Nghề cứu hỏa trên không
Lượt xem: 12,754Xếp cao hơn cả lính cứu hỏa, công nhân giàn khoan dầu trên biển, thợ lặn sâu, phi công lái máy bay thử nghiệm và tay lái xe đua chuyên nghiệp thể thức một, nghề nguy hiểm nhất trên thế giới là nghề cứu hỏa trên không.
Ngày 1/8, lúc 10h10, một tai nạn thảm khốc đã xảy ra ở Calenzana, gần Calvi, Haute - Corse, Pháp. Từ bình minh, ba chiếc Canadair của lực lượng cứu hỏa trên không thi nhau trị thần lửa đang tàn phá cánh rừng già rộng 80 ha. Trên một chiếc Pélican 36 là cơ trưởng Ludovic Piaseentin, 51 tuổi và cơ phó Jean-Louis De Beenedict, 53 tuổi.
Họ là những kẻ trị lửa chuyên nghiệp từ căn cứ Marignane đến cứu viện. Nhưng họ đã không thể thoát thân an toàn khi một luồng khói và gió nóng cực mạnh từ đám cháy vụt lên. Chiếc Pélican 36 sơn hai màu vàng - đỏ đã bị hất tung, rơi tõm xuống một ngọn đồi, cách thành phố Calvi khoảng 1,5 km, vỡ tan thành nhiều mảnh. Nằm cách xác tàu 200 bước là xác hai chiến sĩ chữa lửa. Vậy là số lính chữa cháy trên không ở Pháp hy sinh trong khi thi hành công vụ tăng lên thành 29 người kể từ khi lực lượng này được thành lập vào năm 1963.
Nhưng các phi công chữa cháy của đội lính cứu hỏa trên không đóng tại căn cứ an ninh dân sự Marignane nào phải tay thường. Họ điều khiển thật tài tình chiếc máy bay nặng 25 tấn có gắn hai động cơ cánh quạt mạnh 2.400 mã lực lao xuống dòng sông để hút 6.500 lít nước chỉ trong 12 giây, rồi cất cánh bay đến nơi đang bị hỏa hoạn. Họ bay vòng trên đó vài vòng để nghiên cứu địa hình, sức gió và hướng gió rồi bổ nhào xuống phóng ra lượng nước trị lửa, bay thẳng vào làn gió thổi ngược chiều ở vận tốc trung bình 200 km/giờ. Nước chỉ được thả ra khi máy bay chỉ còn cách lửa chừng 30 mét vì nếu ở độ cao hơn, sức nóng của rừng lửa sẽ có thể làm nước bốc hơi cực nhanh.
Sau đó, họ phải nhanh chóng bay vụt lên cao. Chỉ cần có một sợi dây cáp tải điện giăng ngang hướng bay, một luồng gió nóng phụt lên, cánh cửa khoang chứa nước bị kẹt, thì tai nạn chết người xảy ra ngay lập tức.
Nội việc chọn điểm đổ nước ra cũng đòi hỏi sự tính toán và óc phán đoán cực kỳ nhanh nhạy. 1/3 lượng nước tưới ngay vào lò lửa, 2/3 còn lại tưới ẩm vỉa rừng sát cạnh chưa bắt lửa. Phải tránh sao cho nước thả ra không trúng trực tiếp vào các chiến hữu đang trị lửa dưới đất, nếu không họ sẽ chết vì lực nước đổ xuống rất mạnh, 400 kg trên một mét vuông. Trở ngại thì rất nhiều. Đó là gió bất thình lình đổi hướng, là khói đen che kín tầm quan sát, là lỗ hổng không khí... Vậy mà để trị cháy rừng, có ngày một chiếc Canadair phải xuất nước đến 60 lần, cơ trưởng chữa cháy và đồng nghiệp phải bay liên tục từ 8 đến 12 tiếng. Lúc bình thường, một cặp hai chiếc Pélican làm việc với nhau và cứ 7 phút phải có một lần phóng nước dập lửa, nhưng ở các vụ cháy cực lớn thì toàn đội chữa cháy gồm 24 chiếc Canadair, Pélican, Tracker ở căn cứ Marignane đều phải đồng loạt cất cánh.
Trực tiếp điều phối ngay tại chỗ (trên không) cho 24 máy bay cứu hỏa này là một máy bay quan sát loại nhỏ mang biệt danh Icare, trong đó một chuyên gia chuyên điều hành không lưu để tránh va đụng kiêm sếp chỉ huy các làn sóng tấn công thần lửa. Một chiếc Pélican nhả nước trật mục tiêu 10 mét ư? Phi công này sẽ ra lệnh cho một chiếc khác khắc phục ngay sai sót ấy.
Mới đây chính phủ Pháp đã chi 44 triệu euro mua hai máy bay Dash-8 cấp cho đội phi công chữa cháy. Dash-8 là “pháo đài bay” trị thần hỏa vì nó được trang bị nhiều hệ thống điện tử và có sức chở 12 tấn hóa chất dập tắt lửa. Ngoài ra, Pháp cũng đã mua thêm một Air-Crane, loại trực thăng chuyên chữa cháy ở các vùng núi cao hiểm trở.
Dù không ngồi sau cần lái những chiến đấu cơ phản lực siêu hiện đại F14, F15, F16, Mirage, Rafale... nhưng họ cũng là những phi công cự phách. Vì đa số trong số 80 phi công này đến với nghề chữa cháy từ trên không sau khi đã có nhiều năm cầm lái những chiến đấu cơ hiện đại nhất của không lực Pháp, không quân của hải quân Pháp (Aéronavale), đơn vị Patrouille de France (chuyên bay biểu diễn ở các lễ hội).
Tuổi trung bình của lính chữa cháy từ trên không là 43, số giờ bay trung bình của họ là 3.000. Mỗi năm lực lượng lính cứu hoả này của Pháp chỉ tuyển dụng thêm chừng 4 hoặc 5 người trong số 100 ứng cử viên.
"Chẳng ai theo nghề này nếu chỉ cần kiếm tiền để sống!'', ông Jacques Bonneva, một sĩ quan an ninh của căn cứ Marignane, 56 tuổi, tâm sự. Trước khi gia nhập lực lượng lái Canadair vào năm 1983 ông đã có 15 năm lái phi cơ rải thuỷ lôi phá tàu ngầm. “Chỉ vì đam mê, vì trong huyết quản, trong trái tim đã có sẵn máu phiêu lưu”.
Nữ bác sĩ Catherine Le Marchand phục vụ cho lực lượng lính chữa cháy trên không ở căn cứ Marignane nói rằng, ''Từ lâu rồi, việc vĩnh biệt đồng đội đã là chuyện bình thường trong nghề này”.
Một trong những phi công “đi trên lửa'' thành công là Charles Marchioni. Năm nay 55 tuổi với 32 năm chuyên ngành lái máy bay cứu hỏa (19.000 giờ bay) ông đã trải qua khá nhiều phép lạ giúp ông thoát chết khi lái máy bay chữa lửa. Ông là lính chữa cháy trên không duy nhất không xuất thân từ nghề lái máy bay quân sự của Pháp sau khi đã chán nghề thợ chữa cháy thủ công ở các cánh đồng nho trên đảo Corse. "Tôi không bao giờ nhắc lại họ tên, kỷ niệm của những đồng nghiệp đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng vào ngày giỗ của từng người bạn, tôi không quên bay đến nơi họ mất mạng, thả xuống một vật gì đó mà họ thích sử dụng khi còn sống. Gói thuốc lá, chai rượu, cái đồng hồ, hộp xì gà...'', ông thổ lộ.