Những "cầu thủ đá banh" trong văn phòng
Lượt xem: 12,415Song song với nạn "ma cũ" bắt nạt "ma mới", ở một số cơ quan văn phòng còn có chuyện "cầu thủ đá banh". Những "cầu thủ" này thường tìm cách "đá" công việc cho người khác, nhưng sau đó họ lại hiện diện xuất sắc dưới mắt các sếp bằng những "pha ghi bàn tuyệt đẹp".
Chi - một nhân viên tư vấn tài chính - công việc thường ngày của cô kiêm luôn phần chăm sóc khách hàng. Có vẻ như cô rất bận rộn với hàng núi công việc, thế nhưng, mọi hoạt động diễn ra thật nhẹ nhàng khi ý tưởng chăm sóc khách hàng đã có sếp chỉ định; các nội dung liên quan đến công ty đưa phòng hành chính soạn thảo; trình bày đã có người thiết kế của công ty; số liệu do phòng đầu tư cung cấp. Chi chỉ là người ngồi chờ email và FW (Forward - chuyển) qua lại "nhờ" các bộ phận giúp đỡ và tổng hợp kết quả.
Chia nhỏ công việc và kêu gọi sự giúp đỡ, đồng nghiệp khó lòng từ chối vì ít nhiều phần việc được nhờ cũng nằm trong phạm vi công việc của họ và vì nó quá nhỏ nên mọi người cũng chẳng nề hà. Thế là mọi chuyện suôn sẻ. Cô ung dung góp nhặt "những đường banh mà các đồng nghiệp thiết kế" và "sút"!!!
Kể ra thì Chi cũng là người "có tướng làm quan" vì mọi chuyện diễn ra đã lâu, mọi người đều hiểu, nhưng với những "lý lẽ" khéo léo và khá logic cộng thêm hiệu quả công việc - được góp nhặt từ công lao của những người khác - sếp khó lòng mà từ chối khen thưởng Chi. Điều này lại khiến mọi người ngày càng kiêng dè Chi hơn, dù cái nhìn về Chi của mọi người cũng bớt nhiều thiện cảm.
Diệu lại hoàn toàn khác với Chi ở cách "ghi bàn". Cô là người ham học hỏi, ham công nghệ cao. Là nhân viên marketing của một công ty tài chính, Diệu tự nhủ mình phải thật "hiện đại" trước mặt mọi người và khách hàng. Bất kỳ một công nghệ nào mới ra lò, Diệu đều tìm hiểu rồi "nhờ IT" nghiên cứu và chỉ lại cho mình. Chẳng lâu sau đó, trong các buổi làm việc, Diệu công bố các "kết quả nghiên cứu" - bây giờ đã trở thành của mình - cho sếp và các đồng nghiệp khác cùng phòng.
Sự việc nghe có phần "logic" vì chia sẻ kiến thức trong văn phòng là một điều đáng trân trọng. Nhưng đến kỳ đánh giá nhân viên hàng năm, khi IT bị sếp khiển trách vì không chịu cập nhật thông tin về công nghệ cho mọi người và tấm gương về Diệu được nêu bật lên thì mọi việc mới vỡ lẽ.
Văn phòng là ngôi nhà thứ hai của mỗi công chức. Tám giờ đồng hồ sẽ bớt mệt và căng thẳng hơn nếu những "ma cũ" và các "chân sút" biết nghĩ đến người khác. Ai cũng có công việc và được trả lương xứng đáng. Nếu một ngày nào đó, các "ma cũ" và "cầu thủ" bị người khác "cướp công" hay đổ thừa trách nhiệm sau khi bị nhờ vả, liệu họ có biết hối hận những việc mình đã từng làm với người khác hay không?
"Vỏ quýt dày có móng tay nhọn" nhưng điều đáng bàn ở đây là thái độ của những người bị nhờ - "bị áp bức". Họ cần phải cương quyết hơn, thẳng thắn góp ý, xây dựng với những đồng nghiệp chuyên "lý thông" và phải chỉ rõ cho cấp trên thấy những khuất tất phía sau công việc. Cấp quản lý chắn chắn sẽ không đề cao những người nhìn nhận được cái sai của người khác mà không dám đương đầu và vạch trần sự thật