Những "công chức chuồn chuồn"

Lượt xem: 13,318
“Nhảy việc” đã trở thành cụm từ quen thuộc đối với một bộ phận giới trẻ hiện nay. Quen đến mức người ta dành hẳn những thuật ngữ khá hoa văn để nói về họ như “công chức chuồn chuồn”, “công chức dạng cóc”.

Thời mở cửa, hàng loạt Cty cổ phần, Cty nước ngoài đua nhau đưa ra chính sách hậu đãi, tiền lương cực kỳ hấp dẫn để thu hút nhân tài khiến nhiều người trẻ nhấp nhổm.

Chuồn chuồn… tỉnh táo

Nhảy việc theo kiểu cảm tính, thích thì làm không thích thì đi, “đứng núi này ham núi nọ” đã trở thành xưa cũ và chỉ dành cho những người thiếu kinh nghiệm.

Đối với bộ phận đi làm đã khá nhiều năm, đã khôn ngoan hơn thì nhảy việc là để lựa chọn cho mình con đường có lợi nhất. Minh Hằng, Đội Cấn, Hà Nội vừa chuyển từ một ngân hàng nhà nước sang một ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ mới thành lập.

Nhiều người thắc mắc tại sao Hằng bỏ chỗ làm “mơ ước” của nhiều người để về làm một nhân viên bình thường trong ngân hàng nhỏ. Ai cũng tiếc, riêng Hằng thì không.

Cô gái 24 tuổi lý luận “Làm ở chỗ cũ thú thực là oai. Nhưng vất vả, tiền lương ít, lại chịu quá nhiều áp lực. Trong khi sang đây tiền lương được tăng, thoải mái về tâm lý và nhất là vì tôi vừa chuyển sang từ một ngân hàng lớn nên sếp khá tin tưởng”.

Có nhiều người cũng đang có lối suy nghĩ và sự lựa chọn “tỉnh táo” như Hằng. Họ không còn ham những cái mác chỗ làm hoành tráng, danh tiếng mà có những tính toán cực kỳ thực tế. Thay vì gồng mình dưới sức nặng của một núi công việc, cạnh tranh quyết liệt giữa hàng loạt người có năng lực theo kiểu “quần ngư tranh thực”, họ lẳng lặng tránh đường và đi theo một lối khác, khỏe hơn.

“Khi nhận được lời mời cũng đắn đo lắm. Nhưng rồi nghĩ sao mình lại phải chịu vất vả thế này trong khi có những con đường thênh thang hơn. Thế là nhảy thôi. Sau này thì cũng chưa biết được”- Hằng cho biết. Trước Hằng cũng đã có mấy người nữa chuyển qua làm ở chỗ khác, cũng có người khó khăn để thích nghi nhưng hầu hết đều bắt nhịp nhanh với guồng quay mới.

Không giống như Hằng hay một số người trẻ chuyển việc để hưởng ưu đãi về lương, Minh Trung- kỹ sư CNTT một Cty gia công phần mềm trong nước quyết định chuyển sang một Cty phần mềm nước ngoài chỉ đơn giản muốn có một “mảnh đất” rộng hơn để tung hoành.

“Ngành CN phần mềm nước ta tuy có nhiều bước đột phá nhưng vẫn còn chậm lắm. Mà tôi thì không thể đợi được. Và căn bản là hoài bão từ lúc ra trường của tôi là được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, cường độ cao nhưng có thể tung hết 100%, thậm chí lên 200% sức lực của mình”. Chấp nhận làm một nhân viên quèn để bắt đầu lại từ đầu nhưng Trung không thấy tiếc chút nào.

Nỗi lo nhân sự

Từ trước đến nay, lao động Việt Nam nói chung luôn được đánh giá cao ở tinh thần làm việc: Chịu khó, khéo léo, nhiệt tình và gắn bó với dự án. Những điều này ấn tượng đến mức những điểm yếu như ngoại ngữ hay trình độ làm việc nhóm, trình độ quản lý đều được châm chước bỏ qua. Nhưng bây giờ, theo nhận định của chính các ông chủ doanh nghiệp, họ đang thay đổi.

Trình độ quản lý, trình độ làm việc nhóm hay ngoại ngữ đều đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên điểm mạnh nhất là tinh thần làm việc thì lại đang bị đánh mất dần.

Họ không còn chung thủy với Cty, sẵn sàng nhảy sang Cty khác, kể cả Cty đối thủ nếu có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, ưu đãi nhiều hơn. Điều này vô hình trung đã tạo nên “điểm trừ” trong mắt các ông chủ, đặc biệt là những người nước ngoài.

“Việt Nam vào WTO kéo theo hàng loạt Cty lớn nhỏ được thành lập đã tạo những cơ hội việc làm hấp dẫn nhưng cũng vì thế mà sự gắn bó giữa người làm và Cty của mình kém đi. Họ không biết chọn lựa dẫn đến cứ nhảy hết nơi này sang nơi khác. Điều này quả thực doanh nghiệp nào cũng rất lo ngại”- Anh Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Cty phần mềm DTT cho biết.

Nỗi lo này là có thực vì đào tạo được một nhân viên đã thạo việc, được việc và làm việc hiệu quả không phải là dễ và khi họ ra đi thì rất khó khăn để tìm người thay thế. Các chế độ đãi ngộ bằng tiền lương, bằng vị trí phù hợp với năng lực cũng đã được nhiều doanh nghiệp nghĩ đến nhưng thực sự vẫn chưa tạo nên sự hấp dẫn cần thiết để giữ chân nhân viên của mình.

Quả thực rất khó để đánh giá nhảy việc là sai hay đúng vì có nhiều người nhờ nhảy việc mà tìm được chỗ làm ưng ý nhưng cũng không ít người lâm vào cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Thị trường mở rộng khiến cho cơ hội thử sức của người trẻ nhiều hơn, họ có điều kiện để phát huy tất cả những tài năng, kiến thức của mình nhưng cũng vì thế mà cần tỉnh táo để lựa chọn, không phải cơ hội nào mở ra cũng là cơ hội vàng.

Hiện nay, ngân hàng và công nghiệp phần mềm là 2 trong số ngành nghề nóng bỏng về vấn đề nhân sự nhất. Ngoài ra, chứng khoán, kiểm toán, kế toán, PR, bất động sản… cũng là những ngành nghề dễ nhảy việc trong thời điểm nay.

Việc hàng loạt ngân hàng mới mở ra, hàng loạt Cty trong nước ra đời và Cty nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam đã tạo nên một thị trường thực sự sôi động về nhân sự. Sự sôi động này một phần là do “cơn bão ngầm” kéo nhân sự giỏi của Cty khác về Cty mình. Và càng “bão” thì những người trẻ càng có cơ hội biến thành “chuồn chuồn”.

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay