Quên ngay việc nói dối mức lương cũ khi đàm phán công việc mới
Lượt xem: 31,124Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Khi đàm phán lương, hầu hết ứng viên đều muốn tránh đề cập đến mức lương cũ của mình hoặc tìm cách để phỏng vấn viên tự đưa ra mức tham khảo cho công việc đang ứng tuyển. Thế nhưng, với những phỏng vấn viên giàu kinh nghiệm, ứng viên thật khó để tránh những câu hỏi như "Mức lương hiện tại của bạn là bao nhiêu?" hoặc "Bạn mong đợi mức lương cho vị trí này như thế nào?". Điều này khiến ứng viên thấy thật bối rối bởi đôi khi khoảng cách giữa mức lương cũ và mức lương mong đợi là khá xa và họ e ngại nhà tuyển dụng sẽ khó chấp nhận. Vậy nên, ứng viên thường chọn cách "nâng giá" bản thân lên bằng cách nói dối về mức lương cũ. Hãy thận trọng với cách đàm phán này bởi CareerViet.vn sẽ chỉ ngay cho bạn ngay sau đây những lý do mà việc nói dối về mức lương có thể dẫn đến một kết quả thương thảo không mấy tốt đẹp.
1. BẠN SẼ DỄ DÀNG BỊ "BẮT MẠCH"
Thông thường các công ty đều có chính sách không tiết lộ mức lương của nhân viên cũ hay hiện tại cho bất kỳ ai không liên quan. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc mức lương của bạn là một bí mật luôn được giữ kín. Nhà tuyển dụng có những kỹ thuật riêng và mạng lưới mối quan hệ rộng để dễ dàng "bắt mạch" bạn nếu họ nghi ngờ ứng viên đang nói dối quá nhiều về mức lương. Bên cạnh đó, khi tham gia vào một công ty, bạn có thể sẽ được yêu cầu nộp một số giấy tờ cá nhân theo quy trình mà trong đó phản ánh thu nhập thực tế của bạn các năm qua. Dù bằng cách nào, việc cố gắng nói dối về mức lương không dễ dàng như bạn nghĩ, chỉ là nhà tuyển dụng muốn hay không muốn tìm hiểu đến cùng mà thôi.
2. THẬT KHÓ ĐỂ NÓI DỐI MỘT CÁCH ... LIỀN MẠCH
Dân gian vốn có câu "giấu đầu lòi đuôi" nhằm chỉ ra rằng những người hay lấp liếm muốn giữ kín điều gì đó thường vô tình để lộ ra những chi tiết khác khiến người ta đoán biết được. Khi bạn phải tìm cách nói dối để ứng phó với câu hỏi về mức lương trong quá khứ, bạn cũng sẽ dễ trở nên lúng túng nếu bị hỏi dồn hoặc phỏng vấn viên có thể dùng những câu hỏi gián tiếp về phúc lợi, lương thưởng để thăm dò thu nhập thực tế trước đây của bạn. Và trong lúc bối rối, nhiều khả năng những chi tiết bạn cung cấp trước đó sẽ không trùng khớp với phần trả lời sau bởi chính bạn cũng không nhớ được chính xác mình đã nói dối như thế nào.
3. ĐÀM PHÁN LƯƠNG KHI ỨNG TUYỂN CẦN PHÙ HỢP VỚI THÌ HIỆN TẠI
Thật ra việc nói thật hay nói dối về mức lương là quyền lựa chọn của mỗi ứng viên bởi ai cũng mong muốn sẽ có được kết quả đàm phán sau cùng tốt nhất. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vào thực tế thì việc nói dối mức lương cũ là một điều hoàn toàn không cần thiết bởi lẽ bạn đang đàm phán mức lương cho công việc hiện tại chứ không phải là cho công việc trong quá khứ. Giá trị của bản thân bạn ở thời điểm tham gia ứng tuyển có nhiều sự khác biệt so với trước đây và là sự tổng hợp của nhiều yếu tố như khả năng đóng góp của bạn sắp tới là gì, những kỹ năng và kinh nghiệm bạn đã thu thập được trong thời gian qua ra sao, vị trí của bạn sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của một tổ chức, v.v. Vì vậy, mức lương khởi điểm cho công việc mới không phải là con số tăng trưởng nào đó dựa trên mức lương cũ mà nó phải thể hiện được sự tương xứng với năng lực của bạn khi tham gia vào công ty mới. Do đó, thay vì mất công tìm cách nói dối lòng vòng, bạn có thể tự thực hiện một khảo sát nhỏ về mức trung bình trên thị trường cho vị trí và ngành nghề đang ứng tuyển, sau đó tự tin đưa ra con số đề nghị hợp lý nhất, bất kể thu nhập trước đây của bạn ra sao.
Quá trình đàm phán lương luôn có nhiều tình huống thử thách đối với ứng viên, kể cả những ứng viên giàu kinh nghiệm. Để bản thân luôn sẵn sàng có được những chiến thuật đàm phán hợp lý nhất, đừng quên ghé thăm chuyên mục Cẩm nang tại CareerViet.vn mỗi tuần để tham khảo nhiều bí quyết và kỹ thuật thương thảo lương cùng các kỹ năng mới nhất giúp phát triển sự nghiệp của bạn một cách mạnh mẽ.
>>> Xem thêm: Việc tốt Lương cao
Nguồn hình: Freepik