Những trở ngại đối với doanh nhân nữ
Lượt xem: 15,805Khi được hỏi về những trở ngại đối với doanh nhân nữ, khoảng 80% những người được hỏi đề cập đến “áp lực cao từ công việc và gia đình và sự thiếu hụt thời gian”. Sự yếu kém trong quan hệ xã hội và giao tiếp chỉ chiếm 20% ý kiến của những người được hỏi. “Trình độ giáo dục thấp” được khoảng 16% số người được phỏng vấn nhắc tới. Đáng ngạc nhiên là rất ít người được phỏng vấn cho rằng vấn đề sức khoẻ là một trở ngại. Những thông tin này được đưa ra trong cuộc hội thảo “Doanh nhân nữ trong thời kỳ hội nhập” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2008, được tổ chức chiều 18/11 tại Hà Nội.
Theo thống kê, cả nước ta hiện nay có gần 330 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có khoảng 90 nghìn chủ doanh nghiệp là nữ. Theo kết quả một cuộc khảo sát mà bà Lê Thị Thu Thủy, thuộc trung tâm Hỗ trợ DNNVV - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra, thời lượng làm việc trung bình hàng ngày của phụ nữ gần bằng so với nam giới, nhưng nếu tính cả việc nhà, phụ nữ làm việc trung bình 13 tiếng một ngày trong khi nam giới chỉ làm 9 tiếng. Các doanh nghiệp nữ làm chủ phần lớn làm trong lĩnh vực dịch vụ giáo dục (56%) và gần một nửa trong lĩnh vực khách sạn và nhà hàng (47%). Trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, dịch vụ , ngư nghiệp, chế tạo, cứ mỗi năm doanh nghiệp thì có một là nữ làm chủ (18 đến 20%) trong khi trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp là phụ nữ làm chủ là 4%. Thế nhưng, tính trung bình vào năm 2004, mức lương của phụ nữ là 83% so với lương của nam giới ở thành thị và 85% so với lương của nam giới ở nông thôn.
Có 12% các doanh nhân nữ và 6% doanh nhân nam tuyên bố rằng họ sẽ dùng tất cả hoặc hầu hết số lãi để tiết kiệm hoặc là cho chi tiêu gia đình. Điểm này cho thấy rằng phụ nữ luôn luôn muốn duy trì một phần tiền nhất định cho cuộc sống gia đình, trong khi nam giới thường có xu hướng mang tất cả tiền vào kinh doanh, mua sắm thiết bị mới, thuê nhân viên có kỹ năng cao hơn và mở rộng kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Ngân hàng Đông Nam Á (SEA Bank) cho rằng, tại Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo vẫn còn khiêm tốn. Các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo còn thiếu năng lực cạnh tranh về tài chính và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Quy mô vốn và năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp còn rất nhỏ bé, kém hiệu quả và thiếu tính bền vững, số lượng doanh nghiệp nhỏ chiếm tỷ lệ khá cao.
Thêm vào đó, bà Nga cho rằng, đội ngũ nữ doanh nhân còn nhiều hạn chế về kiến thức và kỹ năng quản lý. Số lượng nữ quản lý có trình độ chuyên môn cao và năng lực quản lý tốt chưa nhiều, nhiều người chưa được đào tạo bài bản về kinh doanh và quản lý, còn thiếu kiến thức kinh tế - xã hội và kỹ năng quản trị kinh doanh, đặc biệt là yếu về năng lực kinh doanh và cạnh tranh quốc tế. Trình độ ngoại ngữ và khả năng áp dụng tin học hóa cũng chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập.
Một hạn chế rất rõ nét mà các nữ chủ doanh nghiệp đang phải đối mặt là những vấn đề mang đặc trưng về giới. Người nữ lãnh đạo doanh nghiệp vừa phải quản lý, điều hành doanh nghiệp vừa phải đảm trách việc nhà. Bên cạnh đó, do đặc thù giới, nhận thức của xã hội chưa đầy đủ về vai trò phụ nữ, tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" vẫn tồn tại, bản thân nữ doanh nhân còn thiếu tự tin, chủ động, mạnh dạn trong hoạt động kinh doanh.
Bà Phạm Thị Loan - đại biểu Quốc hội khoá XII, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Việt Á cho rằng, để hỗ trợ các doanh nhân nữ trong các hoạt động kinh tế và xã hội, phát triển cả về số lượng và chất lượng, cần phát triển mạng lưới các tổ chức để hỗ trợ doanh nhân nữ bằng các biện pháp và kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế ở các ngành và địa phương.
Theo bà Nga, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải có những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện. Trong đó, các nữ doanh nhân cần được hỗ trợ từ nhiều phía nhưng đồng thời bản thân họ phải chủ động tìm những giải pháp phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho mình.
Bà Nga cho rằng, các nữ doanh nhân cũng cần được bồi dưỡng kỹ năng kinh doanh quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp thông qua việc phát triển những kiến thức, kỹ năng cơ bản như: kỹ năng ngoại ngữ, trang bị những kiến thức cơ bản về quy tắc giao tiếp quốc tế và xử lý sự khác biệt về văn hoá trong kinh doanh đồng thời nắm rõ thông lệ quốc tế trong từng lĩnh vực/ngành kinh doanh. Ngoài ra, họ cũng cần tích lũy thêm những kỹ năng hữu ích như quản trị hiệu quả trong môi trường cạnh tranh; kỹ năng lãnh đạo, quản lý sự thay đổi; kỹ năng thuyết trình, đàm phán, giao tiếp và quan hệ công chúng; kỹ năng quản lý thời gian...