Năm bước tìm việc đầu tiên
Lượt xem: 14,136Bước 1: Định hướng
Sau 4 (5 hoặc 6) năm học, bạn đã hoàn toàn xác định được công việc bạn muốn làm chưa? Nếu chưa, thì đây chính là thời điểm bạn tìm ra ưu điểm của mình và xác định ngành nghề phù hợp với bạn.
Bạn có phải người thích giao lưu gặp gỡ không? Hay bạn thích tính toán những con số hoặc thích viết chương trình máy tính? Khi bạn nghĩ về kế hoạch nghề nghiệp cho tương lai, bạn hãy xem xét tất cả những điểm mạnh, điểm yếu, những lĩnh vực bạn thích. Hãy đọc các tài liệu về lĩnh vực mà bạn thích, nói chuyện với những người đang làm về lĩnh vực đó. Bạn nên tập trung vào lĩnh vực cũng như các vị trí phù hợp với sở thích và năng lực của mình.
Bước 2. Tìm kiếm thông tin
Việc tìm hiểu về công ty bạn thích rất quan trọng. Đồng thời bạn cũng nên xem xét tới các cơ hội công việc khác. Bạn cũng có thể tìm hiểu về các công ty hoặc các ngành nghề mà trước đây bạn chưa bao giờ nghĩ tới. Khi đã tìm được công ty bạn thực sự muốn ứng tuyển, bạn nên vào trang web của công ty đó để tìm hiểu thông tin. Tiếp cận với các nhân viên của công ty đó để có thêm thông tin cũng là một cách rất tốt.
Bước 3: Tập trung những công cụ
Dùng một công cụ để giải quyết tất cả các nhiệm vụ là điều không thể. Bạn cần công cụ gì để tìm kiếm một công việc? Cái quan trọng bạn cần là một sơ yếu lý lịch, một lá thư xin việc và một hồ sơ. Bạn nên dành thời gian chuẩn bị một sơ yếu lý lịch và lá thư xin việc nói về những điểm mạnh và kinh nghiệm của mình. Khi viết những tài liệu đó, cần lưu ý:
Bạn nên chọn kiểu sơ yếu lý lịch. Với các bạn mới ra trường, chưa có kinh nghiệm làm việc nên chọn kiểu sơ yếu lý lịch chức năng. Kiểu sơ yếu lý lịch này nhấn mạnh vào khả năng của bạn hơn là về kinh nghiệm làm việc.
Bạn không nên mô tả về nhưng việc bạn đã làm, mà hãy nhấn mạnh vào những thành tích và kết quả mà bạn đạt được.
Nếu bạn không có kinh nghiệm làm việc, hãy viết về những hoạt động bạn đã tham gia ở trường, những đợt tham gia tình nguyện hoặc những công việc làm thêm của bạn. Hãy đánh giá cao những công việc bạn đã làm và thuyết phục nhà tuyển dụng về khả năng áp dụng những kinh nghiệm đó vào công việc bạn đang ứng tuyển.
Bước 4: Có một hệ thống tìm kiếm thông tin
Bạn nên tận dụng tất cả các nguồn thông tin để tìm kiếm việc làm như phòng giới thiệu việc làm của nhà trường, những sinh viên tốt nghiệp khóa trước hiện nay đã đi làm, giáo viên cũ của bạn hoặc những người hàng xóm của bạn. Bạn hãy gửi email cho họ để hỏi về các cơ hội việc làm mà họ biết. Bạn cũng có thể hỏi họ thông tin về công ty mà bạn đang muốn ứng tuyển. Họ và những người xung quanh họ chính là nguồn thông tin sống giúp bạn thành công.
Bước 5: Không bao giờ từ bỏ
Chắc chắn sẽ có rất nhiều thử thách trong thời gian bạn tìm kiếm công việc đầu tiên. Bạn hãy sẵn sàng đón nhận thực tế rằng bạn sẽ phải bắt đầu từ con số 0. Có thể bạn bị từ chối khi đi xin việc, những tất cả mọi người đều trải qua chuyện đó. Bạn chỉ cần nhớ là luôn phải chủ động giải quyết mọi khó khăn mà bạn dự đoán trước, kiên trì, và luôn tự tin rằng có một công việc rất tuyệt vời đang chờ đón bạn.