Nghệ thuật xin... thôi việc
Lượt xem: 23,463Chỉ cần một chút sơ xuất, đơn xin thôi việc của bạn có thể gây ra muôn ngàn rắc rối cho chính bạn. Vì vậy, trước khi gửi lá đơn xin thôi việc, hãy cân nhắc kỹ các yếu tố liên quan đến công việc, các mối quan hệ... Sau đây là vài mách nhỏ nếu bạn có ý định xin nghỉ việc. Sẵn sàng trước giờ G.
Một vài công ty có "luật", hễ nhân viên gửi đơn xin thôi việc là họ phải rời nơi làm việc ngay lập tức. Không có sự trì hoãn. Điều này rất đáng để bạn cân nhắc trước khi gửi đơn.
Hãy tự đặt câu hỏi: Mình đã lấy hết các tài liệu cá nhân trong máy tính ở công ty chưa? Mình đã xoá sạch các dữ liệu trong máy tính và trên bàn làm việc - những thứ có thể là vũ khí để sếp cũ chống lại mình chưa? Cũng cần đặt câu hỏi, nếu mình phải rời công ty ngay lúc này, liệu rằng có khả năng mình sẽ không nhận được thanh toán ngay trong vài tuần tới không?
Hãy nghĩ đến tất cả những việc bạn chưa giải quyết và cần giải quyết ngay trước khi gửi đi lá đơn thôi việc. Sau này bạn sẽ biết được ích lợi của việc làm ngày hôm nay.
Không đùa với Luật
Đầu tiên, bạn phải chắc rằng tất cả những thứ mà bạn viết trong đơn xin việc phải đúng và hợp pháp, thậm chí cả về ngày bạn viết đơn, ngày cuối cùng bạn ở công ty. Điều này thực sự rất quan trọng.
Vì sao ư? Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không phải có trách nhiệm pháp lý với bất cứ nhiệm vụ nào sau khi bạn xin thôi việc. Tuy nhiên, bạn cũng nên lịch sự tạo cơ hội để công ty của bạn có một khoảng thời gian để chuẩn bị cho sự ra đi của bạn. Ít nhất là 2 tuần.
Thân thiện hoà nhã đến phút chót
Bạn đang cáu giận? Bạn thực sự muốn viết những lời lẽ gay gắt, cay độc trong lá đơn thôi việc để làm cho sếp cũ choáng váng? Rất sai lầm. Bạn có thể thể hiện bạn ghét công việc hiện tại, bạn ghét ông sếp hiện tại. Nhưng bạn sẽ được gì ngoài việc làm cho không khí càng thêm căng thẳng?
Sẽ có vô cùng nhiều rắc rối nếu bạn làm cho những người ở lại giận dữ. Chẳng hạn, bạn sẽ bị "cố tình quên" được thanh toán một số khoản hoặc có thể gặp rắc rối trong chuyện thanh toán những khoản tiền còn lại trước khi ra đi. Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của lời nói. Và trong nhiều trường hợp, đôi khi ông chủ cũ lại trở thành đồng minh cao nhất của bạn, chỉ cần bạn biết sử dụng sức mạnh của ngôn từ.
Giải thích lý do ra đi - Cần không?
Bạn quyết định ra đi bởi vì có nhiều chuyện xảy ra. Tuy nhiên ngay cả khi bạn đã có công việc mới hay bạn chưa ra đi nhưng không thể tiếp tục làm việc được bạn cũng không nên nói ra lý do mình ra đi.
Hãy tự đặt câu hỏi: liệu rằng việc giải thích lý do từ chức hoặc bỏ việc có ích lợi gì cho mình hay không? Thông thường, xét về lâu về dài, câu trả lời sẽ là không. Hãy cân nhắc mối quan hệ của bạn với ông chủ cũ. Và tuỳ vào mức độ thân thiết của mối quan hệ này mà bạn tự quyết định có nên nói ra lý do ra đi hay không.
Nhận xét của sếp cũ - Quan trọng!
Trước khi chuyển công tác, bạn thường mong nhận được những lời nhận xét tốt nhất. Để có được điều này, bạn cần có mối quan hệ tốt với sếp cũng như các đồng nghiệp cũ. Tất nhiên nó phụ thuộc vào thái độ của bạn với những người xung quanh trong suốt thời gian bạn làm việc.
Hãy nhớ, nếu như hồ sơ xin việc của bạn có những lời nhận xét tốt và tích cực từ phía đơn vị cũ, cơ quan cũ, bạn sẽ có nhiều cơ hội nhận được thiện cảm cũng như công việc tốt ở công ty mới.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :