Những câu không nên nói với đồng nghiệp
Lượt xem: 16,106Mối quan hệ với đồng nghiệp
Dù bạn và đồng nghiệp rất thân thiết nhưng mối quan hệ này vẫn có những ranh giới nhất định. Nếu không muốn bị coi là kẻ phiền toái, soi mói đồng nghiệp, bạn nên tránh nói những câu sau:
“Ai nhắn tin/gọi điện cho anh vậy?”
Trong cuộc họp, điện thoại của đồng nghiệp rung lên và anh ấy mở tin nhắn ra đọc. Bạn hỏi ngay “Ai nhắn tin cho anh vậy?”. Có thể bạn cảm thấy bị làm phiền khi đang tập trung vào cuộc thảo luận hoặc người đồng nghiệp kia đang xao nhãng nhưng ai đã gửi tin nhắn cho anh ấy không phải việc của bạn.
Sẽ càng tệ hơn nếu bạn hỏi "oang oang" cho cả phòng họp nghe, vì sẽ đặt đồng nghiệp vào tình huống khó xử. Anh ấy có thể sẽ mất cảm tình với bạn.
Thay vào đó, bạn nên hành động một cách tế nhị hơn, kêu gọi sự tập trung mà không làm mất mặt đồng nghiệp bằng cách nói: “Không có việc gì nghiêm trọng chứ? Tin nhắn/cuộc gọi đó có quan trọng không?”.
“Sao hôm nay chị lại ăn mặc kiểu cách thế?”
Văn phòng của bạn không yêu cầu cao về trang phục của nhân viên nhưng một đồng nghiệp lại ăn mặc rất “diện”. Bạn cho rằng cô ấy chuẩn bị tham gia cuộc phỏng vấn xin việc ở công ty khác. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do cho việc ăn mặc đẹp hơn. Có thể cô ấy đi hẹn hò hay tham gia một sự kiện quan trọng sau giờ làm việc. Và kể cả cô ấy thực sự đi phỏng vấn xin việc, bạn cũng không nên đặt câu hỏi một cách trực diện như vậy.
Bạn sẽ bị coi là cố tình soi mói đồng nghiệp với động cơ không tốt. Người kia có thể mất niềm tin ở bạn. Do đó, đừng bận tâm tới lý do mà hãy khen ngợi đồng nghiệp ăn mặc đẹp hơn.
“Anh cảm thấy thế nào về cuộc họp?”
Sếp vừa tổ chức một cuộc họp nhạt nhẽo, không có kết quả và bạn cho rằng đó hoàn toàn là một sự lãng phí thời gian. Sau đó, trong giờ ăn trưa, bạn hỏi cảm nhận của các đồng nghiệp về buổi họp. Hành động lúc này của bạn như cố tình tìm kiếm những ý kiến tiêu cực. Không cần phải nói, ai cũng biết rằng đó là một họp vô vị.
Hơn nữa, câu hỏi của bạn có thể khơi mào cho những cuộc tranh luận nói xấu sếp. Khi đó, bạn sẽ phải chịu những hậu quả đáng tiếc. Do đó, hãy để mọi thứ trôi qua và tiếp tục công việc của bạn.
“Anh sẽ nói đỡ cho tôi chứ?”
Đề nghị đồng nghiệp giúp bạn nói dối sếp thực sự là một sai lầm nghiêm trọng. Trước tiên, bạn đẩy anh ấy vào một tình huống khó xử. Hơn nữa, nếu đồng nghiệp đồng ý giúp bạn, anh ấy sẽ đặt ra nghi vấn về con người và khả năng của bạn, rằng nếu bạn nói dối sếp, dù chỉ là việc nhỏ như báo ốm trong khi sự thật không phải vậy, bạn còn có thể làm những việc trầm trọng hơn.
Đừng yêu cầu đồng nghiệp giúp đỡ bạn làm những việc họ không muốn hay khiến họ cảm thấy không thoải mái. Mối quan hệ công sở sẽ không bền vững nếu bạn lợi dụng đồng nghiệp như vậy.
“Anh có thể nói với sếp là tôi làm việc tốt hơn anh A không?”
Bạn là một trong hai ứng viên được xét duyệt cho vị trí phó phòng. Bạn nhờ đồng nghiệp nói tốt về mình với sếp và hạ thấp ứng viên kia. Làm như vậy là bạn chứng tỏ mình không tự tin hay thậm chí không đủ năng lực để được thăng chức. Thay vào đó, hãy cạnh tranh một cách lành mạnh, thể hiện sự tự tin và chuyên nghiệp.