Nhân lực ngành y tế cần chất hơn lượng
Lượt xem: 19,479
“Để tăng cường nguồn nhân lực y tế đang thiếu trầm trọng, các địa phương, các trường đào tạo cần có kế hoạch rõ ràng, đặc biệt chú trọng đến chất lượng đầu ra, không đào tạo tràn lan để những người bác sĩ tương lai thật sự có chất lượng”.
Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, đưa ra hôm qua, ngày 12/6.
Bác sĩ ít - thiếu, Dược sĩ nhiều - cũng thiếu
Theo GS.TS Trương Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo Bộ Y tế thì: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng nhu cầu nhân lực y tế. Nguồn đào tạo có giới hạn. Dân số mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu người, hệ thống y tế tư nhân đang phát triển nhanh, thêm nữa hiện nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao, tình trạng mất cân đối về phân bổ nhân lực. Nhiều lĩnh vực đã và sẽ thiếu cán bộ trầm trọng hơn”.
Hiện mỗi năm, việc khám chữa bệnh tại các bệnh viện cần thêm cho các tuyến là gần 6.000 bác sĩ, 1.500 dược sĩ, hơn 10.000 điều dưỡng và hơn 7.000 cán bộ khác (kỹ thuật viên, hộ lý, hộ sinh…). Trong lĩnh vực y tế dự phòng, số cán bộ đại học cần từ 1.200-1.500 người và khoảng 2.460 cán bộ trung cấp, cao đẳng.
Đối với lĩnh vực đào tạo dược sĩ lại có sự tréo ngoe. Hàng năm số dược sĩ được đào tạo hệ đại học lên đến 8.000 người, đủ để đáp ứng nhu cầu chung. Nhưng phần lớn số dược sĩ này chọn làm việc cho tư nhân, trong khi rất nhiều bệnh viện vùng sâu vùng xa không có dược sĩ đại học.
Tất cả các Sở Y tế địa phương cũng thiếu hụt trầm trọng về nhân lực, trong khi với chế độ đãi ngộ và thu nhập cao, các cơ sở y tế tư nhân vẫn thu hút chất xám ngành y tế công.
Bác sĩ Võ Anh Hồ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho biết: Những bác sĩ về nhận công tác ở Đồng Tháp đều chọn công tác ở các bệnh viện đa khoa tỉnh hay huyện, còn khi mời gọi họ về các vùng xa hơn thì họ hẹn lần lữa rồi… biến mất.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cũng báo động tình trạng bỏ nhà nước đi kiếm tiền ngoài của các bác sĩ. Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam thì tỏ ý lo ngại về tình trạng chảy máu chất xám từ y tế công sang y tế tư. Theo ông này, phải có cơ chế chuyển nhượng cán bộ giống như chuyển nhượng cầu thủ bóng đá, hòng ngăn chặn các vụ ra đi của các bác sĩ, dược sĩ.
Giải pháp nào cho nguồn nhân lực y tế?
Để có thể rút ngắn khoảng cách thiếu hụt nhân lực hiện nay và trong tương lai, các địa phương kiến nghị Bộ Y tế tăng chỉ tiêu đào tạo bác sĩ, dược sĩ sau đại học, mở rộng các mô hình, loại hình đào tạo cán bộ y tế, nâng cấp các cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các phòng thí nghiệm để chuẩn hoá các kỹ thuật.
GS.TS Đặng Vạn Phước, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược TPHCM, có nhiều đề nghị đổi mới trong việc đào tạo nhân lực cho ngành y tế như tăng thời gian thực hành cho sinh viên; củng cố và phát triển các bệnh viện thực hành trong các nơi đào tạo.
Ông Phước nhận định: “Hiện nay, nhu cầu về số lượng nhân sự y tế tuy có bức bách nhưng số lượng cần phải đi liền với vấn đề chất lượng đào tạo”.