Nuôi ngựa đua: Nghề của đam mê, nhẫn nại
Lượt xem: 30,404
Anh Út Liều bên con ngựa đua Đại Anh Hùng |
Ngoài niềm đam mê, người nuôi ngựa phải biết chắt lọc kinh nghiệm, tích lũy kiến thức khoa học cần thiết mới thành công
Bốn chân giậm liên tục, sau đó cất tiếng hí vang, con ngựa đua có tên khá kêu: Đại Anh Hùng nhảy cẫng lên khi nhìn thấy chủ trên chiếc xe ba gác chất đầy cỏ vừa về đến nhà. Chủ nhân của nó là anh Trịnh Công Thành (còn gọi là Út Liều), ở ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn –TPHCM. Bước vội xuống xe, đưa tay vuốt ve chiếc bờm, anh thủ thỉ vào tai con vật cưng: “Tao đi cả chục cây số kiếm cỏ ngon để bồi dưỡng cho mày. Ráng ăn để thi đấu và rinh giải, làm mát mặt tao nghen!”. Út Liều là một trong số hàng chục người nuôi ngựa đua chuyên nghiệp ở vùng này.
Chọn giống tốt
Cùng với huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, cách nay hàng chục năm, vùng tam giác Xuân Thới Sơn – Xuân Thới Thượng - Bà Điểm được xem là cái nôi của nghề nuôi ngựa đua. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã làm cho nghề nuôi ngựa đua truyền thống tưởng chừng đã mai một. Những năm gần đây, cùng với sự khởi sắc của trường đua Phú Thọ - TPHCM, nghề nuôi ngựa đua hồi sinh.
Để “ra lò” một con ngựa chiến, ngoài kiến thức chuyên môn, người nuôi phải chịu cực, đặc biệt là phải mát tay. Ngựa “nái” phải là những con có thành tích lẫy lừng, đoạt chí ít vài ba giải nhất trong năm. Anh Huấn, một người nuôi ngựa đua chuyên nghiệp, cho biết: “Việc chọn nái quyết định đến chất lượng ngựa con sau này. Vì vậy, nhiều chủ ngựa đã hét giá lên đến 60 triệu đồng/con”.
Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu của quá trình thuần dưỡng, phối giống và huấn luyện hết sức gian nan. Chuẩn bị cho quá trình tái thuần dưỡng và phối giống, ngựa nái sẽ được bồi bổ bằng các loại cỏ ngon và thuốc bổ... Đồng thời, phải tìm một con ngựa đực giống tốt từ 2 đến 7 tuổi, đang sung sức và có giải càng tốt. Để làm được điều này, phải bỏ công lân la trường đua để quan sát, tìm kiếm; chọn được con ngựa ưng ý thì xin chủ ngựa cho phối giống; giá mỗi lần từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng.
Như chăm con mọn
Ngựa nái sau thời gian mang thai 11 tháng 5 ngày sẽ đẻ con. Ngựa thường đẻ vào ban đêm vì vậy người nuôi phải thức khuya để “tiếp sức” ngựa mẹ. Ngựa con từ lúc ra đời cho đến khi được 24 tháng tuổi (có thể đua được) là cả một quá trình gian truân của người nuôi. Ở ngoại thành, ai cũng nghĩ tìm cỏ cho ngựa ăn không khó, song khi nhắc đến chuyện này, anh Út Liều lắc đầu. Chỉ tay vào xe cỏ trước nhà, Út Liều cho biết cứ 3-4 ngày, anh phải cất công ra tận quận Bình Tân - TPHCM để tìm cỏ cho ngựa ăn. “Quanh nhà cỏ khá nhiều, sao lại tốn công đi xa?”- tôi thắc mắc. Út Liều giải thích: “Do người dân sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc rầy và thuốc diệt cỏ quá nhiều. Nếu ăn phải, ngựa sẽ lăn ra chết trong vòng vài giờ”. Cách đây không lâu, do cho ngựa ăn phải cỏ bị nhiễm thuốc trừ sâu, một chủ ngựa ở xã Xuân Thới Sơn đã phải đau đớn nhìn 3 con ngựa đua lăn đùng ra chết, trong đó có con Bích Thanh nổi tiếng, đoạt nhiều giải thưởng ở trường đua Phú Thọ. Sau vụ tai nạn này, dân nuôi ngựa bắt đầu cẩn thận khi tìm cỏ cho ngựa ăn. Trước khi cắt, họ thường dùng liềm quơ ngang ngọn cỏ, nếu có cào cào, châu chấu bay lên... là cỏ có thể dùng cho ngựa được.
Để ngựa có sức bền, bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, người nuôi phải bỏ công huấn luyện. Trịnh Hữu Nghĩa, con trai anh Út Liều, cũng là huấn luyện viên cho con Hồng Nữ Hiệp (4 tuổi). Thức dậy từ 5 giờ, hai cha con anh Út Liều chia nhau mỗi người một ngả dẫn ngựa đi quần cho đến 6 giờ 30, sau đó đem về ăn uống, tắm rửa. Chiều, dù trời nắng hay mưa cũng phải dành 1 giờ quần ngựa. Dẫn ngựa đi quần, người nuôi tuyệt đối chỉ đi xe đạp, bởi ngựa không thích nghe tiếng xe gắn máy. Không phụ lòng chủ, con Hồng Nữ Hiệp đã đoạt 1 giải nhất, 3 giải nhì và 1 giải tư.
Phải có kiến thức
Anh Võ Văn Nừ, chủ một bầy ngựa gần chục con ở xã Xuân Thới Sơn, nói: Chăm sóc cho ngựa ngoài tính nhẫn nại, chịu khó, còn phải có kiến thức. Như chuyện tưởng chừng rất đơn giản là chích thuốc, không phải người nào cũng làm được. Nếu chích thuốc quá liều hoặc tìm không đúng ven, ngựa sẽ sốc thuốc và chết. Ngựa bị áp-xe, nếu tắm bằng nước không sạch, vết thương sẽ bị nhiễm trùng.
Ngựa đua phải trải qua nhiều lần chích thuốc (thuốc khỏe, thuốc chống mỏi...), do vậy làm cách nào để thải các chất tàn dư này ra khỏi cơ thể ngựa cũng là một bí quyết. Dân trong nghề thán phục cách “xả độc” của ông Ba Trí ở Gò Vấp: Trùm lên mình ngựa một tấm ni lông, dẫn đi quần cho vã mồ hôi là được.
Nếu chịu khó, người nuôi ngựa đua có thể sống khỏe. “Đua vài đợt lấy tiếng, sau đó bán lại kiếm lời thì được. Còn nếu dính vào chuyện cá cược thì coi như công cốc”- H., một người nuôi ngựa chuyên nghiệp nay bỏ nghề cũng vì máu mê cá cược, đã khuyên như thế.
Theo ông Võ Bửu Trí, một người nuôi ngựa đua chuyên nghiệp với hơn 60 năm tuổi nghề ở quận Gò Vấp-TPHCM, ngựa giống tốt phải có vóc dáng cao to, cổ dê, dạng mình gân, xương phải nhiều hơn thịt. Da ngựa phải mỏng, lông nhuyễn, chân càng nhỏ càng tốt nhưng ống xương phải tròn; đuôi có hình dạng như cây chổi tiên thì càng tốt. Tối kỵ những con ngựa mắt sáng, chớp liên tục, hai lỗ tai thường vểnh lên... bởi đây là loại ngựa bị chích doping quá nhiều. |
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :