Phỏng vấn qua điện thoại
Lượt xem: 12,935
Nhiều người đi xin việc mắc một sai lầm lớn khi cho rằng các cuộc phỏng vấn qua điện thoại không quan trọng bằng phỏng vấn trực tiếp. Chính điều này khiến họ sớm gặp thất bại trong quá trình tìm việc.
Khi Giám đốc A phỏng vấn một ứng viên cho vị trí quản lý cao cấp trong công ty của bà qua điện thoại, nhân vật này đột nhiên xin phép dừng lại để đọc email. “Điều đó cho thấy anh ta coi cuộc phỏng vấn của chúng tôi là không quan trọng lắm”, Giám đốc A nhận xét và quyết định không tiến hành phỏng vấn trực tiếp ứng viên này.
Trên thực tế, phỏng vấn qua điện thoại rất quan trọng. Đối với các ứng viên thành công của cuộc phỏng vấn qua điện thoại sẽ đảm bảo một cuộc phỏng vấn trực tiếp.
Đối với các nhà tuyển dụng, phỏng vấn qua điện thoại giúp họ rút ngắn danh sách các ứng cử viên. Vì vậy, những lời khuyên sau đây, do chính các nhà tuyển dụng cung cấp, sẽ rất bổ ích cho bạn:
1. Giảm thiểu các yếu tố gây phân tán
Các nhà tuyển dụng cho biết, không ít các cuộc phỏng vấn qua điện thoại đã bị một số âm thanh “nhạy cảm” như tiếng bát đũa, tiếng chó sủa, tiếng trẻ con khóc, thậm chí cả tiếng xả nước trong nhà vệ sinh, cản trở.
Bởi vậy, nếu bạn biết trước khi nào bạn sẽ được phỏng vấn, hãy chọn trước một địa điểm yên tĩnh. Còn nếu bạn bị phỏng vấn một cách bất ngờ, tốt hơn hết là bạn hãy đề nghị được hẹn phỏng vấn vào một dịp khác.
Nếu có thể, bạn hãy tránh sử dụng điện thoại di động vì nếu chẳng may tín hiệu bị trục trặc, nhà tuyển dụng sẽ không thể nghe thấy bạn nói gì và cuộc phỏng vấn sẽ bị ngắt quãng giữa chừng.
2. Tăng cường khả năng giao tiếp bằng lời nói
Do không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người tìm việc và nhà tuyển dụng, ngôn ngữ cơ thể không được sử dụng trong phỏng vấn qua điện thoại. Bởi thế, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn qua những gì bạn nói và cách trình bày của bạn.
Những nhà tuyển dụng tinh ý sẽ nhìn nhận chính xác mức độ chuyên nghiệp, mức độ yêu thích của bạn đối với công việc cũng như cách ứng xử của bạn và cả nhiều yếu tố khác dù không gặp mặt trực tiếp với bạn.
B là một trong số các ứng viên cho vị trí copywriter tại một công ty truyền thông lớn. Sau cuộc phỏng vấn qua điện thoại, nhận xét của nhà tuyển dụng về anh là “không biết cách gây ấn tượng”.
Người quản lý đã trực tiếp phỏng vấn B cho biết: “Nếu B được tuyển dụng thì anh ta khó có thể thu hút sự chú ý của khách hàng khi trình bày một ý tưởng. Lẽ ra, anh ta nên thể hiện sự sôi nổi, nhiệt tình trong lời nói và nói một cách có ngữ điệu linh hoạt hơn”.
Khả năng bị loại đối với các ứng viên có cách nói năng suồng sã cũng rất cao. Từ lóng hay những cách xưng hô quá thân mật đều không nên được sử dụng trong phỏng vấn qua điện thoại. Người được phỏng vấn cũng tuyệt đối không nên nhai kẹo cao su, hút thuốc hay ăn uống trong khi đang được phỏng vấn.
3. Có sự chuẩn bị trước
Nếu bạn đã được hẹn trước hoặc đoán được thời gian nào bạn sẽ được phỏng vấn qua điện thoại, hãy ghi sẵn ra giấy một số điều mà bạn dự định sẽ trình bày cũng như cầm sẵn lý lịch của bạn trên tay. Sự chuẩn bị trước sẽ giúp bạn rất nhiều.
Việc đề cập đến một vài thông tin mới về công ty đang phỏng vấn bạn sẽ giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Thậm chí, nếu có thể, trước khi diễn ra cuộc phỏng vấn, bạn hãy gửi cho nhà tuyển dụng một số ý tưởng cho công việc của bạn và trong cuộc phỏng vấn, hãy thảo luận thêm với nhà tuyển dụng về các ý tưởng đó.
4. Làm gì sau khi được phỏng vấn
Sau khi được phỏng vấn, bạn nên gửi một lá thư cảm ơn tới nhà tuyển dụng trong đó bạn có thể tóm tắt những gì đã thảo luận trong cuộc phỏng vấn cũng như những điểm mạnh của bạn mà bạn muốn nói nhưng chưa được trình bày hết, qua đó chứng tỏ với nhà tuyển dụng bạn coi trọng cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Hãy nhớ, bạn sẽ không bao giờ được phỏng vấn trực tiếp nếu bạn không coi phỏng vấn qua điện thoại có tầm quan trọng tương đương như vậy.