Những lý do khiến cuộc phỏng vấn không thành công
Lượt xem: 16,524Rất nhiều ứng viên sau khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng đều không hiểu nguyên nhân vì sao mình bị trượt. Dưới đây là một số tình huống và lý do khiến bạn "không lọt vào mắt xanh" của nhà tuyển dụng.
1. Không nắm rõ thông tin tuyển dụng
Khi cuộc phỏng vấn bắt đầu, bạn nên tránh hỏi những câu đại loại như: "Quý công ty tuyển bao nhiêu nhân viên?" hay "Quý công ty có tuyển nữ không?". Nếu nhà tuyển dụng nghe hỏi như vậy sẽ không hài lòng về khả năng nắm bắt thông tin của bạn. Khi đăng ký tuyển dụng, các công ty đều yêu cầu rõ về trình độ, giới tính, số lượng ứng viên mà họ sẽ tuyển. Nếu bạn không biết về thông tin này thì cũng đừng nên hỏi những câu "ngô nghê" như vậy. Điều quan trọng là bạn có đủ năng lực và tự tin để vượt qua những vòng phỏng vấn hay không.
2. Hỏi về đãi ngộ
Đương nhiên khi tham gia một buổi phỏng vấn, các bạn cũng phải để ý đến sự đãi ngộ của công ty khi trở thành nhân viên của họ. Tuy nhiên, hãy tránh việc vừa mới bước vào phỏng vấn bạn đã hỏi ngay những câu như "Quý công ty có chế độ đãi ngộ nhân viên như thế nào?" hay "Quý công ty có trả cho tôi phí điện thoại và phí đi lại không?" hoặc "Nhân viên có được ăn trưa miễn phí không?" , vv.. Hỏi như vậy, bạn sẽ gây nên sự phản cảm cho phía người đối diện. Nhà tuyển dụng có thể nhận xét ngay rằng bạn chưa làm được gì đã đòi ưu đãi". Một khi đã gây ấn tượng không tốt thì nguy cơ trượt là điều rất dễ xảy ra. Việc đãi ngộ nhân viên thường được nhà tuyển dụng đề cập kết hợp với tiền lương của nhân viên. Bạn có thể trực tiếp hỏi về những đãi ngộ mà mình có thể nhận được vì đó là quyền lợi của bạn, nhưng cũng phải chọn thời điểm để hỏi và hỏi với một thái độ hoà nhã chứ không thể vội vàng, hấp tấp được.
3. Trả lời không hợp logic
Nhà tuyển dụng hỏi: "Bạn có thể nói cho chúng tôi biết về một lần thất bại của bạn", bạn lại trả lời: "Tôi không nhớ ra mình đã thất bại lần nào". Hay người phỏng vấn hỏi: "Kể cho chúng tôi 1 khuyết điểm của bạn", bạn lại trả lời: "Tôi không có khuyết điểm nào". Những câu trả lời như vậy không bao giờ được đánh giá cao. Không ai không có khuyết điểm và không ai không trải qua bất kỳ một thất bại nào. Ở đây, nhà tuyển dụng chỉ muốn kiểm tra thái độ thành thật của bạn. Nếu bạn quá tự mãn thì khó có thể trở thành nhân viên của họ. Không công ty nào muốn nhận một nhân viên không trung thực và quá tự mãn như vậy.
4. Khoe có người thân
Rất nhiều ứng viên khi tham gia phỏng vấn lại "trót" để lộ: "Tôi có quen anh A, chị B trong công ty này, mối quan hệ của chúng tôi rất tốt". Nếu có năng lực thực sự thì bạn có cần đem "tấm lá chắn" là người quen ra không? Người phỏng vấn khi nghe những câu mang tính chất "hù doạ" như vậy sẽ cảm thấy vừa buồn cười vừa không thoải mái. Nếu người quen của bạn là lãnh đạo cấp cao trong công ty thì các nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn không có chút năng lực gì mà chỉ dựa vào thế lực nâng đỡ. Còn nếu người quen của bạn là một nhân viên bình thường thì họ sẽ không hiểu bạn nói như vậy nhằm giải quyết vấn đề gì.
5. Hỏi vượt qúa phạm vi cho phép
Khi kết thúc buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng hỏi bạn: "Bạn có gì thắc mắc thêm về công ty chúng tôi nữa không?". Lúc đó bạn lại hỏi: "Xin cho tôi hỏi quy mô của công ty ra sao? Ban hội đồng quản trị có bao nhiêu thành viên? 5 năm nữa, kế hoạch hoạt động của công ty như thế nào? hay Quý công ty có chi nhánh ở nước ngoài hay không?". Những câu hỏi như vậy đã vượt qúa phạm vi của một ứng viên. Nếu bạn nêu những câu hỏi kiểu này, nhà tuyển dụng cho rằng: không hiểu bạn đến phỏng vấn hay điều tra về công ty của họ? Nên tránh những câu hỏi không liên quan đến công việc của mình.
6. Những câu hỏi ngược
Khi nhà tuyển dụng hỏi: "Bạn mong muốn mức lương của mình là bao nhiêu?", bạn hỏi lại: "Thế công ty dự định trả tôi bao nhiêu?". Những câu hỏi ngược như vậy quả thật là không lịch sự. Đừng nên hỏi lại nhà phỏng vấn bằng những câu hỏi phản cảm như thế. Họ sẽ cho rằng bạn thiếu tôn trọng họ và sẽ lưu ngay ấn tượng không tốt về bạn. Một khi đã không để lại ấn tượng tốt thì khả năng vào vòng trong của bạn thật khó khăn.