Nghề PR: Ranh giới "bẩn, sạch"

Lượt xem: 23,823

Những buổi họp báo là đất dụng võ cho dân PR

Tuyên ngôn “Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi” bắt đầu từ Al Ries và Laura Ries đã thực sự gây lên “cơn địa chấn” về nghề PR (public relation – quan hệ công chúng, giao tế cộng đồng) trong giới trẻ Việt Nam.


Al Ries và Laura Ries khẳng định: Lợi thế lâu đời của quảng cáo trong việc quảng bá sản phẩm cũng như tần suất xuất của quảng cáo trong đời sống hàng ngày đang bị thay thế bởi một công cụ khác hữu hiệu không kém: PR. Cho đến thời điểm này, nghề PR và xu hướng chọn PR trong sự thúc đẩy các hoạt động của cá nhân, đơn vị, tổ chức vẫn tỏ ra được ưa chuộng trên thị trường.

Đến Việt Nam, PR bắt đầu trở thành một nghề mới - thực sự "hot" - nghề PR hay còn gọi là quan hệ cộng đồng hay quan hệ công chúng.

Người ngoài cuộc: PR màu hồng!

Lan Ánh, sinh viên năm thứ nhất Đại học Mở Hà Nội bày tỏ góc nhìn của mình về PR: “Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông, qua bạn bè, tôi được nghe nói rất nhiều về nghề PR. Sau một thời gian tìm hiểu tôi thực sự thích nghề này, đây là một nghề năng động, phù hợp với giới trẻ".

Thanh Hiếu, nhân viên marketing một công ty giải trí trực tuyến ở TP.HCM lại có cách nhìn nhận khác: “PR đang trở thành một nghề hái ra tiền ở Việt Nam, nhưng thực sự thì con số những người làm PR có thu nhập cao từ nghề không phải là lớn, nếu không muốn nói là rất ít. Bởi vì đơn giản trong thời điểm hiện tại phần lớn những người làm nghề PR vẫn chưa hiểu rõ được thế nào là PR đúng nghĩa hoặc chỉ hiểu đơn thuần vị trí PR mà họ đang làm là do công ty họ đặt ra.”

Thực tế, phần đông các công ty Việt Nam hiện nay đang chú trọng nhiều đến các vị trí PR trong công ty, mà giới chuyên môn gọi theo một thuật ngữ đó là “PR in house”. Những người trong vị trí này chủ yếu có vai trò định hướng cũng như thực hiện các công việc PR đơn giản như viết thông cáo báo chí, tổ chức một buổi hội thảo...

Phần lớn người làm "PR nội bộ", "PR cây nhà lá vườn" (PR in house) đều không thể đảm nhận được toàn bộ các hoạt động đưa hình ảnh công ty ra bên ngoài cũng như làm tốt đẹp từ bên trong mà họ thường đóng vai trò là người kết nối giữa công ty với các agency (công ty truyền thông) để xây dựng các kế hoạch PR nhất định.

Người trong cuộc: PR cực nhọc!

Dẫu biết quan hệ công chúng là một mảnh đất màu mỡ để kiếm tiền bạc triệu cho những người năng động nhưng chẳng con đường nảo trải đầy hoa hồng.

Minh Anh, nhân viên trong công ty quảng cáo MT tại TP.HCM, cho biết: “nhìn chúng tôi trong trang phục veston, tay cầm bộ đàm, chạy liên tục từ đầu này đến đầu kia, miệng nói liên hồi, người ngoài cuộc có thể ngỡ là "oai" và mong muốn một vị trí như thế; nhưng những công việc thuộc hậu trường thì thực sự căng thẳng và khó khăn. Chuyện thức đêm làm việc, đảo lộn giờ giấc là thường xuyên xảy ra. Không chỉ có thế, đối với những chuyên viên tổ chức sự kiện, chuyện làm việc trong ngày nghỉ cũng là điều đương nhiên".

Còn theo Hoàng Minh, nhân viên PR của công ty TMT tại TP.HCM: “Công ty chúng tôi thường xuyên có những sự kiện lớn vào cuối tuần, với vị trí một supervisor (người giám sát) tôi phải giám sát từ khâu chuẩn bị cho đến quá trình thi công chính vì thế có những tối thứ bảy, bạn gái tôi phải đến tận công trình. Thời gian riêng tư cho cả hai người không có”.

Đó là với những người mà những vất vả của nghề PR của họ được hiểu rõ, còn trường hợp của Quang Anh lại là một ví dụ khác. Không chỉ là một người giám sát sự kiện, Quang Anh kiêm luôn vị trí chăm sóc khách hàng, chính vì thế công việc bận rộn đầu tắt mặt tối.

Hôm sinh nhật bạn gái cũng là đêm có sự kiện lớn mà Quang Anh là người giám sát toàn bộ, mặc dù hiểu điều đó, nhưng bạn gái Quang Anh không khỏi giận dỗi vì trong ngày vui mà không có anh ở bên và thế là anh chàng phải mất một tuần để làm lành.

Thiếu thời gian dành cho bạn bè và gia đình luôn là một trong những vấn đề mà những người làm PR về mảng sự kiện phải đối mặt. Thế còn những chuyên viên PR trong mảng truyền thông thì sao? Đối với người khác, họ được biết đến ít nhất vì thực sự vai trò của họ không thể hiện nhiều ra bên ngoài, nhưng công việc của họ cũng có không ít điều thú vị.

Tiếp đón báo chí tại lễ trao giải “Vinh danh đất Việt'

PR và báo chí: Quan hệ tương hỗ hay quan hệ "cửa sau"?

“Là một nhân viên PR phụ trách mảng truyền thông, tôi luôn phải duy trì tốt những mối quan hệ với báo giới, vì như thế, những bài PR của tôi mới có “đất dụng võ”. Đây là một công việc rất tế nhị và phải thật khéo để có thể đưa những bài viết lên được”, Hoàng Khanh tâm sự

Khanh từng là phóng viên một vài tờ báo ở Hà Nội, vào TP.HCM cô đảm nhận vị trí mới phụ trách mảng truyền thông cho một công ty quảng cáo tại TP HCM. Ngọc bật mí: “công việc một chuyên viên PR mảng truyền thông giống như việc “làm dâu trăm họ” vậy, tùy vào mỗi báo, đài, tùy vào mối quan hệ với phóng viên mà tôi có được những bài PR lên đúng vị trí và đúng thời điểm”.

Không chỉ có mối quan hệ tốt, những người làm PR truyền thông thường phải có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề báo và đảm bảo tuân thủ những điều cơ bản nhất theo luật báo chí: như không được bịa chuyện, không nói xấu làm ảnh hưởng đến hình ảnh người khác… Thế nhưng cũng có không ít sự "cố kết" giữ PR và báo chí khiến độc giả bị "ngộ độc thông tin", khán giả phải xem những hình ảnh, "thông điệp" không biết nên tin vào đâu.

Quan hệ PR - báo chí vẫn luôn là "tế nhị" nên như một nhân viên PR chuyên quan hệ với báo chí nhận định: “Nhiều tờ báo họ thường thích độc quyền tin nên nhiều khi một vấn đề, tôi thường phải có nhiều bài viết dưới nhiều dạng để có thể đẩy thông tin cần thiết lên tờ báo đó. Việc PR mảng truyền thông là một trong những mảng quan trọng nhưng không hề dễ làm... Thế nên chẳng phải ngẫu nhiên mà có khái niệm "PR bẩn - PR sạch"”.

Thương trường cũng như chiến trường, chính vì thế sự cạnh tranh không lành mạnh vẫn luôn tồn tại. Khi PR thực sự là một công cụ hữu hiệu để tạo dựng lòng tin cũng như xây dựng thương hiệu thì chắc chắn một điều, PR cũng có thể là một công cụ “phá hủy” thương hiệu.

Còn nhớ cách đây một vài tháng khi một số tờ báo đưa tin về việc ăn nhiều bưởi sẽ làm tăng nguy cơ gây ung thư, khiến giá bưởi tụt một cách thảm hại, nhiều nông dân bị mất trắng, những “bưởi năm roi, bưởi da xanh” bị tẩy chay và buộc Thủ tướng chỉnh phủ phải có công văn kiểm tra và xử lý tờ báo cũng như phóng viên đưa thông tin trên.

Một ví dụ nhỏ đó để cho thấy rằng, khi thông tin sai lệch thì chỉ một cột tin trên báo cũng làm ảnh hưởng lớn đến biết bao nhiêu người, chính vì thế những người làm PR mảng truyền thông phải luôn biết “giữ mình”. Đó là điều mà những người làm PR chân chính luôn tâm niệm.

Bạn có thể trở thành "PR man"?

Người làm PR có thể được đào tạo ở nhiều chuyên ngành khác nhau: Báo chí, Kinh tế, Ngoại thương, Du lịch... Tuy nhiên, phần lớn những người làm PR ở nước ta hiện không qua trường lớp đào tạo bài bản về nghề. Kiến thức mà họ có được đều xuất phát từ những kinh nghiệm thực tế, vì thế khó tránh khỏi những hiểu biết khá "sơ khai" về nghề (ví dụ cho rằng PR chỉ là quan hệ với báo chí...).

Một trường hợp "tự học" PR như Quang Huy, sau khi ra trường, vốn có thế mạnh trong các hoạt động ngoại khóa ở trường Kinh tế Quốc dân, tốt nghiệp ĐH, Huy đã "Nam tiến" để đến với nghề PR.

Với những kinh nghiệm trong việc tổ chức sự kiện cũng như tham gia các hoạt động phong trào trong trường đại học, Huy nhận thấy niềm đam mê mới trong nghề PR. Bỏ lại một kiến thức chuyên ngành mà mình đã học, Huy bước vào nghề với một chút ít kinh nghiệm từ những hoạt động ngoại khóa. Vốn đam mê việc tổ chức các sự kiện, đồng thời tham gia vào một câu lạc bộ về YoungPR - một CLB PR tại thành phố Hồ Chí Minh, Huy đã có tích cóp cho mình một chút ít kiến thức PR cơ bản.

Cũng đã có nhiều CLB chuyên về PR, marketing, thương hiệu như vậy mở ra trên mạng. Đó là nơi các bạn trẻ tiếp cận với một nghề mới, có đam mê về PR tìm hiểu, hỏi hỏi sâu về PR nói riêng và các hoạt động truyền thông căn bản nói chung.

Như Quang Huy, từ đây giúp anh có được môi trường làm việc mới, được tiếp xúc với những người trong nghề để tìm tòi, học hỏi thêm. Giờ Huy đã tự tích lũy cho mình một chút kiến thức về nghề, có được những kiến thức không phải từ trên ghế nhà trường.

“PR không phải là một nghề dễ làm việc, cũng không phải là những gì quá cao xa, tất cả những bạn trẻ yêu thích nghề PR đều có thể tự tìm kiếm cho mình những kiến thức nhất định từ quanh ta. Với tôi nghĩ đam mê, dám nghĩ và dám làm là một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết đầu tiên khi bước chân vào nghề,” Quang Huy tâm sự. 

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay