Năm năm sau tôi sẽ ở đâu?
Lượt xem: 14,043Đây là một trong những câu hỏi thường đi theo chúng ta đến suốt cuộc đời. Tôi còn nhớ vào năm 4 tuổi, có lần mẹ tôi hỏi “ Danny, sau này lớn lên con muốn làm gì?”. Lúc ấy tôi rất muốn trả lời rằng “ Con muốn làm siêu nhân”.
Sau đó vào năm học lớp 6, tôi phải viết một bài làm văn về nghề nghiệp mình chọn trong tương lai. Tôi đã chọn trở thành một kỹ sư hàng không. Tôi thường xem người ta giới thiệu về nghề này trên truyền hình và cảm thấy rất thích. Kết quả là tôi đã đạt được điểm “A” cho bài viết này.
Rồi đến năm 17 tuổi, một thầy giáo đã khuyên tôi: “Dan, tôi nghĩ em sẽ trở thành một người quản thủ thư viện tuyệt vời đấy”. Tôi vô cùng lo sợ và lập tức nói ngay với ông ta “Xin thầy đừng nói cho ai biết về điều này”. Lúc ấy, trong suy nghĩ của tôi quản thủ thư viện là công việc của một phụ nữ luống tuổi, ngồi lỳ một chỗ và luôn sẵn sàng cau có với bất kỳ học sinh nào.
Mãi đến năm 35 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học nhiều năm và kinh qua nhiều công việc khác nhau, tôi mới khám phá được niềm đam mê thật sự của mình, đó là trở thành một nhà tư vấn nghề nghiệp. Tôi muốn được giúp đỡ mọi người tránh khỏi những sai lầm mà tôi đã gặp phải.
Hiện nay, có rất nhiều người ở độ tuổi 30,40, 50,60 và thậm chí 70 vẫn đang cố gắng tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi "thực sự họ mong muốn làm công việc gì trong đời mình?". Trong số đó, không ít người không biết phải làm gì ngoài việc để mọi thứ trôi xuôi.
Nếu bạn hỏi một em bé “ Cháu muốn làm gì khi lớn lên?”, em bé sẽ trả lời bằng cách liên hệ đến những hình ảnh thường thấy như: cảnh sát, y tá, cầu thủ bóng đá, giống như tôi đã từng muốn trở thành siêu nhân vậy. Tôi chưa bao giờ nghe một đứa trẻ nói là “ Con muốn trở thành một Nhà phân tích hệ thống, Kỹ sư nông nghiệp, Biên tập viên". Hầu hết chúng ta chưa bao giờ hình dung được sự rộng lớn trong thế giới công việc. Hay nếu biết, chúng ta lại còn quá trẻ để chú ý đến. Giờ đây, khi đã trưởng thành, chúng ta lại trở nên lúng túng về những điều mình không biết.
Sự lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất chỉ có thể đạt được bằng cách kết hợp hài hoà giữa các kỹ năng, giá trị và mối quan tâm. Sự thật là tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra rằng “ Mối quan tâm” chính là chất xúc tác quan trọng đem đến sự hài lòng trong công việc. Giả thuyết này có nghĩa là, nếu bạn làm một công việc mà mình yêu thích, bạn sẽ cảm thấy thỏai mái, vui vẻ, hết lòng với công việc..
Đáng buồn thay, trên thực tế, các quyết định nghề nghiệp lại thường được đưa ra dựa trên các kỹ năng và tiền lương hơn là niềm đam mê thật sự. Nếu bạn cũng đã từng thế thì đã đến lúc tự đặt câu hỏi này cho chính mình “ 5 năm sau tôi sẽ ở đâu?” Nếu bạn không thể tìm được lời giải đáp, điều đó có nghĩa là 5 năm sau bạn sẽ cảm thấy ảm đạm và thất vọng hơn nhiều so với quãng thời gian đã qua. Bạn đang ở đâu vào ngày hôm nay? Bạn dự định ở đâu 5 năm trước đây?
Sự hài lòng trong nghề nghiệp gắn bó chặt chẽ với các mối quan tâm. Bạn càng cố tình gạt bỏ, bạn càng không hạnh phúc. Nếu bạn không biết phải làm gì, hãy thử quan sát một nhóm trẻ em đang chơi đùa bên cát và hỏi chúng về ước muốn khi lớn lên.
Đứa trẻ đang bận rộn xây toà lâu đài cát có thể trở thành một kiến trúc sư, kỹ sư, nhà xây dựng trong tương lai . Đứa trẻ chia sẻ đồ chơi và hoà đồng với mọi người sẽ là nhà tư vấn, nhân viên xã hội, nhà môi giới. Đứa trẻ đang phân phát xẻng, xô và quyết định bạn nào chơi kế tiếp là nhà lãnh đạo, quản lý và giám đốc. Đâu là hình ảnh bạn mong muốn trở thành?
Trò chơi này có lẽ không còn được bạn yêu thích nữa, tuy nhiên bạn vẫn có thể hướng sự nghiệp của mình về gần hơn với các mối quan tâm tự nhiên. Hãy thu thập các thông tin về nghề nghiệp trên các website và hỏi thăm ý kiến của những người làm việc trong lĩnh vực bạn quan tâm. Bạn cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của những nhà tư vấn hướng nghiệp. Hãy bỏ thời gian để tìm ra những điều bạn chưa biết. Câu trả lời sẽ tự đến sau đó.
Cuối cùng, hãy tự chọn cho mình một cuộc sống thật vui vẻ và hạnh phúc!