Nếu sếp không chịu tăng lương
Lượt xem: 29,841Bỗng chốc ý nghĩ mình cần phải được tăng lương xuất hiện trong đầu bạn, và bạn chỉ nung nấu nó tối đa là 24 giờ trước khi bạn đưa ra đề xuất của mình, nhiều người còn tỏ ra sốt ruột hơn.
Vì, đó là chuyện cơm áo gạo tiền mà!
Phần lớn những người "bất chợt" muốn tăng lương và hành động một cách nóng vội đều gặp thất bại. Những người yêu cầu tăng lương đều có chung hai lý do hết sức phổ biến, đó là họ vừa đạt được một bằng cấp hoặc một chứng nhận nào đó về trình độ chuyên môn, và lý do thứ hai vô cùng phổ biến, đó là "giá cả leo thang".
Trong hai lý do này, lý do thứ nhất dễ được chấp nhận hơn. Vì nhiều người đã được tăng lương sau khi đạt được một trình độ nào đó. Còn lý do thứ hai là lý do khiến những đề xuất tăng lương bị từ chối nhiều nhất. Nhiều công ty còn ghi rõ trong quy định của mình là không có chính sách tăng lương để bù giá thị trường.
Quay trở lại chuyện tại sao bạn lại quyết định xin tăng lương. Bạn phải nhận thấy một điều chắc chắn rằng con đường để được tăng lương không phải là một quãng mà bạn chỉ cần đi trong vòng một ngày. Tại sao? Bởi vì nó không chỉ là việc bạn đề nghị tăng lương như thế nào, mà còn là chuyện bạn đã có kế hoạch gì và chuẩn bị như thế nào để chứng tỏ là bạn xứng đáng nhận được điều đó. Đơn giản nhất là trong trường hợp bạn không phải là một nhân viên tốt, có lẽ việc đề nghị tăng lương sẽ thành một chuyện nực cười.
Nguyên tắc là... nguyên tắc
Rất nhiều người quên mất các nguyên tắc cơ bản cần thiết làm căn cứ cho việc tăng lương. Bạn cho rằng việc bạn đến văn phòng trễ hơn giờ làm việc một chút thì chẳng liên quan gì tới việc bạn có được tăng lương hay không. Hay việc bạn không tuân thủ các nguyên tắc hành chính của cơ quan, hay bạn không hòa nhã lắm và không tạo không khí tốt khi làm việc với đồng nghiệp. Bạn hay quên, bạn chỉ tỏ ra tôn trọng cấp trên về mặt lý thuyết, thực tế bạn chẳng có một chút thành ý nào với họ? Bạn hay phàn nàn về quyền lợi của mình, bạn thực sự chưa tự giác, chưa nỗ lực và chưa có các sáng kiến đáng kể. Bạn cũng chẳng quan tâm tới chuyện thể hiện tâm huyết của mình, bạn thì làm cho nó "xứng với đồng lương" như bạn vẫn nghĩ... Tất cả những lý do này đều là hòn đá cản đường trong câu chuyện tăng lương của bạn.
Đôi khi bạn thắc mắc mình chẳng phạm phải lỗi lầm nào cả, vậy mà mình vẫn không được tăng lương. Vậy thì bạn hãy nghĩ tới tình huống này nhé: bạn sống tuân thủ đúng pháp luật, và bạn chẳng phạm phải một tội lỗi nào, thậm chí những sai lầm nho nhỏ cũng không có, thế nhưng bạn có sống như vậy cả đời, thì sẽ chẳng có một ngày đẹp trời nào cảnh sát gõ cửa nhà bạn và nói: "Chào anh, anh là một công dân thật tốt, và anh xứng đáng được tặng thưởng!". Bạn nên hiểu rằng, bạn làm như vậy là một cách để giúp cho cuộc sống của chính bạn tốt đẹp hơn, và đừng mong được tặng thưởng vì điều đó. Trừ khi, bạn có một nỗ lực hết sức nào đó để đem lại được một thành quả đáng ghi nhận cho cộng đồng. Nếu bạn không hiểu được điều này, bạn sẽ mãi mãi là một người "làm thuê đau khổ", vì lúc nào bạn cũng ở trong tình trạng cảm thấy mối quan hệ của mình và sếp luôn có vấn đề.
Chủ động chuẩn bị cho sếp
Một lần nữa bạn phải ghi nhớ việc tăng lương không phải là "ước muốn" mà là "xứng đáng". Bạn được tăng lương vì bạn xứng đáng được như vậy chứ không phải vì bạn muốn được như vậy. Do đó, bạn cần phải chuẩn bị cho mình và cho chính sếp của mình. Nếu bạn chỉ lặp đi lặp lại điệp khúc: Tôi thực sự, thực sự, thực sự, thực sự muốn tăng lương! Thì chắc chắn bạn sẽ thất bại.
Thay vào đó, bạn hãy đưa ra những minh chứng hùng hồn và thuyết phục. Những cách làm sau đây có thể sẽ rất có ích: Bạn đưa cho sếp bản in của những email khách hàng đã khen ngợi bạn hay đồng nghiệp cảm ơn bạn vì những điều bạn đã làm khiến cho công việc của họ tốt đẹp trông thấy. Hay bạn liệt kê ra một danh sách những đầu việc hay dự án bạn đã hoàn thành một cách xuất sắc. Hoặc có thể chỉ là một bảng so sánh lương của bạn với những vị trí khác có cùng cường độ và khối lượng làm việc như bạn. Và quan trọng nhất là bạn có thể đưa ra được những giá trị mà bạn có thể đem đến được cho công việc, cho khách hàng, và cho đồng nghiệp của mình. Nếu như bạn đã giúp công ty tiết kiệm được một khoản khá lớn nào đó nhờ vào sáng kiến của bạn thì sẽ là một yếu tố ghi điểm.
Bạn nên tránh đưa ra tối hậu thư. Chẳng ai dại mà lại nói: Nếu không tăng lương cho tôi thì tôi sẽ nghỉ. Bằng cách đó nó cũng thể hiện được chính giá trị của bạn. Phần lớn những người đề nghị tăng lương,bằng cách diễn đạt này hay cách diễn đạt khác, đều tìm cách để cho người quản lý biết rằng nếu yêu cầu của tôi không được đáp ứng tôi sẽ nghỉ việc. Nếu bạn làm theo cách đó, bạn cũng hãy tự chuẩn bị tinh thần cho mình rằng lời từ chối tăng lương của cấp trên cũng là một lời mời bạn tự động nghỉ việc.
Thời điểm (chứ không phải thời gian) là tiền bạc
Bạn không nên đưa ra đề nghị tăng lương vào bất kỳ lúc nào bạn muốn, mà hãy chọn đúng thời điểm. Ví dụ như vào đợt xem xét, bầu chọn của công ty hay một chiến dịch đề bạt hàng loạt vị trí. Nếu bạn được đề bạt, bạn sẽ rất dễ để được tăng lương.
Đừng tiến đến bàn của sếp vào lúc "xấu trời" và xin tăng lương. Bạn hãy chờ cho tới khi bạn có thể có được một cuộc nói chuyện "thảnh thơi" với sếp, đừng nhảy bổ đến "đòi tiền" như là hắt một gáo nước lạnh vào mặt sếp.
Nếu bạn có kế hoạch xin tăng lương, bạn phải chuẩn bị trước. Bởi vì, chắc chắn để được tăng lương, sếp sẽ "soi" công việc của bạn kỹ hơn để xem xem liệu bạn có thực sự xứng đáng được hưởng nhiều hơn.
Nếu bạn là nhân viên mới, thời điểm hợp lý nhất để xin tăng lương là sau một năm.
Nếu bị từ chối, hãy hiểu vì sao
Nếu sau một thời gian "soi xét" mà công việc của bạn vẫn bị đánh giá là kém, thì đó vẫn chưa phải là cản trở cho việc tăng lương cho bạn, ít nhất là trong dài hạn. Nhưng bạn sẽ có nhiều việc phải làm.
Trong nhiều trường hợp, sau khi đòi tăng lương, bạn lại bị giáng cấp. Đây không phải là một việc mà những nhà quản lý giỏi nên làm, nhưng về phía bạn, bạn phải nên hiểu vì sao. Có thể đó là cách sếp muốn thử thách bạn, nếu bạn thực sự "thành tâm", thay bằng than thân trách phận và nói xấu sếp, bạn nên thể hiện việc bạn sẵn sàng đón nhận điều đó nhưng bạn phải ghi rõ kế hoạch khắc phục các điểm yếu của bạn và lộ trình để bạn đạt được mức tốt hơn. Lúc đó, việc được tăng lương là chuyện tất nhiên.
Tiền, không phải mọc tự nhiên như lá cây. Nhưng nó cũng không đến tự nhiên chỉ bằng vài câu nói hay một sáng mở mắt ra bạn nghiễm nhiên được tăng lương. Đó là một quá trình dài thể hiện và phấn đấu. Bạn làm việc cật lực và đạt kết quả tốt, cả trình độ và năng suất của bạn đều nâng lên rõ rệt, đó là con đường rõ ràng nhất để được thăng tiến và tăng thu nhập, ngay cả khi bạn không đặt quá nặng vấn đề đó.
Top những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất:
Tìm việc làm | ILA tuyển dụng | VNPAY tuyển dụng | Shinhan Bank tuyển dụng | công việc làm thêm online | việc làm part time bình dương | việc làm part time sinh viên tphcm | những công việc part time cho sinh viên | pepsico cần thơ tuyển dụng