Nghề tổ chức lễ cưới
Lượt xem: 24,922Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Đời sống nâng cao, tiệc cưới cũng ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp và cách điệu hơn. Để đám cưới của mình thật đặc biệt, đáng nhớ và trang trọng, nhiều đôi uyên ương đã phải nhờ đến người chuyên tổ chức lễ cưới.
Một nghề không yêu cầu bằng cấp cũng như kinh nghiệm làm việc, tất cả những gì bạn cần đó là niềm đam mê, sự ham học hỏi và tính sáng tạo.
Dưới đây là các bước giúp bạn tiếp cận với nghề tổ chức lễ cưới:
1. Tìm hiểu xem thế nào là một tiệc cưới
Có hàng ngàn công việc từ nhỏ tới lớn khi tổ chức một tiệc cưới như việc chọn ngày tổ chức đến việc lên thực đơn đồ ăn, đồ uống, bố trí chỗ ngồi khách mời, thời điểm cô dâu chú rể ra mắt, thời điểm đại diện đôi bên phát biểu…
Để có cái nhìn thực tế, tránh được những rủi ro không đáng có, bạn nên tham dự nhiều lễ cưới tại nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài ra bạn cần đọc các tạp chí hay các chương trình truyền hình chuyên về tư vấn đám cưới; tham khảo những truyền thống của mỗi địa phương.
2. Phát triển các kỹ năng của bản thân
Bạn cần có sự sáng tạo, có khả năng bắt chuyện với mọi người, tạo được sự hòa đồng, thân thiện. Hãy trau dồi khả năng sắp xếp, tổ chức. Để một tiệc cưới được tổ chức đâu ra đấy bạn cần lên kế hoạch thời gian một cách chi tiết, danh sách khách mời, danh sách công việc cần làm theo mức độ quan trọng của chúng,…
3. Tạo danh tiếng
Bạn cần thu thập và lưu giữ một số hình ảnh đẹp, đặc trưng của những tiệc cưới mà bạn đã từng thực hiện hay từng cộng tác thực hiện để làm tư liệu tiếp thị bản thân cho các khách hàng trong tương lai. Sự sáng tạo của bạn cần nhấn vào việc trang trí bàn ăn hay trang trí phòng tiệc.
4. Tìm một công việc liên quan đến nghề này
Nếu bạn có ý định đứng ra kinh doanh thì trước hết bạn cần phải xâm nhập vào thực tế. Bạn nên xin thử một công việc nào đó trong lĩnh vực này. Đặc biệt những vị trí mà có thể cho bạn nhiều kinh nghiệm và kiến thức quý báu như người liên hệ các đơn vị tổ chức, người trang trí, người liên hệ thực phẩm,…Một số khách sạn, câu lạc bộ hay nhà thờ đều có nhu cầu tìm người điều phối tổ chức tiệc cưới. Nhìn chung có khá nhiều sự lựa chọn cho bạn quyết định.
5. Lựa chọn thế mạnh của bản thân
Người tổ chức tiệc cưới muốn có được khách hàng họ cần phải đưa ra được những lợi thế mà chỉ mình họ có thể cung cấp cho khách hàng. Ví dụ, ngoài những dịch vụ mà ở đâu họ cũng có thể thấy, bạn đưa ra cho họ những tư vấn quý giá dựa trên những kiến thức mà bạn có về xu hướng mùa cưới, về cách trang trí làm sao vừa hợp thời vừa đảm bảo theo đúng ý chủ nhân.
6. Phát triển mối quan hệ với những người cung cấp dịch vụ
Những người cung cấp dịch vụ như người cung cấp các thực phẩm trong lễ cưới, người cung cấp hoa cưới và hoa trang trí, xe cưới, nhạc công, thợ chụp ảnh, in thiếp mời,… Họ sẽ là những đối tác rất quan trọng sẽ giúp bạn thành công trong nghề này.
7. Tìm kiếm khách hàng
Bạn cần làm danh thiếp cho bản thân và một cuốn catalogue tự giới thiệu về dịch vụ của mình và gửi tới tất cả đối tác bạn đã từng làm việc cùng, nhờ họ tiếp thị giúp bạn tới khách hàng của họ. Ngoài ra, nếu khả năng tài chính của bạn cho phép bạn có thể đăng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông như trên các tạp chí cưới, tạp chí làm đẹp…
8. Tư vấn và thảo luận thẳng thắn với khách hàng
Trước khi bắt đầu làm việc với bất kỳ khách hàng nào bạn cũng nên đề nghị được gặp trực tiếp họ và có cuộc nói chuyện để trao đổi về ý kiến của cả hai phía. Hãy hỏi những câu thẳng thắn như ngân sách họ có bao nhiêu, số lượng khách mời, sự tưởng tượng của họ về một tiệc cưới như thế nào... Sau đó bạn nên thảo luận luôn vấn đề chi phí cho bạn. Mọi thứ cần phải rõ ràng từ ý tưởng đến chi phí trước khi bạn bắt tay vào thực hiện để đảm bảo chất lượng công việc được tốt nhất.
9. “Ngày một chuyên nghiệp hơn”
Người tổ chức tiệc cưới thành công là người luôn biết học và áp dụng những ý tưởng mới để sử dụng cho các khách hàng sau. Luôn nhận ra những yếu kém của lần trước để thay đổi trong những lần sau, luôn cập nhật những thông tin về cách trang trí, về xu hướng cưới theo mùa theo năm để tư vấn cho khách hàng. Không cần bằng cấp hay chứng chỉ, công việc bạn làm ra chính là bằng chứng rõ ràng nhất mà khách hàng có thể nói về bạn.