Ôsin công nghiệp: Nghề cực khổ, lương cực thấp
Lượt xem: 17,934
Nhân viên Cty Pan Pacific làm việc tại Bệnh viện Việt - Pháp. |
Lương rẻ như bèo
7h00 sáng, chị Nguyễn Thị Thanh Loan cùng một đồng nghiệp lại cần mẫn lau dọn nhà vệ sinh, hành lang 4 tầng lầu thuộc toà nhà Mê Linh Point. Hai chị phải bảo đảm từ độ cao 2m trở xuống phải sạch bong, khô ráo theo đúng tiêu chuẩn đã đặt ra.
Cứ một tiếng đồng hồ, chị lại vào rửa sạch, lau dọn nhà vệ sinh chung một lần. Với kinh nghiệm trên 1 năm trong nghề, chị Loan nắm rõ cần phải dùng miếng lau nào, mỗi loại bề mặt nên sử dụng loại hóa chất nào với liều lượng ra sao. Nhưng trong nghề làm sạch này, không nhiều người có thâm niên như chị.
Ông Nguyễn Văn Khải - Giám đốc Cty Pan Pacific, đang quản lý trên 4 nghìn nhân viên nhưng vẫn than vãn khó tuyển được người: "Mức lương thấp khó thu hút được LĐ, mức thu nhập trung bình ở Cty tôi khoảng 1,4-1,5 triệu đồng/tháng nhưng vẫn khó kiếm người".
Có Cty trong lĩnh vực này trả lương khởi điểm cho người LĐ chưa đến 1 triệu đồng/tháng, phải làm lâu năm mới đạt trên 2 triệu đồng/tháng, mức thu nhập eo hẹp so với cuộc sống hiện nay. Theo ông Khải, biến động về lao động (LĐ) có tháng lên đến 10%, đa số rơi vào những người làm dưới 1 năm và chưa vượt qua được áp lực công việc. Một chuyên viên phụ trách đào tạo của Cty Hoàn Mỹ cũng khẳng định: Biến động LĐ là rất lớn, nhất là trong giai đoạn đầu khiến NTD gặp không ít khó khăn khi nhận hợp đồng mới.
Khác với ôsin trong gia đình, những "ôsin công nghiệp" thực hiện công việc theo một quy trình định sẵn và hoàn thành bởi nhiều người khác nhau. Công việc chỉ yêu cầu lao động phổ thông nhưng đề cao tính cẩn thận và áp lực công việc cao. Ví dụ khi làm việc trong bệnh viện, người LĐ cần chú ý đến màu sắc từng miếng lau chuyên dùng, cách sử dụng hóa chất cũng khác vì phải đảm bảo yếu tố chống nhiễm khuẩn.
Chưa được coi trọng
Áp lực công việc đối với nhân viên làm sạch bắt nguồn từ việc xã hội chưa coi trọng nghề nghiệp của họ. Không phải người khách nào cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh, công sức người LĐ bỏ ra không được người sử dụng đánh giá đúng. Nhiều người nghĩ rằng: Đã bỏ tiền ra thuê người dọn thì có quyền làm bẩn.
Có khi nhân viên vừa lau chùi sạch sẽ, đã có người sử dụng vô ý thức làm bẩn hoặc vứt rác trên lối đi. Một người khác nhìn thấy sẽ cho rằng người dọn dẹp không làm tốt nhiệm vụ, điều này khiến người LĐ cảm thấy nghề của họ không được trân trọng. Nhiều DN trong nước cũng không đánh giá cao vai trò của những người làm sạch, trong khi, đối với các DN nước ngoài, dịch vụ vệ sinh đã được tính sẵn trong chi phí để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Có DN muốn thuê người dọn dẹp chi phí thấp nhưng lại đòi hỏi văn phòng lúc nào cũng được bóng loáng.
Sau hơn 10 năm theo nghề, ông Nguyễn Văn Khải nhận xét: "Làm dịch vụ không bị than phiền mới lạ, phải coi đó là động lực làm việc. Quan trọng nhất dần dần tạo được ý thức giữ gìn vệ sinh của chính những người sử dụng". Đây không phải vấn đề có thể làm được trong một sớm một chiều, những nước phát triển cũng phải mất hàng chục năm mới hình thành thói quen sử dụng dịch vụ làm sạch. Ông Khải kết luận: "Khi nào văn hóa sử dụng dịch vụ vệ sinh thay đổi, ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh được nâng cao thì thị trường dịch vụ làm sạch sẽ bùng nổ. Những công nhân làm nghề này sẽ được đánh giá đúng công sức đã bỏ ra".