Phỏng vấn tuyển dụng: những điều "nên" và "không nên"
Lượt xem: 14,602Bạn đang nhìn vào một bản sơ yếu lý lịch ứng viên. Bạn thấy anh ta có một loạt các ước mơ, sở thích khá đặc biệt cũng như tốt nghiệp cùng trường phổ thông trung học với bạn. Và trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng tìm hiểu về ứng viên, bạn hỏi anh ta có mấy con và tốt nghiệp phổ thông năm nào.
Đáng tiếc, bạn đã hỏi hai câu hỏi có thể dẫn tới những rắc rối cả về mặt tình cảm lẫn pháp lý với ứng viên này.
Những cuộc giao tiếp rõ ràng và thẳng thắn không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả. Khi tiến hành một cuộc phỏng vấn tuyển dụng, để có thể ra những quyết định chuẩn xác nhất, bạn sẽ sử dụng những câu hỏi giúp gợi mở các thông tin thực sự về ứng viên. Nhưng chắc hẳn bạn cũng muốn tránh những điều có thể dẫn bạn tới các rắc rối về mặt pháp lý và tình cảm.
“Những câu hỏi không thích hợp trong quá trình tuyển dụng là nguyên nhân dẫn đến các vụ kiện tụng pháp lý”, David Curtis, một đối tác của công ty luật Gardere Wynne Sewell, cho biết, “Thông thường sẽ bị coi là vi phạm luật pháp khi nhà tuyển dụng hỏi một ứng viên về những thông tin cá nhân có tính chất riêng tư như tôn giáo, những khiếm khuyết về khả năng hay thậm chí một số câu hỏi không mấy liên quan tới các chức năng công việc chủ chốt”.
Những vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình tuyển dụng thường được quy định trong Bộ luật dân sự, Luật lao động, Luật bình đẳng giới, Luật bảo vệ người tàn tật,... tại từng quốc gia.
Một số câu hỏi không liên quan đến công việc
Matthew R. Grabell, một chuyên gia tuyển dụng tại hãng nhân sự Grabell & Associates, đưa ra một danh sách các vấn đề không nên đặt ra với ứng viên để tránh những rủi ro pháp lý lẫn các mâu thuẫn tình cảm có thể xảy ra:
- Những tổ chức chính trị mà ứng viên tham gia;
- Tôn giáo;
- Ngày sinh (ngoại trừ khi thông tin này là cần thiết để thoả mãn những yêu cầu độ tuổi tối thiểu cho công việc);
- Dòng dõi, tổ tiên, nguồn gốc;
- Tên và địa chỉ của họ hàng ứng viên. Trong một số trường hợp cụ thể còn bao gồm cả vợ (chồng) hay con cái;
- Giới tính hay tình trạng hôn nhân;
- Chiều cao & cân nặng (trừ khi đây là các thông tin cần thiết để đáp ứng nhu cầu công việc);
- Những khuyết tật thể chất và tinh thần.
Không một câu hỏi nào trong số các câu hỏi trên giúp bạn tìm hiểu về khả năng chuyên môn của ứng viên. “Tuy nhiên, tuỳ từng vị trí công việc cụ thể và trong những hoàn cảnh nhất định, chúng vẫn có thể được phép hỏi nếu thấy ứng viên có bất cứ khiếm khuyết nào có thể ngăn cản họ hoàn thành tốt công việc”, Grabell cho biết.
Therese A. Hoehne, Trưởng khoa Nguồn nhân lực thuộc Trường Đại học Aurora University, thường xuyên cung cấp cho các nhà phỏng vấn một danh sách các câu hỏi thích hợp: “Đôi lúc bạn rất muốn hỏi ứng viên xem họ làm thế nào để duy trì sự cân bằng giữa công việc và gia đình. Đặc biệt, nếu ứng viên đó là một phụ nữ đã có vài đứa con. Nhưng bạn không nên làm điều đó”, Hoehne cho biết, “Bạn phải tập trung vào những thông tin liên quan tới công việc, tới các kỹ năng cần thiết của ứng viên đối với nhu cầu công việc”.
Còn Grabell thì cho rằng các câu hỏi về con cái, về cuộc sống riêng tư và trách nhiệm gia đình hoàn toàn có thể khiến các ứng viên cảm thấy không thoải mái. Các câu hỏi này có thể được xem như một biểu hiện của sự phân biệt đối xử.
Một vài câu hỏi “nên” và “không nên”
Grabell và các chuyên gia tuyển dụng khác đã đưa ra một vài câu hỏi “nên” hay “không nên” trong suốt quá trình tuyển dụng, bao gồm:
Nên: Bạn có thể làm việc trong những ngày nào? Bạn có thể làm việc trong những giờ nào?
Không nên: Bạn có bao nhiêu con? Bạn có thuê người trông trẻ không khi chúng tôi yêu cầu bạn làm việc vào những ngày cuối tuần không?
Nên: Bạn có thể đi công tác xa nhà?
Không nên: Bạn để con ở nhà hay đưa đi mẫu giáo?
Nên: Bạn có đủ tư cách và điều kiện pháp lý để làm việc tại địa phương này?
Không nên: Bạn có là người dân bản xứ? Bạn đến từ vùng nào?
Nên: Công việc yêu cầu nhân viên phải nói được hơn một thứ tiếng. Bạn có thể nói và viết thông thạo những ngoại ngữ nào?
Không nên: Ngôn ngữ địa phương của bạn?
Nên: Bạn đã từng có tiền án, tiền sự?
Không nên: Bạn đã từng bị bắt giữ?
Nên: Bạn nói trong đơn xin việc rằng bạn đã từng ở trong quân ngũ. Những kinh nghiệm và chuyên môn học vấn nào bạn đã học được trong thời gian tại ngũ?
Không nên: Bạn đã từng bị sa thải bao giờ chưa? Tại sao bạn bị sa thải?
Nên: Bạn có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học? Bạn có bằng tốt nghiệp đại học hay cao đẳng?
Không nên: Bạn tốt nghiệp vào thời gian nào?
Theo Curtis, việc có trong tay một danh sách gạch đầu dòng các yêu cầu cụ thể cho công việc cần tuyển sẽ giúp nhà tuyển dụng đi đúng hướng và tránh xa các rắc rối phát sinh.
“Bạn không cần quan tâm tới những sở thích tôn giáo của ứng viên hay việc họ có đi xe ôtô hay không, vấn đề cần quan tâm chính là liệu họ có đầy đủ các kỹ năng cần thiết để hoàn thành tốt công việc hay không”, Curtis cho biết.
Rõ ràng, các cuộc phỏng vấn tuyển dụng luôn là một khâu quan trọng nhất để thu hút, phát hiện những ứng viên có khả năng làm việc thực sự. Việc tuyển chọn chính xác hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ năng, tiêu chuẩn tuyển chọn và phẩm chất ứng viên,..., chứ không mấy liên quan tới đời sống riêng tư.
Do vậy, điều quan trọng nhất là bạn cần chủ động xây dựng một quy chế phỏng vấn tuyển dụng thích hợp với các câu hỏi tương ứng với từng loại hình công việc.