Nghỉ hưu sớm: thực tế có hấp dẫn như bạn tưởng
Lượt xem: 15,467Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Jordan là một bác sĩ đến từ Illinois, sở hữu mức lương hấp dẫn từ công việc, có lối sống thanh đạm và đang nắm trong tay vài khoản đầu tư bất động sản. Nhiều người sẽ nói Jordan là ứng viên hoàn hảo cho ý tưởng nghỉ hưu sớm.
Khi tìm hiểu về phong trào “tự chủ tài chính, nghỉ hưu sớm” (FIRE – Financial Independence, Retire Early), Jordan biết rằng khoản tiền tiết kiệm của mình đã đủ để anh quyết định thoát khỏi công việc hiện tại đầy áp lực, đang dần đốt cạn năng lượng và sức lực bản thân. Nhưng rồi ý tưởng tự chủ tài chính lại khiến anh lo lắng. Jordan sợ rằng anh sẽ không chỉ rời bỏ một công việc có thu nhập cao, mà còn cả danh xưng bác sĩ danh giá đã dày công xây dựng.
“Tôi biết rằng mình đã quá mệt mỏi trong công việc, nhưng ngưng làm bác sĩ và bắt đầu thử sức với một việc nào khác là điều không thực tế,” Jordan chia sẻ. Anh thích được gọi với bí danh Doc G và viết lách trên trang blog DiverseFi. Bởi vì chưa bao giờ hình dung ra một thế giới nơi mình không còn làm bác sĩ, nên lựa chọn rời bỏ công việc khiến Jordan thực sự sợ hãi, lo lắng và xáo trộn.
Viễn cảnh có đủ tiền dự phòng trong ngân hàng và tiềm lực để không bao giờ phải trở lại “làm công ăn lương” nữa đã khiến nhiều người cảm thấy rất hào hứng trên hành trình theo đuổi FIRE, nhưng chúng ta thường sơ suất bỏ qua các mặt trái có thể xảy ra từ lựa chọn đó.
Để chống lại cảm giác này, thay vì một bước đột ngột rời khỏi guồng quay công việc hiện tại, Jordan đã chọn cách rút lui từ từ khỏi vai trò bác sĩ và chuyển sang lĩnh vực nói trước công chúng (Public Speaking).
Phong trào FIRE đã giành được rất nhiều sự ủng hộ trên các phương tiện truyền thông xã hội. Từ các chủ đề trên Reddit cho đến các hội nhóm Facebook, cộng đồng của những cá nhân có chung mối quan tâm đã “càn quét” thông tin nhằm tìm ra các bí quyết tiết kiệm, mẹo đầu tư và cách tính đơn giản để suôn sẻ nghỉ hưu trước tuổi 65 tăng đáng kể. Một số người đã cắt bỏ tất cả những thứ không cần thiết khỏi ngân sách chi tiêu, thu hẹp nhà cửa và cật lực làm thêm nhiều việc để tiết kiệm đủ. Không ít người khác chọn cách tiếp cận vô số sách báo viết về đầu tư và đọc hết mọi chia sẻ của các blogger viết về tài chính cá nhân nhằm xác định hình mẫu phù hợp với bản thân trước khi chính thức bỏ việc.
Các FIRE blogger viết rất nhiều về các thách thức và sự đánh đổi liên quan đến việc theo đuổi khả năng tự chủ tài chính – đó là những khoảng thời gian vui vẻ phải tạm thời xếp lại, những hộp cơm trưa mang theo từ nhà, hay hàng loạt các kỳ nghỉ dưỡng và kế hoạch du lịch tạm hoãn lại – nhưng không phải ai cũng có thể nhận thức nhanh chóng hoặc quan tâm đúng mức về các tác động tiêu cực lên sức khoẻ tinh thần của một người trước và sau khi đạt mục tiêu nghỉ hưu sớm.
Sau đây, bạn hãy cùng CareerViet.vn tham khảo qua những phân tích của người có kinh nghiệm về 4 tác động quan trọng nhất cần chú ý khi theo đuổi FIRE nhé!
NỖI LO LẮNG VÀ TỰ NGHI NGỜ BẢN THÂN
Trên trang blog MadFientist của mình, Brandon – một người đã giành được độc lập tài chính vào năm 2014 – đã nói về cách anh vật lộn với cảm giác nghi ngờ bản thân và lo sợ trong suốt một năm trước khi đạt được khả năng độc lập tài chính. Anh lo lắng với suy nghĩ liệu bỏ công việc được trả lương cao có phải là bước chuyển đúng đắn cho các mục tiêu cuộc sống của mình hay không.
“Tôi luôn giả định rằng sau khi tự chủ tài chính tôi sẽ trở thành doanh nhân,” Brandon kể. “Nhưng thành thật mà nói, hầu hết các ý tưởng kinh doanh mà tôi có sau khi tự chủ tài chính đều không còn hấp dẫn tôi nữa, bởi vì tiền đã không còn là yếu tố thúc đẩy.”
Lo lắng, một trong những khía cạnh ít được biết đến của FIRE, đóng vai trò nổi bật trong bước chuyển biến này. Vì vậy, dù rằng việc nghỉ hưu sớm khi đã nắm trong tay vài tỷ tiền tiết kiệm nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng thực tế sự lo lắng sẽ tăng lên khi bạn thấy quanh mình không có nhiều người nghỉ hưu, Brad Klontz – tác giả của “Mind Over Money” và nhà đồng sáng lập Financial Psychology Institute – đã kết luận. “Ở một mức độ nào đó, nghỉ hưu ở độ tuổi tiêu chuẩn sẽ khiến mọi việc dễ dàng hơn.”
Dù việc nghỉ hưu diễn ra ở lứa tuổi nào cũng đều có thể tác động đến cảm xúc của một người. Trầm cảm và uống rượu bia quá độ là tình trạng phổ biến, cũng như sự cô đơn và suy giảm sức khoẻ. Tâm lý phải sẵn sàng rũ bỏ bản sắc mà mình đã xây dựng trong suốt nhiều năm có thể rất đáng sợ.
Với FIRE, bạn sẽ vướng phải điểm yếu cảm xúc này và đôi khiến nó càng trở nên căng thẳng. Đi ngược lại xu hướng phổ biến trong xã hội có thể làm tăng thêm các mối bận tâm: bạn lo sẽ hết tiền, hoài nghi về việc có thể đưa ra lựa chọn đúng, hoặc sợ rằng mình không còn có ích nữa. Đó là chưa kể đến việc phải đối mặt với câu nói “Tôi đã bảo anh rồi…” từ những người thân hay bạn bè không ủng hộ khi kế hoạch nghỉ hưu sớm của bạn thất bại.
Là một người nghỉ hưu sớm đã đạt được khả năng tự chủ tài chính từ hơn một năm trước, Tanja Hester – chủ trang blog Our Next Life chia sẻ về nghỉ hưu sớm và tác giả của cuốn sách “Work Optional” (tạm dịch “Tuỳ chọn công việc”) – đã chia sẻ những suy nghĩ của mình trong hành trình hướng đến FIRE. “Tôi bận tâm nhiều về việc liệu tiền tiết kiệm của mình đã đủ chưa. Tôi lo lắng thường xuyên và sợ hãi nhiều hơn cả mức cần thiết chỉ để chắc chắn rằng các khoản tiền đã được tiết kiệm.”
Ngoài mức độ tổn thương về cảm xúc, Hester còn chỉ ra điểm khác biệt quan trọng giữa nghỉ hưu sớm và nghỉ hưu theo cách truyền thống là: “Sức khoẻ tinh thần và các cảm giác mất mát sẽ tương tự nhau thôi, nhưng quyết định nghỉ hưu theo cách truyền thống luôn đi kèm với các quyền lợi về an sinh xã hội và chăm sóc y tế”.
SỨC KHOẺ CỦA BẠN LỚN HƠN SỰ ĐẢM BẢO TÀI CHÍNH
Klontz nói rằng những người theo FIRE thường rơi vào một cuộc khủng hoảng hiện sinh (existential crisis) qua việc tập trung nhiều hơn vào mục tiêu đảm bảo kinh tế thay vì lên kế hoạch cuộc sống sau khi đã độc lập tài chính. “Một trong những điều bạn cần suy nghĩ là các nhu cầu tâm lý nào đang được đáp ứng khi bạn sở hữu một công việc.” Lời khuyên của ông dành cho những người theo đuổi FIRE là hãy sớm bắt đầu suy nghĩ về cách thay thế sự gắn kết và cảm giác thuộc về xã hội mà bạn tìm thấy trong quá trình làm việc.
Jordan và Brandon đã đấu tranh với những lo lắng và sợ hãi của riêng họ, nhưng cả hai đều mạnh mẽ tuyên bố về một chiến thuật giải cứu là không xem tiền bạc là nhân tố quan trọng trong mục tiêu sống hay theo đuổi giấc mơ cuộc đời. “Chúng ta phải bắt đầu tìm hiểu đâu là bản sắc và mục đích thật sự của bản thân, cũng như nhận diện xem loại kết nối nào trên thế giới là quan trọng nhất với mình,” Jordan nói.
SUY NGHĨ VỀ BỨC TRANH LỚN
Mặc dù sự hài lòng sẽ đến ngay sau khi ý tưởng nghỉ hưu sớm được thực hiện, nhưng nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Đam mê và mục đích sẽ là động lực chính của sự vui thích một khi kế hoạch nghỉ làm dài hạn đã hoàn thành.
Klontz tin vào tầm quan trọng của việc suy nghĩ và tạo ra một tầm nhìn chi tiết ngay sau khi bạn quyết định thực hiện FIRE. “Hãy nghĩ về 5, 10, 25 năm sau. Mọi người đều có danh sách những chuyện phải thực hiện trong 6 tháng, nhưng ít ai có kế hoạch về việc mình sẽ làm gì sau khi đã thực sự được nghỉ ngơi.”
TÌM KIẾM CÁ TÍNH BẢN THÂN THÔNG QUA CÁC KỶ LUẬT
Trong khi FIRE có vẻ giống một hành trình hướng đến cuộc sống không gò bó, Brandon cho rằng việc tuân theo các lộ trình công việc, thói quen sinh hoạt và kỷ luật lại khiến anh thấy mình có sự tiến bộ.
Bart Brewer, một cố vấn tài chính, cũng có chung niềm tin rằng triết lý này có thể giúp mọi người ngăn bản thân trở thành nạn nhân của tình trạng bồn chồn sau khi thực hiện ý định FIRE. “Những người nghỉ hưu sớm thường sẽ phải rất tập trung và kỷ luật mới có thể chạm tới đích và biến mong muốn đó thành hiện thực,” Brewer nói. “Và đòi hỏi phải có sự tập trung cùng kỷ luật tương tự cho quãng thời gian tiếp theo, đặc biệt khi bạn đang cân nhắc một mục đích nào đó lớn hơn chính bản thân mình.”
Nguồn hình: Freepik