“Nhảy việc” lợi hay hại?
Lượt xem: 21,084
Xu hướng chuyển chỗ làm liên tục đang trở thành “hiện tượng” của lớp trẻ hiện nay, với mong muốn tìm môi trường làm việc tốt hơn, lương cao hơn. “Nhảy việc” hiển nhiên có nhiều ưu điểm, nhưng đôi khi “lợi bất cập hại”.
Lợi thì có lợi…
Đó là khi bạn chuyển chỗ làm vì những nguyên nhân dưới đây:
Bạn không tự tin với công việc hiện tại: Ngại ngùng, bối rối trong lòng khi ai đó hỏi về nghề nghiệp của bạn. Tốt nghiệp loại ưu, năng lực khỏi phải bàn, bạn du học ở ngôi trường mơ ước thế mà bạn lại làm trong công ty “lèng phèng”, quy mô thì nhỏ, không đúng chuyên môn bạn được đào tạo. Tốt nhất hãy mạnh dạn xin việc chỗ khác. Khi không thoải mái với công việc bạn đang phải làm nghĩa là bạn tự kìm năng lực của bản thân và chịu sức ép cực kỳ lớn.
Công việc đã không còn hứng thú với bạn: Dù bạn rất yêu nghề hay công ty mình làm việc thế nào đi nữa, nếu không được thăng chức, tăng lương hay thay đổi công việc. Một lúc nào đấy bạn sẽ thấy nhàm chán vô cùng.
Không hoà hợp được với các quy định của công ty: Công ty không có môi trường cạnh tranh, thiếu tinh thần tập thể, thường xuyên đấu đá nhau. Công ty có những yêu cầu tréo ngoe hạn chế khả năng của bạn…
Năng lực của bạn được đánh giá chuẩn xác hơn ở nơi mới: Dù bạn chẳng muốn ra đi, nhưng khi bạn nhận được lời mời của công ty khác với những quyền lợi mà bạn luôn muốn công ty hiện tại đáp ứng như: được nâng cao nghề nghiệp ở nước ngoài, lương cao, nhiều chế độ đãi ngộ… Bạn nên nhận lời.
Nhưng không phải không hại:
Nếu bạn chuyển vì một trong các nguyên nhân dưới đây:
Không thoả mãn với thu nhập: Bạn thấy lương mình quá thấp so với mức lương cơ bản, bị làm việc quá sức và khi tìm ra công ty trả bạn hơn một chút bạn vội dứt áo ra đi. Đừng ảo tưởng quá, hãy xem ở đó môi trường làm việc có tốt hay không, áp lực công việc thế nào, thái độ của mọi người.
Vì công việc quá tải: Công việc mà bạn làm hằng ngày trở lên quá tải với bạn, hãy xem lại năng lực của mình. Nếu không tham gia các khoá học nâng cao nghiệp vụ, thì dù bạn có chuyển sang công ty khác đi nữa, bạn sẽ không bao giờ thăng tiến được và mãi mãi chỉ là kế toán viên, hay nhân viên phòng nhân sự thôi. Hãy nhìn lại mình trước khi chê bai môi trường làm việc nhé.
Mâu thuẫn với cấp trên, đồng nghiệp: Cứ lúc bạn trình bày giải pháp hay ý tưởng mới là y rằng sếp, đồng nghiệp lại chê bai, khiến bạn thấy khó chịu trong lòng. Bạn thấy cô độc, hãy tự xét bản thân, có thể bạn làm sai, hay có vấn đề trong cách giao tiếp ứng xử hàng ngày. Bỏ công ty để chạy trốn, có thể tốt nhưng bạn hãy nghĩ xem bạn sẽ phải gặp mặt với các đồng nghiệp mới chắc gì thân thiện hơn. Vì thế hãy thật bình tĩnh để xem mình sai ở đâu rồi sửa.