Những việc nên làm khi phải sa thải nhân viên
Lượt xem: 39,115
Trong trường hợp chẳng đặng đừng, doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nào đó thôi việc. Khi ấy, doanh nghiệp nên chuẩn bị trước để tránh xảy ra tranh chấp hoặc kiện tụng. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích:
Nắm rõ tình hình. Nếu là chủ sử dụng lao động, bạn có quyền yêu cầu cán bộ cấp dưới trao đổi mọi việc rõ ràng với mình, kể cả về quyết định cho thôi việc một ai đó. Hãy hỏi ý kiến các trưởng nhóm, các nhân viên và ghi nhận lại những thông tin khác nhau. Cần trò chuyện với người sẽ bị thôi việc, lắng nghe họ trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng. Cần chủ động tránh cãi cọ và kiện tụng.
Xem xét lại hồ sơ. Bạn nên kiểm tra, xem xét lại tất cả hồ sơ có liên quan đến nhân viên sắp bị sa thải, chú trọng đến hiệu quả làm việc của người ấy. Trước khi buộc thôi việc một nhân viên làm việc kém hiệu quả, cần chuẩn bị bảng so sánh yêu cầu về trách nhiệm cụ thể với kết quả làm việc của nhân viên đó và cả kết quả làm việc của nhân viên ở vị trí tương tự. Đôi khi công ty có lý do riêng để đặt ra yêu cầu khác nhau cho cùng một vị trí làm việc và đó có thể là một lý do để nhân viên bị sa thải đưa ra khi thưa kiện, cho rằng họ đã bị phân biệt đối xử.
Lập hồ sơ chứng minh. Đôi khi, công ty gặp rắc rối với quyết định buộc thôi việc là do có quá ít hồ sơ chứng minh rằng quyết định đó là cần thiết. Hãy chủ động tạo một hồ sơ, trong đó đưa ra đầy đủ lý do hợp lệ cho việc sa thải. Đó cũng sẽ là bằng chứng cần thiết khi cần phải tranh luận trước tòa. Đi kèm quyết định thôi việc trao cho nhân viên nên có văn bản nêu các lý do dẫn đến quyết định đó.
Kiểm tra hệ thống thông tin điện tử. Công nghệ thông tin hỗ trợ rất nhiều, nhưng đôi khi, chúng là kẻ thù chống lại ta. Nhiều người, nhiều lý do, nhiều hồ sơ, nhiều trao đổi có thể hội tụ xung quanh một quyết định sa thải. Tất cả mọi trao đổi mật này đều được ghi lại trên máy và có thể bị công bố trước tòa. Vì vậy, hãy lưu ý bảo vệ thông tin mật của công ty.
Nói rõ sự thật. Nhiều công ty khi sa thải nhân viên là đưa ra lý do không trung thực, thay vì chỉ rõ “làm việc kém hiệu quả”, họ lại nói là “dư thừa nhân sự”. Việc này sẽ giúp nhân viên có điều kiện kiện công ty, vì lỗi không nằm ở phía họ.
Thông báo sa thải trên tinh thần tôn trọng nhân viên. Khó có thể lường trước tác hại gây ra từ sự chống đối của nhân viên cũ khi người đó cho rằng mình bị công ty xúc phạm. Cho nên cách thức thông báo tin sa thải rất quan trọng. Tốt nhất là làm việc một cách riêng tư, lịch sự và tôn trọng. Nhân viên bị thôi việc dĩ nhiên bị sốc nên thái độ của bạn đừng tỏ ra nhẹ nhõm, quá giản đơn.
Thanh toán đầy đủ và đúng hạn mọi khoản đền bù. Rất nhiều khiếu nại liên quan đến việc công ty chậm chi trả hoặc chi trả không đầy đủ các khoản tiền thuộc quyền lợi hợp pháp của nhân viên. Luật pháp bảo vệ chặt chẽ quyền lợi của người lao động. Sự sa thải có ảnh hưởng đến tinh thần và cả vật chất của người lao động nên ai bị sa thải chắc chắn sẽ khởi kiện công ty nếu bị thiệt thòi về quyền lợi.
Thu hồi tài sản công ty. Hãy chắc chắn rằng nhân viên hoàn trả lại đầy đủ tài sản của công ty, cả tài sản hữu hình lẫn vô hình (ví dụ như các bí mật kinh doanh, các mối quan hệ đối tác…). Hãy nhắc nhở nhân viên sắp bị sa thải bằng văn bản và có người kiểm tra, chứng thực tài sản đã được thu hồi đầy đủ để tránh các tranh chấp về sau.
Top những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất:
Tìm việc làm | Việc làm Hà Tĩnh | QA QC | Bamboo Airways tuyển dụng | tìm việc làm quận 3 | tìm việc làm ở quận 5 | việc làm rạch giá mới nhất | thực tập sinh reactjs