Những bài học ngoài giảng đường
Lượt xem: 12,902Tuy không hoàn toàn là kinh nghiệm "xương máu" cho cả cuộc đời, nhưng những bài học từ những ngày đi làm thêm đã thực sự mang đến cho sinh viên những bài học bổ ích, bổ sung vào những tri thức phong phú mà thầy cô truyền thụ từ giảng đường đại học...
Đội phát hành sách báo chuyên nghiệp
Nhóm cựu học sinh lớp 12 chuyên Văn Trường PTTH Lê Quí Đôn - Đà Nẵng chúng tôi gồm những sinh viên ĐH Luật, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Sư phạm... vừa bước vào ngưỡng cửa năm thứ nhất đại học đã "ti toe" lập ngay một nhóm phát hành sách báo "chuyên nghiệp" ngay giữa thành phố Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên, toàn những đứa mù mờ về đường sá, chuyên trị xe đạp, không rành rẽ về những mánh khóe buôn bán... "Lấy công làm lời" - trưởng nhóm nhắc nhở rồi vẽ ra một viễn cảnh khá tươi sáng: "Mỗi tháng cả nhóm thu được chừng 4-5 triệu đồng, trừ chi phí còn lại mỗi đứa từ 300.000-400.000đ". Lần đầu tiên làm ra tiền, lại đến con số tiền trăm, mặt đứa nào cũng háo hức thấy rõ. Lúc đó, chúng tôi phát hành báo và một vài chuyên san phụ nữ.
Khi mới "vào nghề" khó khăn không tưởng. Những tiệm sách ở các quận trung tâm, gần trường đại học... đều đã được ký gửi những loại sách, báo mà chúng tôi phát hành. Vậy là đành tìm kiếm thị trường mới. "Thị trường mới" của chúng tôi là những con hẻm ở những quận xa tít tắp, đạp xe... lè lưỡi, mồ hôi cứ thế tuôn xối xả, tối về thay nhau đấm bóp mà vẫn không đỡ mỏi. Có ngày tốn đến 20.000đ tiền nước, 30.000đ tiền cơm mà không mời ký gửi được cuốn báo nào, lại còn không thu được tiền, phải về bỏ tiền túi ra nộp cho chủ phát hành. Sài Gòn đỏng đảnh, nắng rồi mưa... Có hôm cả đống sách báo lăn xuống nước, ướt nhẹp, đúng ngay trước cổng trường THPT. Mấy cô phụ huynh đón con thấy thương tình, mua giùm mấy cuốn mà rớt nước mắt, đứa nào cũng thấy mình giống dân bán báo dạo hơn là "chuyên viên" phát hành báo.
Đi mãi rồi cũng có lúc khôn ra. Trưởng nhóm nghĩ đến chuyện vào các trường ĐH phát hành. Đứa nào học Luật thì phát hành ở Sư phạm, đứa học Sư phạm phát hành tại Khoa học xã hội và nhân văn, cứ thế mà làm. Ngày đầu tiên, nhờ mau mồm mau miệng tiếp thị, bán được 5 cuốn, mừng phát khóc vì vừa đỡ cực, vừa lấy được tiền "tươi". Ngày thứ hai, bảo vệ trường không cho bán, đuổi chạy te tái. Vừa xấu hổ, vừa tức, nhiều người tuyên bố "giải nghệ". Cuối tháng, tổng kết: lỗ nặng! Không những không có tiền lãi mà còn lấy tiền cơm tháng đắp vào mới đủ. Thì ra, có những nơi sau khi ký gửi, quay lại tìm nhưng không tài nào tìm ra được con hẻm đã ký gửi báo. Hàng trăm quầy như thế, lỗ nặng là phải! Một tháng, đứa nào đứa nấy đen nhẻm, gầy gò, cộng thêm phần thất vọng nữa nên trông bơ phờ đến tội nghiệp.
Đi làm thêm, rõ ràng là chiếm rất nhiều thời gian. Nhưng nếu biết điều tiết và coi việc học là tiên quyết trong suốt quá trình học đại học, sẽ không có gì phải hối hận. Sinh viên xóm trọ chúng tôi lúc ấy bao giờ cũng tìm việc làm vào thời điểm khởi đầu năm học. Thời điểm ấy bài vở nhẹ nhàng, thời gian học cũng thông thoáng nên không đáng ngại. Bài vở hôm nào, dù đi làm thêm về mệt nhưng cũng cố gắng hoàn thành đầy đủ. Nhạy cảm nhất là thời điểm trước kỳ thi học kỳ, dù mối làm thêm có "thơm" đến mấy, thu nhập "rủng rỉnh" đến mấy chúng tôi cũng cương quyết từ chối. "Can trường" như vậy, "quán triệt tư tưởng" như vậy, xóm nhà trọ chúng tôi không đứa nào bị thi lại bất cứ môn học nào, có những học kỳ vẫn nhận học bổng hẳn hoi. Và tôi cũng cam đoan không hề có chuyện sử dụng tài liệu để thi qua môn hay một "chiêu thức" nào khác, mà chúng tôi tận lực học tập bằng khả năng của chính mình. Những ngày đi làm thêm tập cho chúng tôi tính tự trọng. Kết thúc 4 năm đại học, nhóm chúng tôi cũng đều được nhận tấm bằng tốt nghiệp loại khá. Đó là điều mà chúng tôi luôn tự hào. Và khi ra trường xin việc làm, chính những ngày tháng làm thêm giúp chúng tôi kiên trì, nhẫn nại trước mọi công việc được giao. Đó chẳng phải là những điều chúng tôi đã được nhận rất nhiều từ những ngày làm thêm đó sao?! |
Bài học đầu tiên khi bước vào đời không phải nhỏ, đó là không nên làm việc gì khi mình chưa tìm hiểu kỹ. Nhưng bù lại, không đứa sinh viên năm thứ nhất ngoại tỉnh nào có thể rành rẽ những con hẻm Sài Gòn như những nhà "phát hành sách báo chuyên nghiệp" của chúng tôi...
Phát hàng khuyến mãi
Tờ báo đăng tuyển sinh viên làm thêm trên tinh thần cầu tiến, chịu học hỏi và quan trọng là lương hậu hĩ. Mỗi sáng, trước giờ bắt đầu công việc, hơn 500 nhân viên kiểu như chúng tôi phải ngồi lắng nghe hàng giờ đồng hồ những quy tắc của công ty, ví dụ như: "tất cả những hoạt động của anh chị đều được đội "thanh tra ngầm" giám sát nên không được làm cẩu thả, không được lấy bớt hàng khuyến mãi, không được trùm mặt, mang găng tay khi phát hàng khuyến mãi, nụ cười luôn phải nở trên môi, phải giới thiệu tính năng của sản phẩm kỹ lưỡng...".
Hàng khuyến mãi có lúc là dầu gội đầu, mỹ phẩm, băng vệ sinh... Mỗi đứa vác trên người giỏ xách đựng hàng khuyến mãi nặng ít nhất là gần 30 kg, bằng hơn một nửa trọng lượng cơ thể, vác đi giữa nắng, mặc một cái áo thun ngắn tay màu lúc nào cũng chói chang theo màu sản phẩm, "bán tay cho đất, bán mặt cho trời", lại khản cả giọng vì giới thiệu sản phẩm. Theo yêu cầu của trưởng nhóm, chúng tôi phải phát xong hàng càng sớm càng tốt, nên bất kể giờ nghỉ, chúng tôi vẫn phải làm việc như thường. Không ít trường hợp tặng quà mà còn bị mắng vốn vì "tặng có chút xíu quà mà phá giấc ngủ trưa vàng ngọc của thiên hạ!". May mắn nhất là phát quà nhằm những khu chung cư, vì không cần đi nhiều (chỉ cần leo nhiều) thì đã phát được cả vài chục hộ, coi như hôm đó được về sớm. May mắn hơn là có những chủ nhà dễ thương, thấy những đứa phát hàng như tôi, liền đem nước đá lạnh ra mời. Xui xẻo nhất là những ngày đi phát... băng vệ sinh phụ nữ mà gặp khu vực lũ bạn nam cùng lớp ĐH trọ học, xấu hổ không biết giấu đi đâu. Xui xẻo hơn là bị phân công đến khu vực thưa dân cư sinh sống, ngày hôm đó coi như đi bộ bức thở mà còn không hoàn thành nhiệm vụ.
Mỗi ngày 75.000đ. Tôi và nhỏ bạn phải nghỉ học tổng cộng 10 ngày để đeo đuổi "nghiệp" phát hàng khuyến mãi. Mỗi ngày chi phí ăn uống, xăng xe hết 30.000-40.000đ. Tiền làm ra chỉ còn độ 400.000đ. Đó là chưa kể tiền thuốc uống vì sau chuyến phát hàng, tôi và nhỏ bạn đều "lâm trọng bệnh", phải nghỉ học thêm 5 ngày lại còn mất mỗi đứa 200.000đ tiền thuốc, tiền khám bệnh. Những chuyến phát hàng khuyến mãi sau này, dù đã quen việc nhưng bao giờ cũng vậy, "thu không đủ bù chi".
Nhưng với tôi, sự dạn dĩ trong công việc, sự lao động lam lũ, mưu sinh bằng chính đôi bàn tay của mình khiến tôi cảm thấy hạnh phúc.
Nghề... đếm người
Có lẽ bạn chưa bao giờ nghe nhưng sinh viên chúng tôi đã từng làm, đó là nghề "đếm người ra vào bệnh viện". Một ngày 100.000đ, công việc chỉ đơn giản là ngồi đếm số lượng người ra vào tại các bệnh viện tư nhân. Chỉ cần đếm, không cần hỏi han, đến cuối ngày làm thống kê buổi sáng, buổi chiều vậy là "ẵm" trọn tiền. Nói thì dễ, nhưng làm mới khó. Ngồi một mình, đếm người ra kẻ vào, thỉnh thoảng ghi ghi chép chép không phải không đáng ngờ đối với những bác bảo vệ bệnh viện. Phải mời nước, mời thuốc, lân la nói chuyện thì may ra có chỗ yên thân trú ngụ để... đếm người. Thỉnh thoảng, người mướn chúng tôi làm công việc này cũng tạt ngang qua để kiểm tra xem chúng tôi có thật sự siêng năng. Thú vị nhất là những bệnh nhân ngoại quốc tại các bệnh viện tư nhân nước ngoài, nếu phỏng vấn được, trả lời trên bảng câu hỏi mang theo, sẽ được trả thêm 10.000đ/bảng. Ngày đầu e dè, ngày thứ hai chúng tôi chuẩn bị sẵn "ngân hàng câu hỏi" bằng tiếng Anh do mấy nhỏ học ĐH Ngoại ngữ soạn sẵn. Tầm ngắm đầu tiên của chúng tôi là một bệnh nhân người Hàn Quốc với hy vọng người châu Á nói tiếng Anh với nhau dễ... nghe hơn. Nhưng oái ăm thay, người Hàn này lại nói tiếng Anh không tốt, chỉ giỏi tiếng Pháp. Vậy là... bó tay! Bệnh nhân thứ hai, một người Mỹ. Dù chúng tôi cầm nguyên câu hỏi đọc lại nhưng khi nghe vị này trả lời thì đúng là "vịt nghe sấm". Cũng may sau khi sử dụng tiếng Anh không thành công, chúng tôi chuyển sang sử dụng tiếng... "Hoa" (hoa tay hoa chân) và tạm thành công 1 phiếu duy nhất.
Sau "sự kiện" này, tôi dành tất cả tiền công kiếm được từ những buổi làm thêm này đi học thêm Anh văn ban đêm để cải thiện vốn ngoại ngữ của mình