Nghệ thuật ứng biến trong phỏng vấn
Lượt xem: 17,054
Cách trả lời phỏng vấn tất nhiên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: công việc bạn mong muốn, văn hóa công ty mới, phong cách người tuyển dụng, kinh nghiệm của bạn,... và còn phụ thuộc rất nhiều vào tài ứng biến của bạn.
Đôi khi, những câu hỏi có vẻ truyền thống cũng chưa chắc đã dễ trả lời. Bạn thử tham khảo vài ví dụ sau nhé.
Tại sao bạn lại tìm công việc mới?
Không nên trả lời: Giám đốc cũ của tôi chán lắm, chả có khách hàng nào ưa ông ta cả
Lời khuyên: Trả lời theo chiều hướng tích cực về nơi mà bạn muốn đến chứ không phải về lí do bạn chuyển đi
Nên trả lời: Tôi muốn tìm công việc có nhiều cơ hội sử dụng những kĩ năng chuyên môn của tôi hơn, nhận được nhiều trách nhiệm công việc hơn, và có cơ hội thăng tiến hơn.
Tại sao ban muốn làm việc cho chúng tôi?
Không nên trả lời: Tôi đã nộp đơn ở rất nhiều nơi nhưng chả có công ty nào nhận tôi cả.
Lời khuyên: Trước khi phỏng vấn, hãy ghé thăm các trang web của công ty để tìm hiểu thông tin. Khi trả lời câu này, bạn nên sử dụng nghệ thuật “nịnh nọt” một chút, tập trung vào một số những điểm nổi bật của công ty. Đó chính là lí do để bạn muốn gia nhập công ty.
Nên trả lời: Tôi cảm thấy hứng khởi với những sản phẩm của quý công ty, những lợi ích của chúng đối với cộng đồng. Doanh thu tăng vọt trong ba năm vừa qua là điều đáng tự hào cho công ty cũng như toàn thể nhân viên cùng tham gia công tác. Thật hãnh diện khi được trở thành thành viên của một đơn vị đạt nhiều thành tích như vây, và đặc biệt lại dưới sự lãnh đạo của ban giám đốc hiện hành
Tại sao bạn lại thay đổi công việc quá nhiều lần?
Không nên trả lời: Vì tôi là người cả thèm chóng chán
Lời khuyên: Đưa những lí do hợp lí nhưng chú ý hướng vào thực tế là hiện tại bạn đang muốn làm việc cho công ty. Đó chính là điều mà họ bận tâm
Nên trả lời: Khi còn trẻ, tôi luôn muốn thử thách mình trong nhiều lĩnh vực. Theo cách đó, tôi có thể lựa chọn đường đi đúng đắn nhất trong sự nghiệp của mình, một công việc mà tôi có thể gắn bó lâu dài. Và bây giờ, tôi nghĩ đây là điểm dừng chân của mình. Đó là lí do tại sao tôi có mặt ở đây ngày hôm nay.
Điểm mạnh của bạn là gì?
Không nên trả lời: Tôi có thể nói dối tỉnh bơ, không ai biết
Lời khuyên: Nói về ba hoặc bốn lợi thế của bạn liên quan tới công việc bạn đang phỏng vấn và đưa ra một vài ví dụ lợi thế đó đã giúp được bạn những gì trong công việc
Nên trả lời: Tôi là người khá khó tính trong công việc. Hồi còn làm việc ở công ty A, mặc dù không làm bên phòng kiểm tra sản phẩm, nhưng với những lô hàng quan trọng, tôi vẫn đích thân kiểm tra lại trước khi xuất xưởng, điều này đôi khi gây khó chịu cho một số người. Một điểm mạnh khác của tôi là…
Tại sao tôi nên nhận bạn vào làm?
Không nên trả lời: Tôi đang rất cần tiền
Lời khuyên: Đây chính là cơ hội bạn lăng xê bản thân. Nhấn mạnh vào những kĩ năng chuyên môn liên quan tới vị trí công việc bạn muốn
Nên trả lời: Khi đọc tin tuyển dụng của công ty, tôi đã có cảm giác mình phù hợp với công việc này. Và giờ đây, khi nói chuyện với ông, tôi biết thêm về yêu cầu của công ty, và tôi tin rằng tôi sẽ là một ứng cử viên phù hợp với công việc. Tôi tin rằng mình sẽ đáp ứng được mong mỏi và yêu cầu của quý công ty bằng những kinh nghiệm nghề nghiệp của mình…
Mục tiêu hiện tại và lâu dài của bạn là gì?
Không nên trả lời: Mong muốn hiện tại của tôi là vượt qua cuộc phỏng vấn này. Còn trong tương lai, khoảng một vài năm nữa thôi, tôi sẽ nghỉ việc và mở cửa hàng nhỏ cho riêng mình.
Lời khuyên: Đôi khi nhà tuyển dụng hỏi bạn điều này bởi vì họ muốn biết bạn có ý định làm việc lâu dài cho công ty hay chỉ là công việc tạm thời thôi. Chả ai muốn nhận một người làm việc chỉ một vài năm rồi lại nghỉ để thực hiện dự định của riêng mình cả. Một số khác muốn đánh giá bạn qua các kế hoạch trong tương lai.
Nên trả lời: Trước tiên, trong thời gian ngắn, tôi muốn tìm được vị trí để có thể tạo lập mối quan hệ tốt với khách hàng. Rồi sau đó, tôi muốn được củng cố thêm nghiệp vụ chuyên môn của mình trong một vài năm tới. Khi có đủ kinh nghiệm và nghiệp vụ chuyên môn, tôi cố gắng hết mình trong công việc để có cơ hội thăng tiến.
Qua một vài ví dụ trên đây, bạn đã biết nên trả lời thế nào khi phỏng vấn rồi chứ? Nếu vận dụng tốt khả năng ứng biến, đừng ngạc nhiên nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn câu tiếp theo: “Khi nào bạn có thể bắt đầu làm việc cho chúng tôi?”.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :