"Mốt" đổi việc
Lượt xem: 16,769
Đổi việc xoành xoạch, một năm nhảy qua vài chỗ làm đang là "mốt" của không ít bạn trẻ hiện nay. Nhiều bạn đã làm con đường nghề nghiệp của mình dang dở khi cứ mãi "đứng núi này, trông núi nọ". Nhưng cũng không ít bạn thăng tiến vùn vụt, sau mỗi lần thay đổi.
Những "vận động viên" nhảy... việc
Nguyễn Ngọc Ánh, nhà ở Đồng Nai, được xem là "vận động viên nhảy... việc" với "thành tích" 10 chỗ làm trong ba năm. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Ánh chọn con đường "trụ" lại TP.HCM để lập nghiệp dù gia đình đã sắp xếp cho cô một chỗ làm yên ổn dưới quê. Mới ra trường, gần như việc nào Ánh cũng nhận nhưng rồi lại chán ngay sau đó vì cảm thấy không phù hợp, thu nhập thấp và đi tìm một công việc mới có mức lương cao hơn. Có nơi chưa kịp ngồi ấm chỗ, Ánh đã lại chuyển qua chỗ khác. Kết quả là đến nay, bản sơ yếu lý lịch xin việc của Ánh không thể nêu bật được một kinh nghiệm cụ thể nào xuất sắc, đơn giản vì đã làm qua nhiều công việc khác nhau, chẳng cái nào liên quan cái nào.
25 tuổi, Đỗ Nguyễn Hải Yến là một trường hợp khác. Từng làm việc tại Khu du lịch, giải trí trên đảo Vinpearl (Nha Trang) với mức lương ổn định. Những tưởng Yến đã yên vị với chỗ làm tốt này nên ai cũng trố mắt ngạc nhiên khi nghe tin Yến đã chuyển sang hợp tác cùng Đông Tây Promotion phụ trách quảng bá cho cuộc thi Vietnam Idol lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Từ khoảng cuối năm 2007, sau khi kết thúc nhiệm vụ với Vietnam Idol, mọi người lại thấy Yến công tác tại Vietnam Online Network, trong nhóm phụ trách thông tin www.timnhanh.com. Về lý do chuyển qua nhiều việc như thế, Yến giải thích: "Cái mình mong muốn nhất là một công việc mang đến nhiều khả năng, cơ hội để phát huy".
Dù đang là sinh viên năm thứ ba nhưng thành tích "nhảy" việc của Thanh Hùng (ĐH Ngoại thương) cũng rất đáng nể: ba năm bốn công ty, chưa kể một số việc cộng tác khác. Hùng đặt mục tiêu năm 30 tuổi là giám đốc marketing cho một tập đoàn hàng đầu Việt Nam, trước năm 35 tuổi phải là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực marketing tại Việt Nam, với định hướng chuyên về mảng hàng tiêu dùng nhanh.
Con đường mà Hùng xác định để đạt được mục tiêu này là vừa học vừa tranh thủ tìm cơ hội làm việc tại những công ty marketing hàng đầu. Cách mà Hùng chinh phục đỉnh cao rất quyết liệt: 6 tháng trong vai trò trợ lý giám đốc PS 100 chuyến đi Mỹ, Pháp, Úc; 3 tháng làm việc cho SMART, một trong những công ty hàng đầu về nghiên cứu thị trường, để học hỏi làm thế nào có được một bản nghiên cứu thị trường tốt; một năm làm việc cho VENUS, một liên doanh của tập đoàn quảng cáo lớn thứ 7 thế giới tại Việt Nam, để tìm hiểu về quy trình làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo trong ngành quảng cáo... Sau mỗi lần đổi việc, Hùng lại càng "cứng cáp" hơn trong nghề, hiện đang được xếp vào hàng ngũ nhưng sinh viên "ngàn đô" (thu nhập).
Nhà tuyển dụng nói gì?
Với nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở như hiện nay, các bạn trẻ ngày càng dễ "kén cá chọn canh" hơn. Các bạn cũng ưa thích sự thay đổi để làm mới mình và luôn muốn đi tìm những thử thách. Bà Tam Thiên Trang - phó giám đốc Công ty cung ứng nguồn nhân lực Netviet cho biết, hiện tượng "nhảy" việc hiện rất phổ biến. Theo bà, các công ty đang trong cơn khát nhân lực cấp cao, một số quay sang dành giật nhân lực của nhau bằng mọi phương thức chiêu dụ. Nhiều cơ hội lựa chọn khiến những ứng viên vừa có được chút kinh nghiệm đã "đứng núi này trông núi nọ".
Giải thích về con đường "nhảy" việc của mình, Thanh Hùng bảo thay vì cách đi "chính thống", từ từ đạt đến sự nghiệp mà mình muốn tại cùng một chỗ làm, thì anh chọn các mảng, miếng để học tại các công ty. Khi nhận một công việc, Hùng luôn dành thời gian nghiên cứu kỹ xem công việc đó giúp mình học hỏi được gì, đạt được điều gì trên con đường đi tới mục tiêu.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng thành công như Hùng. Theo các chuyên gia lao động, về lâu dài việc này vẫn hại nhiều hơn lợi. Ông Nhan Quốc Vinh - giám đốc kinh doanh Công ty tư vấn và dịch vụ nhân sự Le & Associates phân tích: Điều quan trọng là các bạn có được định hướng nghề nghiệp cho mình. Nhiều bạn hay chê môi trường làm việc không phù hợp, nhưng lại không nghĩ môi trường làm việc cũng là do chính mình và những người xung quanh cùng tạo nên. Các công ty cũng có phần lỗi khi chưa chứng minh được cho nhân viên biết họ sẽ được gì khi làm việc tại công ty, chưa vẽ được sơ đồ thăng tiến trong bộ máy để các bạn phấn đấu.
Ở một góc độ khác, Bà Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc công ty cổ phần kết nối nhân tài (TalentNet Corporation) - cho rằng cuộc đua của nhiều bạn trẻ trên con đường "nhảy" việc lại thường chỉ chạy quanh tiền lương và chiếc ghế có "oách" hay không tại chỗ làm mới. Bà chia sẻ: "Lớp trẻ hiện nay muốn đốt cháy giai đoạn để thăng tiến nhanh. Nhiều ứng viên trẻ chỉ quan tâm đến mức lương, vị trí... mà quên rằng cần trang bị một nền tảng kiến thức, kỹ năng cần thiết. Mỗi năm nhảy một công ty, thậm chí trong vòng 2 năm họ có thể nhảy đến ba bốn nơi. Trước mắt, khi nhảy việc, họ có thể được tăng lương, thăng chức... Nhưng về lâu dài, những người này khó trở thành nhà quản trị giỏi. Họ thiếu trải nghiệm để phát triển những kỹ năng cần thiết cho vị trí nhân sự cấp cao".
Top những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất:
Tìm việc làm | Việc làm Quy Nhơn | Highlands coffee tuyển dụng | Việc làm tết | nhà hàng gần đây tuyển dụng | việc làm online tại nhà tphcm | việc làm part time cho sinh viên tphcm | pouyuen tuyển dụng | product manager