Những câu hỏi khó cho ứng viên nữ
Lượt xem: 15,802Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Khi phỏng vấn xin việc, chị em phụ nữ thường gặp phải những câu hỏi không trực tiếp liên quan đến công việc, mà liên quan nhiều hơn đến cuộc sống và cách suy nghĩ về cuộc sống hiện tại. Nhiều người không biết trả lời thế nào cho hợp lý.
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp và những câu trả lời giúp bạn "ghi điểm" với nhà tuyển dụng:
Bạn có cho rằng giữa gia đình và sự nghiệp tồn tại sự mâu thuẫn?
Chắc hẳn bạn đã tự mình trả lời câu hỏi này nhiều lần rồi. Dĩ nhiên nhà tuyển dụng mong muốn bạn coi trọng công việc và cũng hy vọng bạn có một gia đình hạnh phúc. Không thể so sánh giữa gia đình và sự nghiệp cái nào quan trọng hơn, cũng không thể khẳng định giữa chúng không hề tồn tại sự mâu thuẫn nào, bởi sự khẳng định như vậy không chính xác.
Trả lời: Tôi cho rằng bất kể trong gia đình hay trong công việc, mục đích lớn nhất của người phụ nữ là làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa. Tôi hy vọng qua công việc, tôi có thể khẳng định được năng lực bản thân, được mọi người tôn trọng và ngưỡng mộ, làm cho cuộc sống của tôi trở nên tốt đẹp hơn.
Nhưng không ai có thể phủ nhận rằng những người phụ nữ nông thôn quanh năm chân lấm tay bùn nuôi con cái đi học thì cuộc sống của họ không có ý nghĩa. Giữa gia đình và sự nghiệp không thể nói cái nào quan trọng hơn, vì cả hai đều làm cho cuộc sống của phụ nữ tốt đẹp hơn.
Bạn có quan điểm thế nào về tình trạng kết hôn và sinh con muộn?
Bạn đừng nghĩ câu hỏi này không liên quan đến công việc. Mục đích của nhà tuyển dụng khi đưa ra câu hỏi này là thăm dò thái độ của bạn về công việc và gia đình. Đương nhiên các công ty đều muốn bạn vì công việc mà kết hôn và sinh con muộn. Nhưng nếu nhấn mạnh quan điểm đó thì có thể nhà tuyển dụng lại hoài nghi: Là phụ nữ mà đến con cái cũng không cần thì một lúc nào đó liệu cô ta có dễ dàng từ bỏ công ty khi nơi khác có ưu đãi tốt hơn? Trả lời thế này cũng không được mà thế kia cũng không xong. Vậy bạn phải trả lời sao đây?
Trả lời: Ai cũng hy vọng có thể đạt được mọi thứ mình mong muốn. Nhưng những thứ đó không thể trong một lúc đều có thể đạt được. Hiện tại, tôi chọn công việc vì tôi nghĩ đây là một công việc tốt. Công việc hiện tại sẽ giúp tôi có đủ điều kiện kinh tế để về sau có 1 gia đình hạnh phúc và nuôi dạy con tốt. Tôi cũng hy vọng trong tương lai sẽ có một gia đình hạnh phúc và một công việc tốt.
Nếu bị sếp nam đối xử khiếm nhã, bạn sẽ xử lý thế nào?
Các ứng viên nữ thi tuyển vào vị trí thư ký thường nhận được câu hỏi như thế này. Từng có một ứng viên nữ trả lời như sau: “Khi nhận được câu hỏi này, tôi cảm thấy rất cảm kích, bởi vì tôi nghĩ một khi quý công ty nêu ra tình huống như vậy thì chứng tỏ lãnh đạo công ty rất quan tâm đến nhân viên, đặc biệt là những nhân viên nữ.
Không giấu gì quý công ty, ở công ty trước đây, thái độ của sếp nam đối với tôi rất khiếm nhã nên tôi đã xin thôi việc. Tôi nghĩ nếu được vào làm ở đây thì tôi không có lý do gì để sợ hãi hay đề phòng nữa bởi vì quý công ty đã thẳng thắn nhìn ra vấn đề và chắc chắn quý công ty cũng đã có các biện pháp bảo vệ những nữ nhân viên như chúng tôi".
Câu trả lời này rất thông minh vì không trực tiếp đề cập đến câu hỏi "Xử lý thế nào?". Thông qua ví dụ của mình, nữ ứng viên này đã bày tỏ thái độ kiên quyết đối với hành vi khiếm nhã của sếp nam nhưng cũng làm vừa lòng nhà tuyển dụng bằng sự ca ngợi công ty.
Bạn có thích đi công tác không?
Khi đặt câu hỏi này, câu trả lời mà nhà tuyển dụng muốn nghe không phải là thích hay không. Là nhân viên của công ty, khi công việc cần, dù muốn hay không thì bạn vẫn phải đi công tác. Mục đích của nhà tuyển dụng khi đặt câu hỏi này là muốn thăm dò thái độ của gia đình bạn, đặc biệt là chồng hoặc người yêu đối với công việc của bạn.
Không ít ứng viên nữ khi nhận được câu hỏi này đã lập tức trả lời như sau: “Tôi hiện vẫn còn trẻ nên rất thích đi công tác. Không những tôi có thể hoàn thành công việc do công ty giao phó mà tôi còn có cơ hội đi tham quan các vùng miền khác nhau của đất nước”.
Cũng có những ứng viên trả lời như sau: “Chỉ cần công ty yêu cầu, tôi luôn sẵn sàng. Hai năm gần đây, do quá bận công tác và học tập nên tôi không có thời gian để đi đâu cả. Đi công tác rất có thể trở thành một phần công việc của tôi. Trước khi đến đây phỏng vấn, gia đình tôi cũng đã nhắc nhở tôi nên lấy tinh thần như vậy”.
Cả hai câu trả lời này đều có lý lẽ riêng. Nhưng với câu trả lời thứ nhất, chắc chắn bạn không lấy được cảm tình của nhà tuyển dụng. Không công ty nào muốn tuyển một nhân viên mượn cớ đi công tác để đi chơi hay tham quan.
Nếu trả lời như vậy, nhà tuyển dụng sẽ nghĩ: Bạn đặt công việc ở hàng thứ yếu, chủ yếu là bạn muốn đi du lịch. Ở câu trả lời thứ hai, ứng viên đã nêu cao tinh thần làm việc, đồng thời cũng đề cập đến sự ủng hộ của gia đình đối với công việc của mình. Do đó, câu trả lời thứ hai dễ được chấp nhận hơn.