Nghề “độc” ở phố Tây

Lượt xem: 20,776

Hiệu sách second hand ở phố Tây luôn đắt hàng

Phố Tây “ba lô” ở TPHCM tập trung những dịch vụ thiết thực, gần gũi với khách du lịch ba lô, du lịch “bụi”. Điều thú vị là người dân sinh sống ở phố Tây không đợi khách “nhập gia tùy tục” mà tự tìm hiểu, biết nhu cầu của khách cần gì, muốn gì. Từ đây đã xuất hiện những dịch vụ ít nơi có mà đôi khi ngay cả người Việt Nam cũng ít biết hoặc không nghĩ tới!

“Đổi 2 lấy 1”

Dân du lịch thường mang theo sách, đĩa nhạc, phim... để giải trí, nên ở phố Tây xuất hiện dịch vụ độc đáo mà khách Tây ba lô gọi “swap books” (sách trao đổi), hay “swap CD, VCD” (CD, VCD trao đổi).

Người đi trước nói và khuyên người đi sau bằng câu tiếng Anh cổ điển: “Usually two of yours for one of theirs” (tạm dịch: Thông thường bạn phải đổi 2 cái mới lấy một cái của họ). Thì ra ở một số điểm trên đường Phạm Ngũ Lão và Bùi Viện có nhận đổi sách, băng, đĩa cũ bằng cách “đổi 2 lấy 1”.

Những điểm này có thể bán lại hoặc được khách bù thêm tiền để kiếm lời, còn khách lấy hàng cũ nhưng “cũ người mới ta” và vẫn rất “khoái”.

Hiệu sách second hand – sách cũ ngoại văn lớn nhất phố Tây ba lô hiện nay là của anh Võ Văn Trí nằm ở số 179 Phạm Ngũ Lão. Anh Trí cho biết, khách du lịch ba lô tìm mua những cuốn sách cũ cho rẻ, nên anh sưu tầm về bán lại. Nguồn sách này từ các KS do khách xem xong bỏ lại hoặc họ cho nhân viên các quán ăn.

Hiện nay nhà sách của anh có khoảng 10.000 cuốn với rất nhiều loại như guide book, truyện, tiểu thuyết, sách tôn giáo, kinh doanh… Giá sách cũ bán theo đô, đắt nhất là loại guide book, có cuốn giá tới 10 – 12USD, nhưng so với sách mới thì giá chỉ bằng 1/3.

Phố Tây còn bán nhiều tờ báo tiếng Anh, Pháp, Nhật, Đức… Báo chí được một số đầu nậu gom từ những chuyến bay quốc tế về phân phát lại cho người đi bán lẻ. Khách du lịch ba lô ở phố Tây không sử dụng Internet để “chát, chiết” mà chỉ sử dụng mail (nhận và gửi) là chính.

Thời gian gửi hay kiểm tra mail khoảng chừng 10 phút, nên một số phòng net hoặc tiền sảnh khách sạn có để vài máy vi tính nối mạng rồi cài phần mềm tính tiền tự động, cứ on/off (mở, tắt) là khách trả 1.000đ, tính ra 1 giờ đến 6.000đ. Nhiều điểm Internet đề bảng giá: “NET: 1.000VNĐ/10min & PRINTø: 1.000VNĐ/1 page” (Internet: 1.000đ/10 phút và in: 1.000đ/1 trang). Lượm bạc cắc nhưng xem ra chủ máy thu nhập khấm khá.

Không ít bộ phim của Việt Nam có diễn viên người nước ngoài tham gia đóng cũng được tuyển từ đây. Ở phố Tây này ai cũng biết “Phương đạo diễn” chuyên làm dịch vụ tuyển diễn viên từ khách Tây ba lô. Thật ra Phương chẳng biết gì về nghề đạo diễn, nhưng nhờ giỏi tiếng Anh nên Phương là cầu nối giữa “diễn viên” Tây với các đạo diễn phim. Khi được mời đóng phim thường là khách OK, vì thích đóng phim lại có thêm thu nhập, được du lịch, quen biết nhiều người bản địa cũng thú vị.

Hẻm: dịch vụ hậu cần

Từ khi khách du lịch ba lô tập trung về đây đã tác động nhiều mặt đến đời sống người dân. Nếu như ngoài mặt tiền ở phố Tây làm dịch vụ “tiếp tân” (đón khách) thì trong hẻm là “thế giới” làm hậu cần.

Bác Nguyễn Thị Hoa, 65 tuổi (số nhà hẻm 104/10 Bùi Viện) mở quán cà phê phục vụ khách Tây ba lô từ những ngày đầu cho biết: “Khi phố Tây ba lô hình thành, đời sống người dân ở đây hoàn toàn thay đổi. Không ít người giàu lên. Tụi trẻ thì làm cho các công ty du lịch, khách sạn, còn già như tôi chỉ cần đặt chiếc xe ngay trước nhà mình bán cà phê, thuốc lá, nước ngọt cho khách Tây cũng kiếm được vài chục ngàn đồng mỗi ngày”.

Một điều thú vị ở phố Tây ba lô này ngoài các khách sạn, nhà trọ có để bảng hiệu hẳn hoi, còn có nhiều “nhà trọ không tên”, chủ nhân chỉ đăng ký tạm trú ở phường khi có khách đến ở, giá 2 - 3USD/đêm/người. Những nhà trọ kiểu này diện tích nhỏ, có 1, 2 phòng.

Chủ một nhà trọ không tên cho biết, “nhà mình vừa ở, vừa cho thuê cũng kiếm đủ tiền chợ”. Loại nhà trọ này tập trung nhiều ở hẻm 44, 84, 148 Bùi Viện; 104, 242 Phạm Ngũ Lão; 217 Đề Thám… Buổi sáng hay chiều, khách Tây ở trong những “khách sạn” này ra ngồi chơi ngoài hè, trò chuyện với nhau, giao lưu với nhà hàng xóm vui vẻ, thoải mái.

Nhiều người dân ở đây nhận xét: “Tây ba lô rất vui vẻ, hài hước, trật tự và nhiều người tốt bụng. Bản chất của du khách du ba lô là luôn khám phá văn hóa bản địa nên họ rất thân thiện và ít có chuyện Tây đụng độ với người dân”.

Khi bước vào các hẻm ở phố Tây sẽ thấy khá nhộn nhịp, Tây - ta cùng ngồi ăn uống ở quán cóc. Hẻm được xem là thế giới của giá cả bình dân. Một ly cà phê đá chỉ 3.000đ, đĩa cơm sườn cũng chưa vượt quá 10.000đ.

Chị Hồng, bán hàng ăn ở hẻm 84 Bùi Viện, cho biết: “Tây ăn nhiều thứ giống người Việt như cơm, phở, bún, mì Quảng... Do giá quá “bèo” nên Tây cũng biết và không bao giờ trả giá và người bán cũng chẳng nói thách làm gì”.

Trong hẻm còn cung cấp những thứ lặt vặt mà ngoài mặt tiền đôi khi phải chạy vào đây mua, chẳng hạn như cục xà bông, cái khăn tắm, lưỡi lam cạo râu, khâu lại cúc áo, giặt ủi, cắt tóc... Nếu có thời gian, bạn hãy lân la ở phố “Hợp chủng quốc” này, chắc chắn sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị nữa mà chỉ có ở nơi đây. 

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay