Muôn vàn lý do để những người trẻ làm giám đốc

Lượt xem: 19,478

Anh Nguyễn Minh Hiếu - Phó Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và phát triển công nghệ Thành Phát. Ảnh NA.

Những câu hỏi như "Làm giám đốc dễ hay khó?", "Kinh doanh giống như cuộc "thưởng ngoạn" hay là cuộc vật lộn trên thương trường?", mỗi lãnh đạo trẻ tuổi lại có câu trả lời riêng. Con đường dẫn họ tới chiếc bàn có gắn mác "GIÁM ĐỐC" cũng lắt léo qua các nẻo khác nhau...


Nền kinh tế mở cửa và hướng tư duy độc lập là những tiền đề thuận lợi cho những người trẻ thể nghiệm bản thân trong vai trò lãnh đạo nói chung và kinh doanh nói riêng. Ngồi vào ghế giám đốc, sắm vai một ông chủ, điều hành và quản lý doanh nghiệp... không còn là một đích đến như trước. Giờ đây, đó là một phương tiện để họ khẳng định mình, hiện thực hóa các tham vọng, ước mơ mà ai cũng ấp ủ.

Ở khía cạnh đơn giản hơn, cũng có thể coi đó như một cuộc phiêu lưu, thử "xem làm lãnh đạo nó oách ra làm sao". Môi trường liên doanh, công ty nước ngoài hoặc tư nhân được cho là "đất diễn" lý tưởng cho các "tiểu gia" trổ tài khoe trí.

Sao không nghĩ tới việc làm chủ một công ty lớn?

Đang là giảng viên bộ môn Kế toán, Kiểm toán tại trường đại học Hồng Đức - một công việc có vẻ rất "ngon lành" trong mắt nhiều người, lại có vẻ phù hợp với bề ngoài "hiền hiền" của mình, thế mà vào một ngày đẹp trời, Trương Việt Dũng quyết định đổi nghề. Dũng sẽ "gác bút nghiên" để theo nghiệp làm kinh doanh. Một quyết định làm cho không ít bạn bè, người thân phải "choáng váng".

Suy nghĩ "lập công ty hoạt động như thế nào mới khó" cũng khiến anh đôi chút đắn đo, nhưng nó nhanh chóng bị "thổi bay" bởi quan điểm "làm cho công ty nhà nước hay các công ty lớn thì cũng chỉ là đi làm thuê". Cùng với một số người bạn cũng thích tự do, thích hoạt động độc lập, họ cùng lập nên một công ty cổ phần truyền thông.

Công việc kinh doanh độc lập khiến anh "cảm thấy thoải mái và được thể hiện những gì mình biết qua công việc hàng ngày". Cho tới lúc này, anh chưa bao giờ thấy hối tiếc - và có lẽ cũng không có nhiều thời gian để hối tiếc - về quyết định thay đổi của mình.

Dũng không ngại bày tỏ mong muốn: "Nếu mà mình làm cho công ty của mình lớn được như các công ty kia thì thích hơn. Mình có thể hy vọng, một ngày nào đó công ty mình sẽ lớn hơn gấp nhiều lần bây giờ. Tại sao nghĩ đến việc làm thuê cho công ty lớn, mà không nghĩ có ngày mình sẽ làm chủ một công ty lớn?".

Trước xu hướng rất nhiều người mở công ty để hoạt động động lập và để làm sếp như hiện nay, vị sếp trẻ này cho rằng: "Bây giờ ai có tiền, thành lập công ty là làm sếp được, nhưng để làm được sếp giỏi thì khó lắm".

Tự do theo đuổi khát vọng

Ngay cả khi không có (nhiều) tiền, những con người ôm đầy "chí lớn" vẫn quyết mở công ty riêng.

Sau khi ra trường, Trịnh Quốc Phương làm kiến trúc sư trong một cơ quan của nhà nước theo đúng ý nguyện của bố mẹ. Bố mẹ Phương thuộc về thế hệ trước - thế hệ của "những người mang nặng tư tưởng khi ra trường có một công việc ổn định, của nhà nước, được chu cấp, bảo hiểm v..v.. để mà không phải lo lắng gì, sống ngày hôm nay không phải nghĩ tới ngày mai và cứ đến tháng là lĩnh lương, cuộc sống không bấp bênh".
Tận hưởng cuộc sống "không phải nghĩ tới ngày mai và cứ đến tháng là lĩnh lương" được nửa năm, Phương cảm giác rằng có một cái gì đó rất không ổn trong cách làm việc. Cơ chế trì trệ trong công ty nhà nước bắt đầu khiến Phương "sốt ruột" và anh quyết định "bắt tay ra ngoài làm". Bước vào kinh doanh, những sự hỗ trợ mà bạn bè dành cho anh chủ yếu là mặt "tinh thần". Thậm chí, ngay cả sự ủng hộ về mặt "tinh thần" đó, anh cũng ít nhận được từ gia đình.

Động lực thôi thúc Trịnh Quốc Phương tới vai trò Giám đốc "trước hết xuất phát từ đam mê kinh doanh. Sau đó thì bất kỳ doanh nhân nào ra ngoài kinh doanh thì còn có các yếu tố hướng tới, thứ nhất là về mặt cải thiện cuộc sống vật chất, thứ hai là về mặt công danh, sự nghiệp, và cái quan trọng nhất là được làm những gì mình thích". Mặc dù đi trái với "quan điểm" của bố mẹ, và không nhận được nhiều sự hậu thuẫn và kế thừa về mặt tài chính, nhưng Phương vẫn tự tin khẳng định: "Chỉ có được làm những gì mình thích thì độ thành công mới cao".

Do ... hoàn cảnh xô đẩy

Lại có nhiều người cho rằng cơ duyên khiến họ mở công ty, rồi làm giám đốc là một sự tình cờ và đôi khi chỉ do "hoàn cảnh xô đẩy". Nguyễn Minh Hiếu - Phó Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và phát triển công nghệ Thành Phát thường nói vui như thế về "hoạn lộ" của mình.

Khi mới ra trường, Hiếu cũng trải qua một thời gian "ngậm ngùi" làm nhân viên kỹ thuật cho một công ty chuyên về buôn bán và sửa chữa máy tính. Công việc sửa chữa máy móc nhiều khi không tránh khỏi việc làm khách hàng không vừa lòng. Khi thấy khách hàng phàn nàn, chẳng cần tìm hiểu nguyên nhân là gì, việc đầu tiên sếp làm là ..."quạt" cho nhân viên một trận cái đã. Nhiều lần bị "quạt" oan như vậy, không tức mới là lạ. Sự ấm ức khiến không ít nhân viên "nuôi chí"... mở công ty riêng, làm ăn độc lập.

Sau 3 năm làm việc, với số vốn kha khá đã tích lũy được, và các mối quan hệ khách hàng ổn định, Hiếu cùng một người bạn của mình đã tách ra, mở công ty riêng. Không chỉ riêng Hiếu mà có ít nhất 5 người từ công ty cũ của anh đã tách ra và mở công ty riêng, và hiện tại đang giữ vị trí Giám đốc, Phó Giám đốc. Hiếu vẫn đùa rằng công ty cũ của anh đúng là một "cái nôi ươm mầm" giám đốc...

Trường hợp của Hiếu là do bị sếp cũ "xô đẩy" tới chức Phó Giám đốc. Nhưng Ngô Quốc Khang và nhiều "ông chủ" trẻ khác lại "tự xô đẩy" mình tới những thách thức để chinh phục các khát vọng. Ngô Quốc Khang - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Quốc tế Vĩnh Khang bộc bạch: "Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy những điều mình muốn lớn hơn những điều mình đang có, vì vậy tôi tách ra thành lập công ty riêng và muốn có một sự nghiệp riêng".

Với Khang, bước chân vào kinh doanh cũng chính là lối đi để anh có thể xóa đi ký ức về cái nghèo. "Khi là học sinh lớp 6, tôi đi thi học sinh giỏi và được bố mua tặng cho đôi giày ba ta. Năm lớp 7, giày rách rồi mà vẫn chưa có tiền mua dép. Bị bạn bè chê đã đành, đằng này, lên bảng, cô giáo nhắc "dù nhà có nghèo đến mấy thì cũng phải mua đôi dép đi chứ". Không hiểu sao, điều đó chạm đến lòng tự ái của tôi, không phải là lòng tự ái trẻ con mà là một cảm giác bị xúc phạm thực sự. Gia đình tôi lúc đầu không ai làm kinh tế và tôi nói với bố mình rằng, tôi muốn biến những gì mình có thành một sự khẳng định với xã hội, từ tri thức tới tiền bạc. Tôi muốn mọi thứ phải khác đi".

Làm sếp không phải để "giải quyết khâu ... oai"

Cũng có nhiều "ông chủ nhỏ" là con nhà nòi, được sinh ra trong những gia đình của các "ông chủ lớn". Khởi nghiệp của họ bằng phẳng hơn so với các giám đốc trẻ phải tự thân vận động. Họ có tiền, các mối quan hệ, cũng như kinh nghiệm kinh doanh "gia truyền".

Không thể phủ nhận là ở một thời điểm nào đó, mở công ty để gắn mác giám đốc từng được cho là một thứ mốt thời trang. Nhưng dù cho xuất phát điểm của mỗi người là gì, thách thức và gian nan cũng chẳng bao giờ ưu ái hay thiên vị cho bất kỳ ai muốn làm sếp.

Đã và sẽ có rất nhiều người thành công cũng như nhiều người hy vọng hoặc ảo tưởng vào thành công. Để rồi, những phen "ngã ngựa" và xô xát thực tế khiến các ông chủ trẻ "ngấm đòn" và sớm hiểu rằng: trong môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, tham gia vào thương trường nghĩa là bước chân vào một cuộc chiến thực sự, chứ không phải để cho oai! Và rõ ràng là làm sếp không hề "sướng nhỉ", "thích nhỉ" như nhiều người vẫn trầm trồ.

Đằng sau vẻ "trông rất oách" đó là những ngày bận rộn "tối mắt tối mũi", những lần bị o ép, căng thẳng và mệt mỏi, thấp thỏm chờ đợi sự đón nhận của thị trường, vò đầu bứt tóc rồi cả nỗi gian truân của người phải gánh trên mình miếng cơm manh áo của chục (hoặc trăm, nghìn) con người khác...

Sẽ có những người bỏ "cuộc chơi" giữa chừng, và sẽ có những người kiên trì đi tiếp. Lúc đó, các sếp trẻ chấp nhận trả giá cho thực tế: bên cạnh những thành quả quý giá, cũng còn vô vàn cái mất khó "cân, đong, đo, đếm".

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay