Nên hay không nhận việc như phương án dự phòng?
Lượt xem: 34,548Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
lập trình viên, liệu bạn có nên nhận việc khác như một phương án dự phòng?"}">Trong khi chờ kêt quả ứng tuyển các công việc bạn yêu thích như kỹ thuật viên, lập trình viên, liệu bạn có nên nhận việc khác như một phương án dự phòng?
Tìm việc là một nhiệm vụ không xác định thời hạn, và quá trình từ lúc gửi hồ sơ cho đến khi nhận được lời mời làm việc (job offer) có thể phải kéo dài qua nhiều tháng. Vậy trong khi chờ đợi tin tức từ công việc mơ ước thì việc chấp nhận một công việc khác ít tương xứng với mong đợi hơn như phương án dự phòng có phải là bước đi thông minh không?
Lolly Daskal – nhà tư vấn và huấn luyện phát triển khả năng lãnh đạo – điều hành, người sáng lập Lead From Within – đã chỉ ra một số rủi ro khi làm việc thực tế với các nhà tuyển dụng. Một ứng viên đã đưa ra câu hỏi rằng: “Tôi đã đi dự phỏng vấn ứng tuyển vào một công việc mình hằng mơ ước. Tuy nhiên vấn đề là nhà tuyển dụng nói rằng, do quy trình, họ sẽ chưa thể đưa ra quyết định chính thức cho đến tháng sau. Trong khi đó, tôi lại nhận được offer làm một công việc khác cũng khá ổn, nhưng không thích bằng. Vậy tôi có thể nhận offer này như phương án dự phòng, rồi sau đó xin nghỉ nếu giành được vị trí mơ ước?” Người tìm việc có nên hành động như vậy chăng hoặc tình huống này liệu có gây ra tác động xấu nào hay không? Cùng CareerViet.vn tham khảo lời khuyên của chuyên gia Lolly Daskal, bạn nhé!
Lolly Daskal cho rằng đây là một câu hỏi phức tạp, mà lời tư vấn có thể gây tranh cãi và nhận được khá nhiều ý kiến đa chiều mạnh mẽ. Đã có vài lần hiếm hoi trong quá trình làm nghề, với tư cách là nhà tư vấn và huấn luyện nghề nghiệp, cô cũng khuyên mọi người nên nhận làm việc trong khi tiếp tục cân nhắc một việc khác. Tuy nhiên, phương án này không được khuyến khích, bởi làm như vậy sẽ gây ra những thiệt hại trên vài phương diện:
- Thiệt hại cho danh tiếng và hình ảnh của bạn. Bất cứ ai biết được chuyện này cũng sẽ không còn tin tưởng lời nói của bạn nữa. Và một khi điều này xảy ra, sẽ rất khó để có thể kiến thiết lại lòng tin này trong suy nghĩ của người khác. Mọi người đều thích được làm việc với người có thể tin cậy, thế cho nên hành động “nói một đằng – làm một nẻo” chỉ khiến cho hình ảnh và danh tiếng của bạn trở nên xấu đi.
- Thiệt hại cho người khác. Vì bạn đã đưa ra quyết định nên một người khác sẽ không thể có được công việc này. Và bây giờ khi bạn bỏ việc, nhiều khả năng người đó cũng đã tiếp nhận công việc khác – một vị trí họ buộc phải chọn để ổn định cuộc sống dù chưa phải mong muốn lớn nhất.
- Thiệt hại cho nhà tuyển dụng. Sau khi bạn nhận lời, công ty đã đầu tư thời gian và tiền bạc để đào tạo, hướng dẫn và giúp bạn hoà nhập tổ chức. Họ lên nhiều kế hoạch trong đó có sự tham gia của bạn. Họ ngừng phỏng vấn ứng viên vì đã có bạn đảm nhiệm. Vậy nên, khi bạn dừng lại, họ phải bắt đầu quy trình tuyển dụng một lần nữa. Tức là mất gấp đôi thời gian để tìm một người mới. Tất nhiên, các vị trí chưa được lấp đầy sẽ khiến công ty tiêu tốn khoản chi phí đáng kể.
Tại những doanh nghiệp lớn, điều này có thể được chấp nhận và không bị xem là vấn đề quá lớn. Nhưng với những công ty nhỏ hơn đây thực sự là một thiệt hại. Vì vậy, bạn hãy cố gắng tìm hiểu cặn kẽ mọi thứ, càng nhiều càng tốt về công ty khi còn đang trong quá trình cân nhắc. Ví dụ như dạo quanh các website, trang mạng xã hội, trang nghề nghiệp hoặc Talent Network của các công ty nhằm có thêm hình dung và hiểu biết về bến đỗ tương lai. Cẩn trọng đo lường “trọng lượng” của tất cả lựa chọn để đưa ra quyết định phù hợp nhất với bản thân.
Nhưng vẫn còn khía cạnh khác để bạn xem xét
Đôi khi những cơ hội chúng ta có không phải là cơ hội mà chúng ta nghĩ mình đang tìm kiếm. Trước khi khiến bản thân bị mắc kẹt trong một công việc “đáng ghét”, bạn cần phải tự hỏi chính mình và nghiêm túc xem xét những điều sau:
- Một việc khác mới là công việc mơ ước của mình?
- Khả năng lãnh đạo có khiến bạn chán nản?
- Văn hoá doanh nghiệp có là cơn ác mộng?
- Công việc này không đúng như những gì bạn từng nghĩ?
- Lời đề nghị làm việc này có mang đến cho bạn cơ hội hiếm khi lặp lại không?
- Công việc mới này có khiến tâm trí bạn thoải mái khi nghĩ đến việc chi trả các hoá đơn và nhu cầu cuộc sống?
Những tình huống này có nghĩa là bạn muốn phá vỡ cam kết của mình. Nhưng để làm như thế đòi hỏi bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
- Luôn thành thật. Giải thích thật đầy đủ chi tiết, thẳng thắn nhất về lý do vì sao vị trí mới này không phù hợp với bạn.
- Biết hối tiếc. Gửi lời xin lỗi chân thành và cố gắng thuyết phục người nghe rằng đây không phải điều bạn thường làm.
- Có sự cảm thông. Bày tỏ rằng bạn hiểu những bất tiện mình đang gây ra. Hãy đề nghị với công ty, nếu bạn có thể giúp được việc gì đó như điều chỉnh thời gian nghỉ việc hoặc các thủ tục, thao tác liên quan khác.
- Đủ can đảm. Ghi nhớ rằng bạn đang trong một hoàn cảnh đặc biệt và làm những việc mình không làm thường ngày.
- Là chính mình. Luôn nói những điều từ trái tim và thành thật trong suốt cuộc trò chuyện.
Rất hi vọng rằng công ty sẽ hiểu cho bạn. Nhưng nhớ đừng bao giờ cho phép điều này trở thành một thói quen. Hãy đảm bảo rằng danh tiếng của bạn vẫn luôn nguyên vẹn bằng cách làm đúng điều mình nói và giữ lời hứa.
CareerViet.vn chúc bạn sẽ luôn may mắn và thuận lợi nếu phải đối diện với tình huống như thế này nhé!
Nguồn hình: Freepik