Nghề 'cân' máy bay
Lượt xem: 19,023Nguyễn Thụy Phương Thảo, nhân viên Phòng tài liệu và hướng dẫn chất xếp của Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS) thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vừa cân xong một chiếc máy bay quay sang trò chuyện: "Mọi người nghe em nói cân máy bay ai cũng ngạc nhiên, máy bay sao có thể cân được, nhưng sự thật thì bọn em cân nó đấy".
Nói rồi, Phương Thảo mô tả công việc của mình: "Trong mỗi chuyến bay, việc sắp xếp hành khách, hàng hóa như thế nào để máy bay có được một thế cân bằng là hết sức quan trọng, đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho chuyến bay. Nếu việc sắp xếp không hợp lý, máy bay không nằm ở trọng tâm cho phép, nghiêng bên trái hay bên phải, nặng phần đầu hay nặng phần đuôi thì không thể cất cánh, thậm chí không thể đỗ được trên đường băng. Và công việc của bọn em là cân đo đong đếm làm sao để hành khách và hàng hóa trên máy bay được rải đều ở hai đầu "chiếc đòn gánh", để "chiếc đòn gánh" ở trạng thái cân bằng".
Lương Thị Như Hạnh, một thành viên trong đội bộc bạch: "Nghe có vẻ ghê gớm, nhưng với kỹ thuật hiện đại thì việc "cân" một chiếc máy bay rất đơn giản. Trước khi máy bay cất cánh, chúng em được cập nhật lượng hành khách từ bộ phận checking và số lượng hàng hóa. Từ những dữ liệu đó, căn cứ cấu trúc của loại máy bay sẽ chuyên chở, chúng em lên một kế hoạch chi tiết cho việc sắp xếp hàng hóa. Sau khi sơ đồ sắp xếp hàng hóa được in ra, bộ phận bốc xếp hàng hóa sẽ tiến hành chuyển và sắp xếp hàng hóa lên máy bay. Khi mọi việc được hoàn tất, chúng em phải báo cáo với cơ trưởng để cơ trưởng biết chính xác chuyến bay ấy trọng tải như thế nào, nặng bao nhiêu, được phân bổ ra sao từ đó mà có một kế hoạch bay phù hợp".
Công việc nghe thì có vẻ nhẹ nhàng, nhưng "đoạn trường ai có qua cầu mới hay", anh Nguyễn Bá Hạnh, Phó trưởng phòng Tài liệu và hướng dẫn chất xếp, người đã có rất nhiều năm thâm niên trong nghề, nói.
"Nếu bạn không có sự bình tĩnh, tự tin, quyết đoán và không chịu được một áp lực công việc rất cao thì chắc chắn bạn sẽ không thể trở thành người cân máy bay", đó là lời khẳng định chắc nịch của anh Hạnh.
"Hãy thử tưởng tượng, chỉ còn 10 phút nữa là chuyến bay cất cánh, hành khách, hàng hóa đã sắp xếp xong, đột nhiên bên bộ phận checking báo về sẽ có thêm 2 vị khách nữa lên máy bay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc máy bay tăng thêm trọng tải và chắc chắn sẽ không đảm bảo trọng tâm của máy bay. Ngay lúc đó, bạn phải quyết định: nếu tiếp nhận thêm 2 vị khách thì phải sắp xếp lại toàn bộ hàng hóa, hoặc bỏ đi vài kiện hàng; nếu không thì phải từ chối việc tiếp nhận 2 vị khách kia. Là máy bay thương mại, phải làm việc với 3 tiêu chí hàng đầu: an toàn chuyến bay, bảo đảm doanh thu và bay đúng giờ đã định, cho nên ngay thời khắc đó, bạn phải thật tỉnh táo, nhạy bén và quyết đoán để đưa ra quyết định cuối cùng đúng đắn nhất", anh Hạnh cho biết.
Nhớ lại những ngày mới vào nghề, Như Hạnh tâm sự: "Biết trách nhiệm hết sức nặng nề như thế nên em căng thẳng ghê lắm, mặc dù có các anh đi trước chỉ bảo nhưng mắt lúc nào cũng dán vào màn hình để kiểm tra các con số về hành khách, hàng hóa đang thay đổi liên tục để sắp xếp sao cho hợp lý. Và khi chuyến bay cất cánh lại tiếp tục hồi hộp đợi chờ, đến khi điện thoại báo chuyến bay đã hạ cánh an toàn mới thở phào nhẹ nhõm".
Theo anh Hà Duy Quang, Phó giám đốc TIAGS thì đây là nghề có lắm cái "được": "Cái được đầu tiên là bạn sẽ trở thành một con người điềm tĩnh nhưng hết sức nhạy bén, nhanh nhẹn và quyết đoán, đó là những tố chất để trở thành người quản lý sau này. Hiện nay, có rất nhiều lãnh đạo tại TIAGS xuất thân từ nghề này, trong đó có bản thân tôi. Cái được nữa là bạn sẽ được đưa đi đào tạo rất nhiều, từ trong nước cho đến ngoài nước. Và được hơn nữa là có một thu nhập cao, một môi trường làm việc ổn định".
Hiện nay, đội ngũ làm công việc này tại TIAGS khoảng 50 người, đa số còn rất trẻ nhưng tuổi nghề thì đã ở tầm chuyên nghiệp. Mỗi ngày, một nhân viên phải xử lý việc tính trọng tải từ 4 đến 6 chuyến bay và phải làm ca, kể cả ca đêm. Trước đây, do tính chất của công việc nên trong đội chỉ toàn nam. Từ năm 2003, hai bạn Phương Thảo và Như Hạnh là những nhân viên nữ đầu tiên có mặt trong đội ngũ này và cũng đang rất thành công với nghề. Tuy nhiên, do áp lực công việc quá cao nên đã có rất nhiều bạn trẻ đành bỏ nghề, hiện nay đội ngũ này vẫn còn thiếu.
Nói đến áp lực công việc, Phương Thảo tâm sự: "Cho đến giờ này, dù đã có chút thâm niên trong nghề nhưng bọn em vẫn còn bị stress. Tuy vậy, niềm vui lớn nhất của bọn em là sự an toàn của mỗi chuyến bay".
"Mỗi năm, Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất đều có một đến hai đợt tuyển dụng các bạn trẻ vào làm công việc này. Điều kiện dự tuyển khá đơn giản:
Tốt nghiệp PTTH, ngoại ngữ lưu loát, ngoại hình dễ nhìn và hội đủ những tố chất: nhanh nhẹn, nhạy bén, có tính kỷ luật cao, chịu được áp lực công việc cao.
Để được tuyển dụng vào vị trí này, các bạn trẻ phải trải qua 4 vòng thi tuyển. Sau khi trúng tuyển sẽ được đào tạo chuyên môn 3-6 tháng trước khi chính thức bắt tay vào công việc", anh Hà Duy Quang, Phó giám đốc TIAGS cho biết.