Người phụ nữ 6 lần làm giám đốc
Lượt xem: 12,448Ưa thích các trò mạo hiểm như nhảy dù, trượt thác, trượt tuyết, lặn... nhưng lại rụt rè khi mới bắt đầu kinh doanh. Ấy thế mà khi quyết định thực sự "dấn thân" vào chốn thương trường, chị lại là người quyết đoán và can đảm.
Đó cũng là những gì mọi người thường nói về nữ thương nhân Việt kiều Carina Oanh Oanh - Giám đốc Royal Blue (Training & Consulting) hay còn gọi là Công ty Đào tạo và tư vấn Vương Thanh.
Bắt đầu từ cô bé bán bắp rang...
Carina Oanh Oanh sang Mỹ từ năm 15 tuổi. Cũng như bao nhiêu người dân tị nạn khác, chị phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất: không tiền, không nhà cửa, không việc làm. Quả thật với chị tất cả bắt đầu từ con số không, khi phải vừa học vừa làm đủ thứ việc lặt vặt kiếm sống: bán bắp rang, kẹo bánh... trong rạp chiếu bóng ở bang Pennsylvania. Vượt lên tất cả, lúc đó trong đầu chị luôn luôn có ý nghĩ: "Việc duy nhất mà mình có thể làm là học thật giỏi để người khác đừng coi thường". Chính ý nghĩ tốt đẹp này giúp chị có thêm can đảm để trải qua nhiều nghề cực nhọc khác trong suốt thời gian theo đuổi việc học hành: bán quần áo trong các cửa hàng, phụ bán hàng trong siêu thị, trông coi thư viện trường kiêm luôn vai trò gia sư cho các em học sinh dưới khóa... Song bù lại những thiệt thòi về vật chất, chị Oanh luôn là một học sinh người Việt xuất sắc nhất trường ngay từ lúc còn ở bậc phổ thông. Tên chị được ghi lên Bảng Đồng gắn trên tường nhà trường...
Bây giờ, được biết công ty của chị là đơn vị tài trợ chính cho Nhà tình thương trẻ mồ côi khuyết tật tỉnh Đồng Nai. Chị tâm sự, mọi mất mát cũng như thành công hôm nay đều được đong-đo-đếm bằng mồ hôi, nước mắt; do đó, chị muốn chia sẻ mọi điều may mắn với những mảnh đời bất hạnh, đang thiếu thốn vật chất cũng như tình thương.
Người giữ nhiều chức vụ giám đốc
- Năm 1982: Chị Oanh nhận giải thưởng Học sinh xuất sắc Acedemic Award, Upper Merion High School, Pennsylvania; học bổng và giải thưởng Học sinh tốt nghiệp danh dự, Special Graduate Award, Upper Merion High School, Pennsylvania.
- Năm 1985: Chị nhận học bổng Harry H.Cabell (Br Mawr Rotary Club, Pennsylvania) dành cho những sinh viên nghèo học giỏi trên nước Mỹ.
- Năm 1986: Huy chương Danh dự do Hiệp hội Hóa học quốc gia Mỹ trao tặng.
- Năm 2005: Chị nhận bằng xuất sắc thạc sĩ MBA của Mỹ.
Bảng thành tích của chị Oanh quả thật rất đáng nể nang. Chị đã từng trải qua nhiều vị trí khác nhau: chuyên viên hóa học, Giám đốc phát triển kinh doanh Bệnh viện FV, Giám đốc hành chính & nhân sự (Beechrow Việt Nam pty. Ltd), Giám đốc phát triển kinh doanh Copeland Internation, Giám đốc điều hành & nhân sự (Advanced Cleanroom Microclean - California), Giám đốc kinh doanh (Liquid Carbonic - California). Và hiện nay là Giám đốc Công ty Đào tạo và tư vấn Vương Thanh. Chị tâm sự: "Ở mỗi công ty tôi đã làm việc qua đều đem lại cho tôi rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Và Vương Thanh là điều mà tôi đã ấp ủ từ lâu sau quá trình học hỏi".
Khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, chị chưa dám lập công ty riêng mà vẫn mày mò ở nhiều tập đoàn lớn của Mỹ. Và sau khi nhận bằng thạc sĩ MBA của California technology University of Pomona chị mới thêm sự tự tin và quyết định trở về Việt Nam vào năm 1996. Chị cho biết: "Khóa học này mang lại cho tôi nhiều kiến thức về kinh doanh. Chính vì vậy tôi quyết định chọn lĩnh vực này". Được biết, công ty của chị chuyên đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu và kỹ năng làm việc. Do đó chị phải kiêm vai trò giảng viên, trang bị kiến thức cơ bản cho một số tổ chức, cơ quan. Học viên của chị có nhiều giám đốc, nội dung những buổi học do chị hướng dẫn mang tính chuyên nghiệp cao: phát triển kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý, kiểm soát, giảm stress, phương pháp quản lý thời gian, cách tổ chức công việc... Công ty Vương Thanh đã từng phục vụ cho các tổ chức và doanh nghiệp như Tổng lãnh sự Canada, Mỹ, Công ty Dầu khí BP...
Sau 7 năm làm việc tại quê hương, chị đã tạo được nhiều mối quan hệ tốt trong công việc, đưa được nhiều dự án vào thực tế, mà đặc biệt gần đây nhất là dự án "Sơ cấp cứu", cung cấp những kiến thức y khoa cơ bản cần thiết, giúp mọi người có thể tự thao tác ngay tại chỗ khi có thương tích. Chị đã thiết kế 4 nhóm kỹ năng sơ cấp cứu dành cho người lớn, trẻ em, tài xế và trong công nghiệp. Đây cũng là một dự án thiết thực cho các gia đình khi áp dụng vào cuộc sống.
Tuy là một doanh nhân bận rộn nhưng gia đình vẫn luôn là nguồn động lực, niềm hạnh phúc lớn lao, giúp chị yên tâm làm việc. Chồng chị Oanh là một doanh nhân người Úc, nên trong thương trường anh luôn là "gia sư" nhiệt tâm giúp chị vượt qua lắm thác ghềnh. Chị cười tiết lộ thêm chuyện "bếp núc": "Tôi thường nấu nhiều món ăn ngon xứ mình cho chồng và con thưởng thức. Anh ấy rất thích món bún riêu do chính tay tôi nấu...".