Những cô gái “bay”
Lượt xem: 18,726Hơn 10 năm phát triển, hàng không dân dụng VN chứng kiến nhiều tình huống nghẹt thở liên quan đến an ninh, an toàn bay nhưng chưa bao giờ báo động giả lại được phát đi bởi chính tiếp viên hàng không mắc bệnh hoang tưởng cấp như trên chuyến bay VN 757 của Vietnam Airlines ngày 4/11.
Không cần phải có bằng cấp, một tiếp viên hàng không (TVHK) có thể kiếm được khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng chỉ sau một khóa huấn luyện bay ngắn. Trong xã hội, khó tìm được nghề nào không đòi hỏi trình độ học vấn mà lại có thu nhập cao, vừa nhận được nhiều sự ngưỡng mộ như nghề này.
“Em mơ ước được làm TVHK” là câu cửa miệng của không ít thí sinh trong các cuộc thi sắc đẹp đang diễn ra với tần suất chóng mặt trong cả nước. Thu nhập cao, được đi du lịch hằng ngày, được ăn mặc đẹp, được tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội, có cơ hội gặp những nhân vật nổi tiếng là các chính trị gia hay các ngôi sao điện ảnh là những yếu tố tạo nên sức hút của nghề TVHK.
Với sức tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, vận tải hàng không cũng đang tăng trưởng “nóng” khoảng 15-17% mỗi năm, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho những tiếp viên tương lai. Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) hiện có 1.700 tiếp viên nhưng mỗi năm vẫn tuyển thêm 200 tiếp viên mới để bổ sung. Hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines cũng thông báo tuyển tiếp viên hằng năm mà không cần tiêu chuẩn “ngoại hình ưa nhìn” như trước.
Tiêu chuẩn không cao, chỉ cần tốt nghiệp THPT, nói tiếng Anh khá, sức khỏe tốt là có thể trở thành TVHK nhưng việc tuyển tiếp viên không dễ. Nguyên tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Nguyễn Xuân Hiển, cho biết việc này còn phụ thuộc vào mặt bằng văn hóa xã hội chung. Nếu chọn được người trình độ cao thì hình thức không được ưa nhìn, chọn người có hình thức đẹp thì giao tiếp tiếng Anh không giỏi hoặc phong cách không toát lên cái hồn của con người VN. Có khi chọn được người đáp ứng đủ các điều kiện nói trên thì lại không đủ sức khỏe. Riêng yếu tố này không thể chiếu cố được vì môi trường làm việc của TVHK rất khắc nghiệt.
Trưởng Ban An ninh của Vietnam Airlines, ông Trần Tiến Dũng, kể rằng trong một chuyến bay quốc tế do ông làm cơ trưởng: Một tiếp viên nữ rất trẻ vào báo cáo: “Chú ơi ở hạng C (thương gia) có một khách nước ngoài cởi hết đồ nằm ngủ chướng lắm. Cháu nhắc thì ông ta bảo đấy là quyền cá nhân, trả tiền mua vé hạng C thì ông ta có quyền”. Nghe xong, ông Dũng cử ngay một nam tiếp viên đến nhắc nhở vị khách kia đã vi phạm quy chế bay nhưng tiếp viên này cũng đành chịu thua ông khách ngang ngược. Không thể để việc “mất mỹ quan” kéo dài, cơ trưởng nhanh trí hạ thấp nhiệt độ máy bay khiến ông khách thấy lạnh phải kéo mền trùm kín! Lúc đó, cô tiếp viên mới dám đi lại làm nhiệm vụ trên khoang hành khách của mình.
Khó chịu nhất và hay gặp nhất với nghề TVHK là những vị khách “Chí Phèo” say khật khưỡng. Trước khi có quy định cấm mang chất lỏng lên máy bay, rất nhiều người có thói quen lôi theo chai rượu nhỏ trong hành lý ra để uống. Năm 2006, trên chuyến bay VN524 của Vietnam Airlines, một nam tiếp viên đã bị ông khách người Nga tên Nekpacob hành hung sau khi uống say khướt.
Trên một chuyến bay khác, các tiếp viên đã phải nhờ một số hành khách hỗ trợ mới khống chế được vị khách Hàn Quốc Choi Ho Kyeong say quậy phá tưng bừng. Gần đây nhất, một nữ tiếp viên của Pacific Airlines đã bị một hành khách trêu ghẹo nắm cổ tay. Bị nhắc nhở, ông khách mất lịch sự không những không xin lỗi mà còn làm ầm ĩ đến nỗi cơ trưởng phải cho người khống chế và thông báo với an ninh mặt đất xử lý khi hạ cánh. Nhiều trường hợp tương tự khi bị lực lượng an ninh mời vào thẩm tra đều trả lời ráo hoảnh: “Tôi chỉ đùa tí cho vui, vì thấy cô ấy xinh quá!”.
Với nghề TVHK, khi háo hức ban đầu qua đi là lúc thấm mệt và cảm thấy sức ép công việc đè nặng. Những chuyến bay dài qua nhiều vùng khí hậu thay đổi đột ngột, phải đứng nhiều giờ không nghỉ, luôn phải mỉm cười, trả lời nhã nhặn với khách và tỉnh táo xử lý mọi tình huống bất thường có thể xảy ra trên máy bay, khiến công việc của họ trở nên rất căng thẳng. Sau mỗi chuyến bay, hầu hết các tiếp viên đều mệt mỏi và lăn ra ngủ bù.
Chuyện hy hữu xảy ra với tiếp viên Bùi Thị Mỹ H. trên chuyến bay VN 757 mới đây phần nào cho thấy sức ép của nghề này. Tiếp viên đó bị bệnh “hoang tưởng cấp”, một loại bệnh nghề nghiệp của nghề TVHK.
Những chuyến bay nối dài ngày này qua ngày khác cũng khiến các TVHK có ít thời gian dành cho gia đình hay những chuyện riêng tư.
Không chỉ là thử thách bản lĩnh, nghề TVHK còn bị thử thách về đạo đức. Tuổi nghề ngắn (các nữ tiếp viên vừa mới ngoài 30 tuổi đã phải nghĩ đến cách “đáp” an toàn) khiến nhiều tiếp viên nghĩ cách tích lũy được nhiều nhất và sa vào chuyện buôn lậu hoặc chuyển ngoại tệ hưởng hoa hồng.
Nhẹ thì đánh “hàng bay” là đồ mỹ phẩm bỏ mối cho các shop ở Hà Nội, TPHCM. Nặng thì buôn lậu như trường hợp gần đây nhất là tiếp viên Lưu Thị Liên của Vietnam Airlines đã mua thuốc lá từ cửa hàng miễn thuế ở Melbourne để bán ở thị trường nội địa Australia, bị hải quan nước này phát hiện phạt 10.000 USD và truy tố trước pháp luật. Tai tiếng nhất là vụ 23 phi công và tiếp viên của Vietnam Airlines dính đến đường dây buôn lậu điện thoại của Công ty Đông Nam từ Hong Kong, Singapore về VN dưới dạng hàng xách tay để được trả công 25-35 USD một chiếc.
Cần thay đổi tiêu chuẩn tiếp viên
Theo kết quả điều tra năm 2006 của Tổ chức Nghiên cứu Skytrax (Anh) về chất lượng của 148 hãng hàng không quốc tế, Vietnam Airlines xếp thứ 57/148 về chất lượng phục vụ của tiếp viên. So với năm trước, tăng 13 bậc. Cũng theo điều tra, điểm yếu nhất của tiếp viên VN vẫn là khả năng ngôn ngữ và hệ quả của nó là khả năng giao tiếp với khách chỉ đạt 3 sao - mức trung bình.
Trong những năm gần đây, Vietnam Airlines chấp nhận phương án tuyển tiếp viên vào sau đó tiếp tục đào tạo ngoại ngữ. Tuy nhiên, nhiều tiếp viên không cải thiện được trình độ sau một thời gian bay. Điều này khiến họ ngại giao tiếp với khách và bị đánh giá “oan” là không thân thiện, thiếu nụ cười. Tiêu chuẩn tuyển tiếp viên của Vietnam Airlines còn thấp, trung bình chỉ đạt 400 điểm, theo chứng chỉ TOEIC (năm 2006 là 225 điểm), trong khi phải đạt 550 điểm mới được coi là “không có vấn đề về ngôn ngữ”.