn 700 sinh viên có mặt tại hội thảo “Chiếc vé thành công” ngày 20/3 tại ĐH Ngân hàng (Thủ Đức) để lắng nghe chuyên gia quản trị và tuyển dụng.
Không nhất thiết phải cố tạo CV "đẹp"
1 CV phải bắt đầu như thế nào? Ông Mohalam Gonux - GĐ Công ty Chìa Khóa Vàng chia sẻ: “CV không bó buộc vào một biểu mẫu nhất định. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá dựa trên cách bạn trình bày. Điều nhà tuyển dụng (NTD) quan tâm nhất là sự trải nghiệm của bạn Dám chấp nhật khuyết điểm và tự tin với ưu điểm của mình mới là một CV tốt”.
Phỏng vấn và kinh nghiệm thực tế
Đừng mất tự tin khi NTD hỏi bạn về kinh nghiệm thực tiễn nếu bạn chưa từng đi làm. Bạn có thể liên hệ với các hoạt động trong cuộc sống đời thường, sinh hoạt ngoại khóa... Điều quan trọng là bạn đã rút ra những kinh nghiệm gì từ các hoạt động đó.
Những thao tác tưởng chừng như rất nhỏ (rung chân, bấm viết liên tục...) có thể khiến NTD đánh giá bạn thiếu tự tin và không nghiêm túc. Hạn chế nhìn xuống bàn vì ánh mắt tự tin rất quan trọng.
Đúng giờ, ăn mặc chỉnh tề, tác phong chuyên nghiệp, trung thực chia sẻ những khuyết điểm của mình và một nụ cười thân thiện sẽ là những “điểm cộng” cho cuộc phỏng vấn.
Một tấm bằng ĐH và một CV xuất sắc chưa đủ để thành công
Dù chương trình đã kéo dài hơn 90 phút so với kế hoạch nhưng hầu hết các bạn sinh viên vẫn nán lại đến phút cuối vì cảm thấy hội thảo đem lại nhiều điều bổ ích cho các bạn trước ngưỡng cửa việc làm.Điểm nhấn của chương trình là phần phỏng vấn thử. Ban tổ chức lựa chọn 5 ứng viên có CV xuất sắc nhất trong cuộc thi viết CV diễn ra trước chương trình. Chính trong phần phỏng vấn này, sinh viên tự rút ra đáp án cho câu hỏi “Một tấm bằng ĐH và một CV xuất sắc liệu đã đủ?”
Nhiều bạn trẻ tưởng rằng câu hỏi phỏng vấn sẽ “sát hạch kiến thức chuyên môn” rất gắt gao. Thế nhưng, cả ba ông (Jos Langens - TGĐ VNRecruitment, ông Mohalam Gonux và ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch Tritri Corp) khiến các ứng viên lúng túng khi tiếp nhận những câu hỏi rất đời thường như: “Thất bại lớn nhất trong cuộc đời bạn là gì? Bạn học được điều gì từ đó?”, “Bạn có suy nghĩ gì khi sếp giao cho bạn rất nhiều việc trong khi người đồng nghiệp bên cạnh bạn lại rảnh rang?”…
Giải thích cho việc đặt ra những câu hỏi này, ông Lý Trường Chiến cho biết: “Theo kết quả khảo sát, 90% sinh viên cho rằng điều doanh nghiệp yêu cầu cao nhất ở các bạn là kiến thức chuyên môn. Thực tế, hơn 80% doanh nghiệp quan tâm đến cách các bạn suy nghĩ về thế giới xung quanh, về bản thân, thái độ với công việc, với đồng nghiệp…”.