Nhà tỉ phú đa năng của nước Pháp
Lượt xem: 13,857Không những là một trong những người giàu nhất nước Pháp mà Vincent Bolloré còn là người có thế lực rất lớn trong nền kinh tế.
Các tổng giám đốc điều hành của các tập đoàn, công ty lớn luôn lo sợ mất ghế vì Vincent Bolloré có thể can thiệp bất cứ lúc nào. Bolloré Group không chỉ là tập đoàn công nghiệp đơn thuần mà còn là cả một tập đoàn tài chính, đầu tư khổng lồ.
Vincent Bolloré là một tỉ phú đa năng. Ông tham gia vào tất cả các lĩnh vực, mọi ngành nghề kinh tế như công nghiệp sản xuất giấy, vận tải biển, mở đồn điền kakao, hàng không, ngân hàng, tài chính, xuất bản và truyền thông, giải trí.
Tên tuổi Vincent Bolloré luôn xuất hiện trên các phương tiện thông tin. Trên thực tế, đã từ lâu, công ty nào có sự đầu tư góp vốn của Bolloré là ông tìm cách chi phối, gây ảnh hưởng và thay Ban lãnh đạo nếu ông không thấy ưng ý.
Mưu lược để chi phối tập đoàn Havas
Gần đây nhất là việc Vincent Bolloré đầu tư lớn và tìm cách chi phối tập đoàn quảng cáo Havas lớn thứ hai nước Pháp và đứng thứ sáu trên thế giới. Tập đoàn Havas hiện đang có doanh thu tới trên 13 tỉ Euro mỗi năm và đang có những hợp đồng quảng cáo dài hạn với nhiều khách hàng rất lớn như tập đoàn Danone, L’Oréal, các tập đoàn xe hơi như Peugeot Citroen và Volkswagen.
Những người quan tâm đã được chứng kiến cả một thời gian dài những cuộc đấu trí và cả đấu khẩu căng thẳng đến tột độ giữa Vincent Bolloré và Chủ tịch đương nhiệm của tập đoàn Havas.
Sự đầu tư của Vincent Bolloré là bài bản với những tính toán chiến lược rất kỹ lưỡng. Mới tháng 7 năm 2004, Vincent Bolloré chỉ có 5% cổ phiếu của Havas thì sang tới đầu năm 2005 là 13%. Giữa năm nay, ông đặt mục tiêu tăng phần sở hữu của mình lên trên 20%.
Thế nhưng chủ tịch đương nhiệm Alain de Pouzilhac cũng là một cao thủ trên thương trường và đại gia nhiều quyền lực ngăn cản một cách quyết liệt. Ông này lo sợ với số cổ phiếu tăng thêm thì Vincent Bolloré sẽ có thêm 4 ghế trong Hội đồng quản trị tập đoàn và khi đó chiếc ghế chủ tịch sẽ chắc chắn không còn thuộc về Pouzilhac
Như tranh cử tổng thống, hai đối thủ kình địch Pouzilhac và Bolloré có những chiến dịch quảng bá và vận động rùm beng để giành điểm của cổ đông. Thậm chí, họ còn dùng mọi cách tấn công nhau dữ dội, người này “bóc mánh” người kia để hạ uy tín của nhau. Có thể nói các phương tiện thông tin đại chúng, giới quan sát và giới đầu tư vừa qua đã được chứng kiến những hiệp đấu căng thẳng và gay cấn dữ dội của hai đại gia kinh doanh, người tám lạng, kẻ nửa cân này.
Nhưng cuối cùng phần thắng lại thuộc về “cáo già” kinh doanh Vincent Bolloré. Kết quả rõ ràng một cách khá bất ngờ khi có tới 70% cổ đông của tập đoàn Havas ủng hộ kế hoạch tăng vốn góp của Vincent Bolloré. Tìm mọi cách ngăn cản Vincent Bolloré có được 20% cổ phiếu của tập đoàn Havas không thành, Pouzilhac buộc phải cay đắng từ chức chủ tịch hội đồng quản trị.
Sau chiến thắng quan trọng này, Vincent Bolloré thông tin với báo giới còn tiếp tục tăng phần sở hữu của mình vào Havas tới 30% để khẳng định quyền ảnh hưởng chi phối của mình. Vincent Bolloré khẳng định với báo giới và cổ đông ý định đầu tư của mình chỉ vì mục đích kinh tế chứ không phải là tranh giành địa vị hay vì mục đích nào khác. Vincent Bolloré sẽ không làm Chủ tịch Havas thay Pouzilhac mà chỉ đưa người của mình vào vị trí đó.
Xuất thân từ ông chủ sản xuất giấy
Vincent Bolloré được biết là người tìm mọi cách che giấu thông tin cụ thể về cá nhân cũng như các hoạt động kinh doanh của mình. Ông sinh năm 1952 tại Bretage. Tập đoàn Bolloré có nguồn gốc là một công ty chuyên sản xuất giấy của dòng họ Bolloré từ trên 180 năm nay. Vincent Bolloré là thế hệ thứ 6 và cũng là người đã có công đưa Bolloré không chỉ là một tập đoàn công nghiệp mà còn hơn thế nữa.
Cả năm thế hệ trước, dòng họ Bolloré hầu như chỉ sản xuất và kinh doanh giấy nhưng dường như càng ngày họ càng khó cạnh tranh hơn. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất giấy của nhà Bolloré đã phải bán cho ngân hàng tư nhân Rothschilds.
Cách đây đúng 25 năm, khi mới chỉ là thương nhân trẻ 28 tuổi, Vincent Bolloré đã quyết tâm xây dựng lại cơ đồ dòng họ Vincent Bolloré. Và ông gần như làm lại từ đầu với ngành sản xuất giấy. Vincent Bolloré đã chớp thời cơ mua lại nhà máy giấy cũ của dòng họ Bolloré. Khi đó nhà máy đã bị phá sản với một núi nợ không thanh toán được. Nhờ quan hệ rất tốt với giới kinh doanh, trong đó có Edmon Rosthchild, Vincent Bolloré đã lấy được nhà máy giấy cũ với giá tượng trưng 1 Franc.
Cũng bắt đầu từ đây, Vincent Bolloré đã xây dựng nên một sự nghiệp kinh doanh ngoạn mục và cá nhân ông trở thành một trong những đại gia giàu có nhất nước Pháp.
Cho đến nay Bolloré vẫn là tập đoàn chuyên sản xuất các loại giấy đặc biệt, giấy chuyên dụng để cuốn thuốc lá, giấy in kinh thánh cho nhà thờ. Rất nhiều tập đoàn sản xuất thuốc lá trên thế giới đang là bạn hàng thân thiết của Vincent Bolloré.
Đầu tư vào mọi lĩnh vực
Trong khi dư luận và các nhà quản lý doanh nghiệp rất phải dè chừng với cái vòi bạch tuộc của Vincent Bolloré thì ông tìm mọi cách trấn an. Ông nói rằng ông chỉ là một nhà đầu tư vì mục tiêu kinh doanh thuần tuý. Đúng vậy, trên thực tế Vincent Bolloré luôn tìm các công ty mà ông có thể cải cách hay tái lập lại nhằm tăng hiệu quả và giá trị của doanh nghiệp
Trước những ý kiến chỉ trích ông tìm cách thâu tóm tập đoàn quảng cáo Havas vì mục đích tranh giành quyền lực với Pouzilhac, Vincent Bolloré đã kịp thời phản bác một cách thuyết phục rằng: “Đây là sự đầu tư của tập đoàn Bolloré mà tôi là người đại diện ở thế hệ thứ 6 mục tiêu duy nhất là kinh doanh lâu dài”.
Tập đoàn kinh doanh và đầu tư của Vincent Bolloré hiện nay có hơn 30.000, trong đó chỉ có một phần nhỏ làm trong các nhà máy giấy. Vincent Bolloré giàu có nhanh chóng một phần nhờ việc chuyên làm vận chuyển hàng hoá thương mại xuyên lục địa, chi phối các tuyến vận tải giữa châu Âu và châu Phi.
Gần đây, Vincent Bolloré chú trọng việc chở dầu cung cấp cho các nước châu Phi và còn kinh doanh trực tiếp dầu mỏ. Với doanh số năm 2004 hơn 6 tỉ USD thì Vincent Bolloré đã thu về gần 200 triệu USD lợi nhuận. Cổ phiếu của Vincent Bolloré trong năm qua đã tăng gần 50% đã nói lên sự hiệu quả kinh doanh của tập đoàn này.
Trước vụ tăng vốn cổ phần vào tập đoàn quảng cáo Havas, Vincent Bolloré còn có một vụ động trời khác vào năm 1997. Với nguồn tài chính dồi dào và nhiều mưu lược, Vincent Bolloré đã giành được 8,7% cổ phần của tập đoàn công nghiệp Bouygues. Tại thời điểm đó, đây là tập đoàn xây dựng lớn nhất thế giới, đồng thời lại là cổ đông chính của kênh tuyền hình TF1 lớn nhất nước Pháp và công ty điện thoại di động Bouygues Télécom lớn thứ ba Pháp.
Trước đó, Vincent Bolloré đã rất quyết đoán khi bỏ rất nhiều tiền mua cổ phần để trở thành đại cổ đông của tập đoàn Ingenico chuyên về các hệ thống thanh toán điện tử. Ông còn sở hữu vô số nhà máy công ty đủ loại ngành nghề khác nữa, như công ty Gaumont chuyên sản xuất phim, hay một loạt các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, bán dẫn, bóng đèn hình (tập đoàn Vallourec).
Bí quyết là loại bỏ người không có năng lực
Không chỉ là nhà đầu tư đơn thuần, Vincent Bolloré thực sự là một nhà cải cách doanh nghiệp. Tất cả các doanh nghiệp, công ty mà Vincent Bolloré đang sở hữu hoặc đã bán đi phần lớn đều là những công ty phá sản hay khó khăn. Vincent Bolloré đã mua lại với giá khá rẻ hoặc với tập đoàn lớn hơn thì ông tìm cách sở hữu đa số cổ phần. Ông sẵn sàng loại bỏ những người lãnh đạo chủ chốt không có năng lực và thay thế bằng êkíp khác phù hợp hơn.
Năm 1996 Vincent Bolloré bỏ ra 2 tỉ Francs để mua lại 100.000 ha trang trại ở châu Phi, đến nay trang trại được định giá tới 15 tỉ Francs. Năm 1998 ông đầu tư vào công ty kinh doanh rạp chiếu phim Pathé. Chỉ 5 tuần sau ông bán lại cho Vivendi và thu lãi tương đương với 120 triệu Euro.
Cách đây 5 năm, Vincent Bolloré mua 31% cổ phần của ngân hàng đầu tư Investmentbank Lazard rồi sau đó bán lại cho ngân hàng Crédit Agricole và thu lãi 290 triệu Euro