Ra đi - Cách nào cho khéo?
Lượt xem: 14,831Đầu tiên bạn phải chắc rằng mình thực sự muốn ra đi. Sau đó, hãy cân nhắc thật cẩn thận trước khi đốt cháy giai đoạn và gửi nó đi. Bởi bạn không bao giờ biết khi nào bạn thực sự cần đến lời khuyên của sếp cũ cả.
Bước đi là... mất
Trước khi bạn quyết định ra đi, hãy hoàn toàn chắc chắn rằng đó là quyết định đúng và bạn không hối hận về quyết định đó. Đừng để như một nhân viên nọ, chỉ một ngày sau khi chuyển đến công ty mới đã gọi về công ty cũ nói cô ta ghét công việc mới, hối hận về việc ra đi và mong muốn trở lại. Cơ hội trở lại của những người này bao giờ cũng rất ít.
Do đó, nếu bạn không chắc về vị trí mà mình sẽ đảm nhiệm ở công việc mới, hãy thử yêu cầu được làm việc thử một ngày ở môi trường làm việc mới. Đó sẽ là động lực tốt để bạn có được quyết định sáng suốt, ra đi nhận vị trí công việc đó hay từ chối và ở lại với vị trí hiện tại.
"Cân đong" cơ hội
Có cơ hội nào đang đợi bạn ở ngoài công ty không? Nếu có, hãy nghiên cứu nó thật kỹ cả ở mặt tích cực và tiêu cực và so sánh nó với công việc hiện tại của bạn. Hãy cân nhắc môi trường làm việc, tính linh động, lương và lợi tức của công ty với trách nhiệm công việc của bạn ở vị trí mới, liệu nó có tương xứng không và so sánh thế nào với công ty cũ. Nếu công việc mới rõ ràng hơn hẳn công việc cũ trên mọi tính toán và bạn cảm thấy rằng quyết định đó chắc chắn sẽ là quyết định đúng, vậy thì còn chần chờ gì nữa?
Vậy trong trường hợp trước mắt bạn chưa hề có công việc nào đang sẵn sàng chào đón? Trước khi bạn ra đi, hãy sẵn sàng tinh thần cho 3, 6 tháng thậm chí lâu hơn bạn sẽ phải ngồi nhà và mỏi mòn tìm kiếm công việc như ý. Trừ phi bạn ra đi trong êm đẹp còn không, trong hầu hết trường hợp bạn sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp. Vậy trong thời gian chờ việc đó, bạn có đủ tiền tiết kiệm và thu nhập để duy trì cuộc sống? Nếu cân nhắc tới những yếu tố này, lời khuyên tốt hơn cho bạn là nên biết chờ đợi. Xếp lại việc nộp hồ sơ xin việc, tiếp tục công việc và bắt đầu tìm kiếm cơ hội việc làm trước khi từ chức.
Chọn thời điểm...
Ngay cả khi đã có được quyết định cuối cùng của mình, bạn cũng không nên đốt cháy giai đoạn. Hãy tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc sau:
- Chú ý tới các điều khoản trong hợp đồng giữa bạn và công ty của bạn. Trong hợp đồng, họ yêu cầu bạn phải báo trước cho công ty trước khi rời đi bao nhiêu lâu? Nếu không, hãy đề xuất thời gian khoảng 2 tuần lễ.
- Nếu như sếp hoặc quản lý của bạn yêu cầu bạn phải làm việc nhiều hơn thời gian 2 tuần đó hoặc nhiều hơn thời gian đã thoả thuận trong hợp đồng, bạn cũng không có nghĩa vụ phải ở lại. Người quản lý mới của bạn chắc chắn muốn bạn bắt tay vào công việc mới đúng hẹn, và đó là điều cần thiết phải làm để tạo hình ảnh tốt cho bạn ngay từ lúc đầu. Những gì bạn có thể làm trong tình huống này là đề nghị giúp đồng nghiệp, hoặc quản lý cũ, nếu cần thiết, nhưng chỉ qua email hoặc điện thoại và ở ngoài giờ làm.
Nói gì lúc nhạy cảm này?
Trong khi đề cập với sếp về chuyện ra đi, bạn đừng dại dột nói quá nhiều về chuyện bạn sẽ ra đi, môi trường mới thế nào... Hãy nhấn mạnh vào những điểm tích cực và về những điều tốt đẹp mà công ty đã mang đến cho bạn. Nhưng cũng nhấn mạnh rằng, đây là thời gian thích hợp để bạn ra đi.
Bạn có thể đề xuất giúp đỡ công ty trong thời gian chuyển giao công việc và sau đó một thời gian. Đừng đưa ra bất cứ yếu tố nào tiêu cực. Hãy giữ gìn hình ảnh của mình ngay cả khi mình không còn ở công ty.
Đi thế nào cho khéo?
Ra đi thì dễ nhưng đi thế nào cho khéo, vừa để lại ấn tượng tốt đẹp cho những người cũ, vừa đảm bảo quyền lợi của bạn, lại vừa xây dựng được những căn bản tốt để tạo hình tượng đẹp với sếp mới.
- Viết thư từ chức: Ngay cả khi bạn đã xin từ nhiệm bằng miệng, bạn vẫn nên viết một lá đơn từ chức. Kinh nghiệm cho thấy, một lá đơn từ chức được đầu tư sẽ giúp bạn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với sếp cũ rất tốt. Rất có thể một lúc nào đó bạn sẽ cần đến những lời khuyên giá trị của sếp, nên tốt nhất là hãy đầu tư viết một lá thư từ chức thật chuyên nghiệp, tích cực và thấu tình đạt lý.
- Đề xuất thư giới thiệu: Trước khi bạn ra đi, hãy nhờ sếp cũ viết cho bạn một lá thư giới thiệu. Khi bạn đã ra đi và mất một khoảng thời gian dài không liên hệ, bạn sẽ rất khó để liên hệ được với sếp cũ. Tốt nhất là hãy đề xuất thư giới thiệu ngay từ lúc này. Bởi với lá thư này trong tay, bạn sẽ có thể dễ dàng viết những lá thư tự giới thiệu mình một cách khách quan và thuyết phục nhất với sếp mới.
- Không quên tiểu tiết: Hãy thử tìm hiểu xem ở vị trí của bạn, mức lương của bạn, khi bạn ra đi bạn sẽ được hưởng những chế độ gì. Và làm sao cho thật khéo để bạn nhận được đúng những gì mình đáng được hưởng.
- Trả lại tài sản cho công ty: Trước khi đi, hãy chắc rằng bạn đã trả lại tất cả những tài sản của công ty mà bạn đang giữ, từ chìa khoá, tài liệu, máy tính, điện thoại... đến bất cứ thứ gì không thuộc sở hữu của bạn. Chẳng công ty nào muốn phải "săn" bạn để đòi lại đồ và bạn cũng chẳng muốn phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu như những tài sản đó không được trả về đúng chủ. Do đó, tốt nhất là hãy trả lại toàn bộ những gì không thuộc về bạn.