Những phiên bản của doanh nhân Việt
Lượt xem: 12,871Đi tìm công thức thành đạt
“Sẽ không có một công thức thành đạt chung cho tất cả những doanh nghiệp ở lứa chúng tôi, vì mỗi người là một… bi kịch khác nhau”, một trong 100 thương hiệu dẫn đầu năm 2007 khẳng định.
Những cuộc trò chuyện về khuya với doanh nhân, lúc nào cũng trĩu nặng nỗi buồn khi nhìn lại một khoảng thời gian đã qua. “Chuyện giản đơn nhất là đi xin một cái giấy phép kinh doanh, cũng đủ mùi cay đắng. Ngày đó, đúng là phải “xin” và bị hạch sách đủ điều. Ai cũng nghĩ doanh nhân là những người nhiều tiền lắm của, phải… hành cho xì tiền ra mới thôi. Chuyện nhỏ vậy mà còn khổ, nói chi đến những lần đi vay vốn, đi làm việc với các cơ quan quản lý…”.
Quả thật, hành trình của doanh nhân lúc nào cũng rơi vào tình trạng đơn độc, bị nhìn ngó với ánh mắt dò xét của đông người.
Khi dành thời gian đọc hết những bài báo về những người đang được xem là hạng nhất trên thương trường hiện nay - thì sẽ dễ dàng nhận ra vài điểm chung nhất định.
Đó là những ngày khởi nghiệp từ một phân xưởng sản xuất bút bi thủ công của ông Cổ Gia Thọ – người sáng lập thương hiệu Thiên Long; những ngày ngồi lặng nhìn đống thuốc không ai mua của bà Phạm Thị Việt Nga, người phụ nữ dựng sự nghiệp Dược Hậu Giang hay những đêm đánh vật cùng công thức làm bánh của ông Trần Kim Thành trước khi có Kinh Đô lừng danh…
Những doanh nhân ấy, đều phải tham gia một cuộc hành trình dài hơi, bắt đầu từ một ý tưởng khởi nghiệp không quá lớn lao, thông thường chỉ là một hoạt động kinh doanh nho nhỏ, phần là của gia đình, phần do tự tạo lập.
Lướt qua được một khe cửa hẹp trong thời kỳ đổi mới và những đợt phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp họ to ra. Quá trình “to ra” là một thử thách cân não, một cuộc chơi chỉ dành cho những ai đủ tài trí, năng lực và sự thức thời, dũng cảm đương đầu với thử thách. Với những doanh nhân này, doanh nghiệp chính là vận mạng của họ trong cuộc đánh cược trên thương trường.
Những người mới
Thời điểm mà Lê Trung Thành, còn là phó tổng giám đốc Pepsi, anh có trò chuyện về định hướng của mình: sẽ phải có những bước chuyển để mình thôi làm chảy máu chất xám cho công ty nước ngoài. Cứ nghĩ anh chỉ dừng lại ở một vài dự án “làm chơi chơi”, thế mà một ngày, chính Thành là người khởi xướng trào lưu “người Việt về công ty Việt” bằng việc đầu quân về Nutifood. Động thái này đã tạo ra khá nhiều hiệu ứng dây chuyền, bằng chứng là quanh anh giờ có nhiều anh em từng giữ vị trí rất cao trong các tập đoàn nước ngoài.
Nhưng Nutifood không phải là một trường hợp cá biệt. Thử lướt sơ qua danh sách những công ty mới đang tạo được ấn tượng trên thương trường, sẽ thấy rất nhiều trường hợp đi cùng con đường với Thành: học hành bài bản, trui rèn trong một môi trường chuyên nghiệp, có thời gian cọ xát với thực tế cuộc sống và kinh doanh ở Việt Nam và sẵn sàng cho việc xác lập vị trí doanh nhân của mình.
Sau lưng Lý Quý Trung của Phở 24 là một câu chuyện học hành và công tác dày dặn. Bản lý lịch của Phùng Tiến Công còn ghi dấu tích của những dự án đình đám quá chừng tiền, giờ thì anh đã sẵn sàng cho việc ra mắt công ty của mình.
Lịch lãm, trí thức, chuyên nghiệp, giỏi ngoại ngữ và đầy tham vọng, thế hệ doanh nhân này đang vẽ nên chân dung thương giới Việt mới.
Hạt giống lãnh đạo
Hàng loạt chương trình chuẩn bị cho lớp doanh nhân, những nhà quản lý mới đã ra đời. Từ cách đây ba năm, ông Phạm Phú Ngọc Trai đã thường xuyên theo dõi cuộc thi Dynamic - nhà quản trị tương lai của đại học Kinh tế và luôn tổ chức gặp gỡ những nhân vật xuất sắc nhất của cuộc thi và tiến hành việc đào tạo bằng đủ mọi cách: trò chuyện, cho đi nước ngoài tham quan, kiến tập tại Pepsi…
Tổ hợp Giáo dục PACE cuối cùng cũng chính thức công bố dự án “Hạt giống lãnh đạo” của mình sau hơn hai năm chuẩn bị. Nội dung dự án là tìm kiếm, mở khoá huấn luyện hoàn toàn miễn phí nhưng theo đúng chuẩn nước ngoài cho các tiềm năng lãnh đạo là sinh viên hoặc các bạn trẻ đam mê kinh doanh. Mới công bố “hạt giống lãnh đạo”, kèm theo là kế hoạch tài chính cho dự án, nhưng tin hành lang cho biết đã có rất nhiều doanh nghiệp góp tay tham dự phần kinh phí, nhiều trí thức muốn tham gia giảng dạy.
Rõ ràng, xã hội đang tìm mọi nguồn lực để giải quyết chuyện doanh nhân thế hệ sau, đủ giỏi để có thể đảm đương những phần việc mà những người đi trước giao phó lại, để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của quốc gia mà cả xã hội đang chờ đợi họ xuất hiện để cống hiến.