Nhà tuyển dụng "kỵ" điều gì nhất ở hồ sơ của ứng viên?
Lượt xem: 14,669Ngày nay khi các trang web việc làm phát triển, nhiều ứng viên quyết định tận dụng ưu thế nhanh gọn và tiện ích của việc nộp đơn ứng tuyển trực tuyến. Thế nhưng khi viết hồ sơ tìm việc họ đã không hề chú ý đến những lỗi sơ đẳng nhất và bị nhà tuyển dụng gạt hồ sơ sang một bên không thương tiếc.
Sai lỗi chính tả, ngữ pháp, cấu trúc câu
Sai lỗi chính tả, chữ hoa, chữ thường viết tùy tiện là những lỗi sơ đẳng nhất và dễ thấy nhất trong hồ sơ của ứng viên, đặc biệt là các sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật hoặc khoa học tự nhiên. Thậm chí có sinh viên tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ/Ngữ văn của các trường đại học uy tín cũng mắc lỗi chính tả, viết câu cú ngô nghê, ngữ pháp chằng chịt, khó hiểu đến mức nhà tuyển dụng phải lắc đầu ngao ngán.
Văn phong “nửa nạc nửa mỡ”
“Dynamic, creative, ambitious, có khả năng chịu được áp lực cao…” Đó là một đoạn mô tả bản thân của một ứng viên thuộc thế hệ 8X. Ngày nay các bạn trẻ có khuynh hướng “chêm” tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày. Và thế là, kiểu văn phong “nửa nạc nửa mỡ” theo đó mà vào hồ sơ tìm việc của họ. Một hồ sơ như vậy cho thấy chủ nhân của nó là một người cẩu thả và không thống nhất. Nếu phạm những lỗi như vậy, ứng viên rất ít có khả năng được nhà tuyển dụng lọc lại hồ sơ, chứ chưa nói đến cơ hội họ được mời đi phỏng vấn.
Lương cao “ngất trời”
Một ứng viên ghi trong hồ sơ gửi đến một trang web việc làm với thông tin như sau: “Lương hiện tại US$700; lương mong muốn US$1.500…” Khi định mức lương mong muốn của mình, liệu ứng viên này có biết hồ sơ của họ sẽ bị nhà tuyển dụng đánh dấu hỏi to tướng? Với kinh nghiệm hiện tại của ứng viên, nhà tuyển dụng đánh giá ngay đòi hỏi tăng lương hơn gấp đôi này hoàn toàn vô lý. Kết quả là hồ sơ của ứng viên này bị gạt sang một bên và nhà tuyển dụng tiếp tục tìm kiếm những hồ sơ khác có chất lượng và mức lương hợp lý hơn.
Không logic, bất cẩn
Một ứng viên đang theo học khóa Thạc Sĩ Kế Toán trình bày hồ sơ như sau: “Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình được sử dụng trên 12 năm” và đánh giá kỹ năng này ở cấp độ “Sơ cấp” (beginner). Thế nhưng ứng viên này lại đánh giá kỹ năng lãnh đạo của mình ở cấp độ “Nâng cao” (advanced) với thời gian sử dụng chỉ mới 5 năm?! Chỉ vì sơ xuất đó mà ứng viên trên đã làm hỏng toàn bộ hồ sơ của mình. Nếu là nhà tuyển dụng, bạn có chọn ứng viên này cho vị trí kế toán trưởng công ty?
Dài dòng, không phù hợp
Nhiều ứng viên “không tiếc” thời gian trình bày hồ sơ của mình trên 4, 5 hay thậm chí 7 trang giấy. Họ dường như muốn viết cả tiểu sử của mình cho nhà tuyển dụng xem. Bạn hãy nhớ, hồ sơ chỉ đề cập những kinh nghiệm và thành tích có liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển mà thôi. Những kinh nghiệm như “tham gia chiến dịch mùa hè xanh năm 2004” của thời sinh viên xa xôi sẽ làm cho thông tin hồ sơ của bạn bị “loãng”.
“Văn là người”, vì vậy nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn qua chính hồ sơ tìm việc. Một hồ sơ trực tuyến ấn tượng sẽ đem đến cơ hội vàng giúp bạn có được công việc mơ ước. Vì vậy, trước khi nhấn nút “Hoàn thành” để gửi hồ sơ đến một website việc làm, hãy kiểm tra hồ sơ của bạn thật kỹ lưỡng. Đảm bảo rằng hồ sơ được trình bày thống nhất, hoàn chỉnh, cấu trúc rõ ràng, và tuyệt đối không phạm bất cứ một lỗi chính tả hay ngữ pháp nào.