Nghề báo… không phải dễ
Lượt xem: 68,524
Hiện nay trên cả nước có 3 cở sở đào tạo báo chí chính quy là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phân viện Báo chí - Tuyên truyền (Hà Nội) và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Mỗi năm, ba nơi này đều đặn cho "ra lò" khoảng hơn 400 cử nhân báo chí.
Ngoài ra, số lượng tân cử nhân còn được bổ sung thêm từ các cơ sở đào tạo khác: ĐH Vinh, ĐH Huế, chưa kể đội ngũ học văn bằng 2 và đại học tại chức.
Nghề báo... học gì?
Có 4 chuyên ngành cơ bản được giảng dạy trong các cơ sở đào tạo này, là Báo viết và Báo ảnh, Phát thanh và Truyền hình… Tuy nhiên ở 2 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ở TP.HCM và Hà Nội, sinh viên thường học chung các chuyên ngành này đến khi ra trường tuỳ từng khả năng của mỗi người mà đi làm báo viết, báo nói hay báo hình... và khi đó phải tự học hỏi và đào tạo chuyên sâu hơn cho chính bản thân mình.
Chỉ có Phân viện Báo chí Tuyên truyền được đào tạo chuyên sâu hơn từng ngành học. SV học 2 năm đại cương chung sẽ phân về học chuyên ngành báo viết, hay báo nói...
Hiện tại, cùng với xu hướng phát triển của thời đại, ở Việt Nam đã ra đời chuyên ngành Báo mạng, nhằm đào tạo sâu hơn những kiến thức và kỹ năng phù hợp cho các sinh viên mong muốn làm việc tại các toà soạn báo điện tử.
GS-TS Dương Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Phân viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, mấy năm gần đây trường mở thêm 1 số ngành mới như chuyên ngành Báo điện tử, Thông tin đối ngoại… đang thu hút nhiều thí sinh. Để có thêm nhiều SV nam, trường dự kiến mở tuyển thêm khối A trong năm nay hoặc năm tới (hiện tại mới tuyển khối C, D).
Nghề báo... cần gì?
Muốn theo học ngành báo thì điều đầu tiên là phải có khả năng viết báo và lòng yêu nghề. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM khuyên, "nghề báo yêu cầu những người có kiến thức xã hội sâu rộng, óc quan sát và phán đoán tốt, năng lực giao tiếp nhất định, chưa nói đến các năng lực làm việc khác. Rất nhiều nhà báo giỏi không phải tốt nghiệp từ ngành báo chí.
Như vậy, nếu thí sinh thích nghề báo và thấy đủ năng lực thì hãy nộp đơn thi báo chí. Việc học và việc trở thành nhà báo được xã hội công nhận là cả một quá trình phấn đấu".
Theo TS Nghĩa, báo chí hiện tại đang là một ngành "hot" trong xu hướng chọn nghề của giới trẻ. Thống kê các kỳ thi tuyển sinh đại học mấy năm gần đây cho thấy ngành báo chí có điểm chuẩn luôn thuộc top cao nhất trong khối ngành C và D. Số hồ sơ đâm đơn vào các khoa đào tạo báo chí luôn rất cao và dự kiến trong những năm tới vẫn thu hút nhiều thí sinh.
Sắp tới trường sẽ đầu tư nâng cấp kỹ thuật để tiến tới đào tạo chuyên sâu từng chuyên ngành như báo điện tử, báo hình, báo viết... Tuy nhiên để làm được điều này cũng phải có kế hoạch cụ thể và được đầu tư lớn.
Nhọc nhằn... tìm việc
Không phải tất cả SV học báo ra trường đều làm báo. Theo TS Dương Xuân Sơn, Khoa báo chí (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) thì tỷ lệ SV báo chí ra trường tìm được và làm được việc đúng nghề còn thấp. Nhiều SV phải chuyển đổi nghề bởi, số lượng tuyển dụng vào các cơ quan báo chí hàng năm là hữu hạn, trong khi cử nhân ra trường lớn gấp nhiều lần.
Hiện tại, đội ngũ cán bộ nghiên cứu giảng dạy tại các cơ sở đào tạo báo chí còn mỏng về số lượng và chất lượng.
Tại một số cơ quan báo chí có nhiều nhà báo giỏi nghề, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn nhưng lại bận tác nghiệp, đồng thời do cơ chế chưa đủ mạnh nên chưa thu hút họ vào công tác đào tạo.
Thầy Đỗ Hữu Chỉnh, giảng viên khoa báo chí (ĐH khoa học Xã hội và Nhân văn) từng căn dặn học trò của mình, "trong thời gian thực tập các em cố gắng đi nhiều theo mấy đàn anh đàn chị, bởi những người đi trước là cả 1 kho kinh nghiệm "sống". Nắm bắt nhanh và đúng thực tế là 1 phần quan trọng trong bài báo của mình".
Theo GS-TS Dương Xuân Ngọc đa số SV Phân viện Báo chí - Tuyên truyền ra trường làm báo được ngay nhưng về lâu về dài kỹ năng làm báo không sâu bằng bên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Chính vì thế trường đang có điều chỉnh hài hòa cơ sở và chuyên ngành.
Học báo... làm trái ngành
Ngoài làm đúng nghề, cử nhân báo chí có thể lấn sân sang các công việc tương tự như nghề PR, marketing, xây dựng và quản trị thương hiệu...
Nguyên Minh hiện đang làm cho bảo hiểm Prudential là 1 ví dụ. Minh cho biết, "Tốt nghiệp với bao ước mơ, nhưng sau 2 năm lăn lộn cũng chỉ là cộng tác viên cho các báo. Cuối cùng mình quyết định đi bán bảo hiểm cho Prudential. Mặc dù làm nghề này không sử dụng kiến thức viết lách trong trường nhưng nhờ có mối quan hệ, giao tiếp và khả năng thuyết phục... nên cũng thu hút được khá nhiều khách hàng - đó cũng là thành công trong công việc mới".
Có rất nhiều cử nhân báo chí phải chọn một cánh cửa khác. Thu Trang, cựu sinh viên Phân viện Báo chí - Tuyên truyền, sau 1 thời gian thử thách cho hết báo này đến báo khác, đã an phận với vị trí PR cho một công ty nước ngoài.
Chị cho biết, với kiến thức học viết báo trong trường ra ngoài quả là khó khăn. SV ít được đi thực tế nên đến khi đi làm tác nghiệp quả là cực kỳ vất vả. Vừa tác nghiệp vừa phải học hỏi thêm các đàn anh đi trước và tự học hỏi nâng cao tay nghề thì mới bắt vào nhịp chung của tòa soạn.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Hiện nay trên cả nước có 3 cở sở đào tạo báo chí chính quy là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phân viện Báo chí - Tuyên truyền (Hà Nội) và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Mỗi năm, ba nơi này đều đặn cho "ra lò" khoảng hơn 400 cử nhân báo chí.
Kinh nghiệm của nhiều nhà báo đi trước dành cho các bạn SV khoa báo chí là nên chủ động đi thực tế nhiều trong thời gian học tập. Học lý thuyết rất quan trọng nhưng từ lý thuyết đến thực tế đang còn rất... xa.
Áp lực… nghề báo
Theo nhà báo Minh Quang, Uỷ viên Ban biên tập Báo Lao động, làm báo một cách thực sự nghiêm túc thì có thể nói là... dễ bạc tóc. Bởi vì “phải suy nghĩ rất nhiều, đôi khi phải đấu tranh và phải chịu áp lực lớn. Nhưng đấu tranh cũng phải khéo, Chống cũng mang tính chất là Xây, chứ không phải chống có nghĩa là đánh một cách ''tơi bời khói lửa''. Mà tôi nghĩ tiêu cực là một phần của cuộc sống, một phần của xã hội. Nếu mình có đấu tranh phanh phui ra những tiêu cực thì cũng chỉ làm sao cho xã hội tốt đẹp lên”.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Lan cũng cho rằng nhớ lại những ngày đầu làm báo thấy “mình thật dũng cảm”, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa chăm lo cho 2 con ăn học quả là không dễ dàng với nhà báo nữ. Có những ngày để kịp bài viết trong ngày 9-10 giờ tối chưa về nhà, công tác lại triền miên thành ra con và chồng nhiều khi phải ăn… cơm bụi. May mà chồng và con thông cảm và hiểu cho tính chất công việc nên cũng đỡ, chứ cũng nhiều nhà báo nữ gia đình không hạnh phúc bởi cái công việc giờ giấc thất thường này.
Quả là không phải dễ nhất là đối với giới nữ, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ công việc, vừa phải lo toan việc nhà…
PGS-TS Đinh Văn Hường, chủ nhiệm Khoa Báo chí ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng áp lực công việc ở nghề nào cũng có tuy nhiên với nghề báo càng nặng hơn bởi đòi hỏi người viết không chỉ phải lăn lộn với thực tế để viết bài mà còn phải làm ra sản phẩm đúng định kỳ, đúng ngày giờ, đúng thỏa thuận...
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :