Nếu bạn gặp phải đồng nghiệp "khó chịu"
Lượt xem: 39,664Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Hiện nay, một số việc làm như content creator, headhunter, tuyển dụng kế toán, việc làm Ninh Thuận, shopee tuyển dụng, giám sát an toàn, việc làm tiếng Nhật,... được đánh giá là những công việc hot. Nhưng bất cứ công việc nào thì bạn vẫn không tránh khỏi một số đồng nghiệp “khó chịu”. Không may cho bạn, vừa bị giao một dự án với khối lượng công việc rất lớn nhưng người cùng thực hiện lại là một đồng nghiệp rất... "khó chịu" và bất hợp tác. Bạn nên làm gì trong trường hợp này? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra cách ứng xử phù hợp với những đồng nghiệp khó chịu ấy.
Xác định nguyên nhân bất hợp tác
Bạn phải xác định được đích xác sự "khó chịu" mà đồng nghiệp ấy gây ra bắt đầu từ đâu. Đó đơn giản là do mâu thuẫn giữa bạn và họ, do sự cố ý chống đối hay vì một lý do nào đó khác nữa. Nhận định được tình huống và bản chất của vấn đề sẽ là một yêu cầu quan trọng để giúp bạn quản trị được tốt hơn công việc và tránh cho "khủng hoảng leo thang".
Chỉ tiếp xúc khi cần thiết
Nếu như bạn biết rằng, sự "khó chịu" của đồng nghiệp mà bạn cảm nhận được chỉ có nguyên nhân đơn giản là vì cô ấy/anh ấy liên tục phàn nàn hoặc thích "buôn" chuyện thì hãy giới hạn thời gian tiếp xúc với họ. Tốt nhất là bạn chỉ nên gặp gỡ và trao đổi với những người đó khi yêu cầu công việc đòi hỏi.
Trong trường hợp họ cố tình không hiểu thái độ của bạn, bạn có thể nhẹ nhàng giải thích cho họ hiểu rằng những gì họ làm đang làm bạn không thoải mái và bạn muốn họ không tiếp tục làm phiền bạn nữa.
Thắng thắn và cùng nhau giải quyết
Trong trường hợp vấn đề của bạn và người đồng nghiệp này ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ và chất lượng của công việc, bạn hãy gặp và trao đổi thẳng thắn với họ. Hãy yêu cầu họ gặp bạn một cuộc gặp riêng, giải thích một cách nhã nhặn lịch thiệp quan điểm của bạn và cùng đưa ra hướng giải quyết vấn đề, tránh ảnh hưởng tới công việc.
Nếu như người đồng nghiệp đó sẵn sàng đối thoại và đi đến một thoả thuận hợp tác, hãy bày tỏ sự biết ơn với họ. Bằng cách đánh giá cao thái độ ấy của họ, bạn có thể tạo ra và thúc đẩy những yếu tố tích cực trong mối quan hệ của hai người, thậm chí có thể làm cho mối quan hệ của hai người tốt hơn hẳn sau dự án.
Báo cáo với cấp trên nếu tình hình nghiêm trọng
Nếu đồng nghiệp của bạn từ chối thoả hiệp và tiếp tục gây rối, hãy thắng thắn báo cáo với cấp trên. Hãy làm tương tự như bạn đã làm với người đồng nghiệp ấy: Đề xuất một cuộc họp riêng với sếp, giải thích tình huống, mô tả các bước bạn đã giải quyết tình huống ấy và nêu quan điểm của mình để chờ quyết định của cấp trên.
Nếu bạn gặp vấn đề với chính... sếp
Nếu như người "đồng nghiệp khó chịu" mà bạn gặp phải chính là sếp, hãy giải quyết tương tự như với một đồng nghiệp bình thường. Tức là cũng có một cuộc gặp riêng, trao đổi thẳng thắn và nêu quan điểm cá nhân, đề xuất các phương án giải quyết bế tắc. Bạn thậm chí có thể đề xuất đưa lên cấp cao hơn nếu như người đồng nghiệp - sếp ấy vẫn từ chối bắt tay với bạn giải quyết khủng hoảng.
Tuyệt đối không "buôn" chuyện rắc rối này với đám đông
Đừng cố gắng phổ biến chuyện của hai người ra đám đông. Nếu bạn quá bức xúc, có thể chia sẻ với một hai đồng nghiệp, bạn bè. Đó cũng là một trong những cách hiệu quả để giảm bớt áp lực và biết đâu bạn sẽ nhận được những lời khuyên tốt.
Tuy nhiên tuyệt đối đừng mang chuyện này ra luyên thuyên giữa đám đông đồng nghiệp. Bởi bạn càng làm vậy, càng chứng tỏ bạn thiếu chuyên nghiệp mới đi "buôn" vấn đề mà mình không thể giải quyết với thiên hạ thế. Không những thế, tình hình sẽ càng trở nên tệ hơn khi lời nói được "nêm mắm muối" qua hàng chục cái miệng đến tai người đồng nghiệp kia của bạn, thì mọi chuyện sẽ trở thành "thảm hoạ" và mâu thuẫn giữa hai người sẽ càng sâu sắc hơn.
Đặt công việc lên hàng đầu
Lúc nào cũng vậy, ngay cả khi căng thẳng nhất, bạn cũng tuyệt đối không đưa cá nhân vào công việc, phải đặt công việc và hiệu quả của nó lên trên hết. Tuyệt đối không đưa cảm xúc của mình vào đó hoặc để cho cảm xúc lấn lướt cách hành xử của mình. Nếu không bạn sẽ tự đẩy mình vào ngõ cụt.
Tuyệt đối không "ăn miếng trả miếng"
Dù bạn có cảm nhận được rõ rằng người đồng nghiệp kia đang âm thầm phá hoại công việc của bạn thì bạn cũng không nên đáp trả bằng mọi giá. Một mặt, biết đâu chuyện này chỉ là vô ý và người đồng nghiệp kia hoàn toàn không nhận ra cô ấy/anh ấy đang phá hoại bạn (Một số người thường không để tâm đến những gì họ đang làm và không hiểu nó đang gây tác hại đến người khác thế nào). Mặc khác, ngay cả khi nó là chuyện cố ý thì bằng cách đáp trả như thế, bạn sẽ chỉ làm cho mình trở nên không đáng được tôn trọng trong mắt mọi người, thậm chí có thể đẩy cả bạn và người đó đến nguy cơ phải ngồi chiếc ghế nóng: mất việc.
Cẩn trọng và luôn có kế hoạch dự phòng
Trong trường hợp "cực chẳng đã", bạn biết chắc rằng đồng nghiệp đó đang phá hoại mình thì hãy chuẩn bị cho mình một kế hoạch dự phòng và luôn cẩn trọng với mọi giấy tờ cần thiết. Đích thân bạn phải tự làm tất cả những điều quan trọng nhất để đảm bảo sẽ không có sơ suất và người ta cũng không thể làm gì hại được bạn.
Chuyển việc
Nếu như trao đổi thẳng thắn với đồng nghiệp không có kết quả, nói với cấp trên cũng vô ích, bạn có thể yêu cầu được chuyển sang nhóm khác hoặc phòng khác hoặc thậm chí là xin chuyển cơ quan, tìm việc mới.
Kéo dài sự khúc mắc trong công việc, những bất đồng giữa đồng nghiệp với nhau bao giờ cũng sẽ làm cho bạn mệt mỏi và giảm hiệu quả làm việc. Điều đó lâu dài sẽ không tốt chút nào. Vậy nên, tìm hướng giải quyết càng sớm càng tốt sẽ là điều nhất thiết phải làm ngay.