Nhân viên Việt Nam có tinh thần hợp tác không?
Lượt xem: 34,471Một buổi thư giãn cuối tuần đã trở thành chuyện đáng nhớ khi người bạn vừa trở về sau ba năm làm việc ở Philippines nêu lên vấn đề: “Văn phòng công ty mình sao mà chính trị văn phòng nhiều quá!”.
“Chính trị văn phòng” là từ lần đầu tiên tôi được nghe. Bạn tôi dùng nó để ám chỉ tính cạnh tranh không lành mạnh, đôi khi thái quá để vươn lên trong một tập thể. Anh kể thêm, “Philippines cũng là một nước nghèo như Việt Nam, nhưng mọi người ở đó sống và làm việc thoải mái với thái độ chấp nhận công việc của mình”.
Tâm sự của anh bạn khiến tôi nhớ lại quan sát của mình dạo đi công tác ở Bangkok. Khi nhìn khuôn mặt nhân viên khách sạn ở Thái Lan, tôi có cảm nhận như họ sinh ra để làm công việc họ được phân công.
Thế tại sao không khí văn phòng ở Việt Nam lại mang sắc thái “chính trị văn phòng” như anh bạn tôi bức xúc? Nói cách khác, tại sao nhân viên Việt Nam làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước thường thiếu tinh thần hợp tác?
Rộng hơn một chút, trong cuộc họp mặt Việt kiều mới đây, ông Hoàng Xuân Bình, Việt kiều Ba Lan, đã nhận xét: “Người Việt trên thế giới chưa biết cách hợp tác làm ăn... Không xây dựng được một cộng đồng bền vững thì những xói mòn về tiếng nói, chữ viết và văn hóa là không thể tránh khỏi”.
Việc đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên thiết nghĩ cần được các công ty tư vấn nguồn nhân lực hay các nghiên cứu sinh ở các trường đại học lấy làm đề tài nghiên cứu. Những câu trả lời cóp nhặt dưới đây mang tính chất “trà dư tửu hậu” chỉ qua một chiều thư giãn, chỉ để bạn đọc tham khảo.
Người Việt đầy ý chí chiến đấu!
Nước Việt Nam có mấy ngàn năm lịch sử là gần như ngần ấy thời gian phải bảo vệ tổ quốc! Phải liên tục chiến đấu chống ngoại xâm, thú dữ và thiên tai... môi trường sống dường như đã hun đúc ý chí chiến đấu trong tinh thần người dân. Ý chí mạnh nhất ở miền Bắc, miền Trung và giảm dần ở miền Nam có lẽ do môi trường sống ở đất phương Nam dễ dàng hơn chăng?
Văn hóa Việt Nam thiếu tính kế thừa!
Thầy dạy toán của tôi thời trung và đại học năm nay đã gần bảy mươi. Gần đây ông rủ tôi học Hán văn và thiền. Tôi hết sức ngạc nhiên khi ông trả lời thắc mắc của tôi, rằng: “Thầy học hai thứ trên để vệ sinh tinh thần và trí não mỗi ngày và góp phần làm cho văn hóa của tổ tiên có tính liên tục vì thầy nhận thấy nó đang bị phôi pha!”. Thầy đang phấn đấu đến năm tròn bảy mươi tuổi sẽ có số vốn ba ngàn từ vựng chữ Hán để đọc văn tự của cha ông.
Thầy còn đi xa hơn: “Tại sao người Triều Tiên, Nhật, Trung Quốc dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử, họ vẫn đoàn kết, hợp tác cùng nhau trong làm ăn còn người Việt ở trong nước hay ở nước ngoài đều chưa thể hiện tinh thần này?”.
Theo thầy, đó là hậu quả của sự thiếu tính kế thừa trong văn hóa dân tộc, và thầy đề nghị: “Để cho văn hóa mang tính liên tục, nên khuyến khích sinh viên học chữ Hán để tìm hiểu văn hóa lịch sử của cha ông”.
Chưa trang bị khả năng tư duy logic
Ý kiến thứ ba đến từ một người đã theo ngành giáo dục từ xưa đến nay. Anh cho rằng hệ thống giáo dục hiện tại của ta chỉ mới khuyến khích giới trẻ suy nghĩ làm việc đó như thế nào, thay vì đặt câu hỏi làm công việc đó để làm gì. Chỉ khi được trang bị phương pháp tư duy logic con người mới có khả năng quyết định một cách khoa học và biết tôn trọng quy luật khách quan.
Nghĩa là mọi người nên biết mình là ai, đang ở đâu trong xã hội và cần phải làm gì để đạt được điều mình mong muốn trên tinh thần hợp tác và bình đẳng.
Thiếu hợp tác là quy luật!
Ý kiến cuối cùng của người viết dựa trên lý thuyết phát triển nhóm được trích trong cuốn Lãnh đạo nhóm: Nắm vững vai trò mới. Theo các tác giả, tính hợp tác sẽ đạt được dần dần thông qua bốn giai đoạn phát triển gồm: quy tụ, bão tố, định hình và cùng nhau hợp tác để hoàn thành nhiệm vụ.
Các giai đoạn này phát triển nhanh hay chậm có vai trò rất lớn của các nhà lãnh đạo. Trong giai đoạn quy tụ, lãnh đạo cần thiết lập các nguyên lý quan hệ mang tính nền tảng để cho con người tương tác với nhau. Cần tỉnh táo hiểu rằng chuyện con người trong một cộng đồng đấu tranh để cùng làm việc với nhau là hợp quy luật.
Vì vậy, nhà lãnh đạo nhạy cảm cần trợ giúp các thành viên vượt qua bão tố bằng cách phân định rạch ròi đâu là trách nhiệm và quyền lực của mỗi người. Khi các thành viên đã tin tưởng lẫn nhau, lãnh đạo có thể bước sang một bên để cho họ cùng nhau hợp tác hoàn thành sứ mệnh của mình.
Chúng ta đang ở đâu trong bốn bước phát triển nói trên? Cần mạnh mẽ thay đổi cách nghĩ, cách làm bằng cách tập trung mọi nguồn lực cải tổ hệ thống giáo dục phổ thông. Chậm còn hơn không. Thầy tôi đã gần bảy mươi cũng vẫn đang bắt đầu học trở lại, có sao đâu
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :