Những kịch bản đàm phán lương phổ biến
Lượt xem: 45,600Bất kỳ ứng viên hoặc người đi làm nào khi nhắc đến vấn đề lương thưởng đều thường có chung một phản ứng là "Tôi chắc chắn muốn thương lượng chứ nhưng tôi lại chẳng biết phải nói cách nào cho đúng". Chiến lược đàm phán lương phù hợp trong mỗi tình huống là rất quan trọng để bạn có thể nắm được lợi thế và đảm bảo mình đang nhận được chi trả xứng đáng. Ngoài việc tự kiểm tra mức thu nhập bình quân trên thị trường để xác định "giá trị" của mình, CareerViet.vn sẽ gợi ý cho bạn thêm một số kịch bản đàm phán lương phổ biến để bạn có thêm cơ sở tham khảo và tự tin trong những lần thương thảo với nhà tuyển dụng nhé!
Tình huống 1 - Đàm phán ngay từ những vòng thương thảo công việc đầu tiên
Bạn sẽ phản ứng như thế nào ngay khi được đặt ra câu hỏi trực tiếp về mức lương từ vòng phỏng vấn đầu tiên? Bạn chắc hẳn rất muốn bày tỏ sự nhiệt tình của bản thân và sự hợp tác với phỏng vấn viên nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn muốn bàn luận quá sớm về mức lương thưởng bởi nó có thể lấy mất đi cơ hội chứng minh năng lực của bạn ngay cả trước khi bạn có cơ hội thể hiện.
Thông thường, phỏng vấn viên sẽ bắt đầu với câu hỏi "Mức lương hiện tại của bạn là bao nhiêu?". Mặc dù bạn có thể lựa chọn trả lời hay không trả lời câu hỏi này một cách thẳng thắn, hãy tham khảo thêm cách để khéo léo xoay chuyển tình thế bằng câu trả lời như sau: "Tôi cảm thấy không thật sự thoải mái khi phải chia sẻ thông tin về mức lương ngay lúc này bởi tôi muốn tập trung vào những giá trị mình có thể đóng góp cho công ty trong tương lai, hơn là nói về những gì mình đang được trả cho công việc hiện tại". Tuy nhiên, phỏng vấn viên vẫn sẽ có thể tiếp tục đưa ra câu hỏi khác sau một lúc phỏng vấn các kỹ năng của bạn, ví dụ như "Vậy với những gì đã trình bày, bạn mong đợi một mức lương khởi điểm là bao nhiêu?". Bằng cách này, họ có thể hiểu và đưa ra lời đề nghị sao cho khớp với dự kiến của ứng viên. Vấn đề là bạn luôn lo ngại, nếu đưa một mức quá thấp, bạn đang tự hạ giá trị của mình; nếu đưa một mức quá cao, bạn có thể đánh rơi công việc mơ ước bởi nó vượt quá ngân sách của nhà tuyển dụng. Vì thế, bạn hãy nói rõ quan điểm của bạn khi ứng tuyển vào vị trí này với câu trả lời "Khi tham gia ứng tuyển vào công ty, tôi thật sự mong muốn đây sẽ là một bước tiến lớn về cả trách nhiệm trong công việc lẫn mức thu nhập. Và tôi nghĩ mức khởi điểm từ (một con số bạn đã tìm hiểu trước khi đến phỏng vấn) sẽ là động lực để mình cân nhắc cho bước chuyển đổi sắp tới trong sự nghiệp". Câu trả lời này cho thấy mức lương mong đợi của bạn ít nhất ở khung chi trả nào và nó cũng khiến nhà tuyển dụng cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra mức đề nghị cao hơn nếu bạn thật sự là ứng viên phù hợp và họ không muốn đánh mất bạn vào tay những đối thủ cạnh tranh khác.
Tình huống 2 - Đàm phán sau khi bạn đã nhận được lời mời làm việc
Ở giai đoạn này, việc đàm phán lương thông thường sẽ dựa trên bốn yếu tố cơ sở sau: mức lương cơ bản trung bình cho vị trí, mức lương thấp nhất bạn có thể chấp nhận, công ty thật sự mong muốn tuyển dụng được bạn đến như thế nào và bạn khao khát có được công việc này ra sao. Dựa vào mức độ của các yếu tố trên, bạn có thể cân nhắc để thương lượng thêm dựa trên đề nghị khởi điểm của nhà tuyển dụng. Ví dụ như: "Tôi đã được anh A (tên phỏng vấn viên) cho biết mức lương của mình sẽ là 50 triệu đồng nhưng tôi nghĩ 60 triệu sẽ là mức hợp lý hơn để bắt đầu vì nó phản ánh đúng tầm quan trọng và sự kỳ vọng của công ty dành cho vị trí này". Hoặc nếu bạn đã có những lời mời làm việc khác nữa, hãy thẳng thắn đề nghị: "Rất cảm ơn công ty đã gửi cho tôi thư mời làm việc nhưng như tôi đã từng đề cập đến trong các buổi phỏng vấn trước đây, tôi đang nói chuyện với một vài công ty nữa và nếu mức khởi điểm này có thể nâng lên 60 triệu đồng thì tôi nghĩ mình sẽ có động lực để nhận lời ngay". Hình thức phù hợp cho việc đàm phán này là qua email bởi lẽ những thông tin bạn đưa ra có thể được chia sẻ với những người liên quan trong bộ phận tuyển dụng một cách chính xác nhất.
Tuy nhiên, bạn đừng nên quá mong chờ rằng mọi đề nghị thương thảo từ bạn có thể được chấp nhận ngay lập tức. Nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể phản hồi lại với mức trung bình giữa mức đề nghị từ họ và mức mà bạn mong muốn, không quên thêm vào lời hứa nếu bạn chứng minh được năng lực thực tế thì con số này sẽ tăng lên trong thời gian tới nhưng không phải là bây giờ. Trong trường hợp này, bạn nên hiểu rằng mức dự trù của công ty cho vị trí này có thể đã được chốt và nếu không khéo léo bạn có thể sẽ khiến mọi việc "già néo đứt dây". Vì vậy, thay vì tập trung hoàn toàn vào mức lương cứng, hãy chuyển sang những phúc lợi khác mà công ty có thể dành cho bạn như thêm thời gian nghỉ phép, chế độ làm việc linh hoạt hoặc các khoản thưởng đầu vào chẳng hạn. Điều quan trọng là bạn hiểu được điểm dừng đúng lúc trong cuộc đàm phán để giành được lợi thế tốt nhất.
Tình huống 3 - Đàm phán tăng lương trong các kỳ xét duyệt định kỳ
Việc bạn muốn được tăng lương trong các kỳ xét duyệt là hoàn toàn bình thường và nó cũng phản ánh phần nào tâm lý rằng bạn đang cảm thấy mình chưa nhận được chi trả xứng đáng với đóng góp hiện tại cho công ty. Ngoài ra, việc tăng lương cũng là cách để điều chỉnh lại sự trượt giá hàng năm của tiền tệ và giúp bạn cân bằng được với các chi tiêu ngày càng gia tăng do vật giá leo thang. Nguyên tắc cơ bản của việc muốn được tăng lương đó là bạn phải nói ra chứ đừng ngại ngần thụ động chờ công ty lên tiếng và rồi cảm thấy ấm ức khi mọi thứ không diễn ra như mong đợi. Tuy nhiên, bạn cũng phải rất khéo léo trong việc đàm phán của mình, đừng "đánh úp" người quản lý với những đề nghị bất ngờ.
Trong tình huống này, các chuyên gia khuyên bạn nên soạn thảo trước một email đề nghị tăng lương và xin phép một cuộc họp riêng để có thể trao đổi rõ ràng hơn. Nội dung email của bạn được gợi ý như sau: "Đã 1 năm tính từ lần tăng lương trước của tôi/tính từ lúc tôi tham gia công ty và tôi hy vọng chúng ta có thể cân nhắc lại mức lương này với sự cống hiến nhiều hơn trong quá trình làm việc của tôi hiện tại. Tôi có tìm hiểu mức lương trung bình trên thị trường cho vị trí này trong ngành thì biết được khung lương đang rơi vào khoảng [số tiền]. Do đó, tôi muốn tự đề nghị tăng mức hiện tại của mình lên [con số bạn mong muốn]. Bạn cũng đừng quên ghi rõ trong email những thành quả đã đạt được năm qua và có thể là những giải thưởng cá nhân mà công ty đã trao tặng bạn.
Tuy nhiên, một lần nữa, đề nghị của bạn chưa chắc sẽ được chấp nhận ngay lập tức. Đừng vì thế mà vội nản lòng và cho rằng công ty bất hợp tác với nhân viên. Hãy bình tĩnh cùng người quản lý của mình tạo ra một kế hoạch cụ thể hơn "Tôi nghĩ chúng ta có thể tạo ra một bảng kế hoạch với những việc cần làm và thời gian cụ thể để đáp ứng kỳ vọng của công ty về những gì tôi cần đóng góp nhiều hơn nữa cũng như kỳ vọng của bản thân về việc cần được tăng lương".
Hãy luôn nhớ rằng, mọi cuộc đàm phán về lương thưởng đều nhằm xác định giá trị của bản thân bạn đối với công ty, do đó nó cần tương xứng với nỗ lực bạn bỏ ra và đồng thời hợp lý với mức chi trả bình quân trên thị trường. CareerViet.vn chúc bạn tự tin và thành công trong những cuộc thương thảo tưởng chừng rất khó nói này nhé!
>>> Xem thêm: Việc tốt Lương cao
(Nguồn ảnh: Internet)
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :