Ra đi cũng phải "chuyên nghiệp"

Lượt xem: 14,239

Ra đi cũng phải cho "chuyên nghiệp". Một cái đơn xin nghỉ việc với lý do vô cùng hợp lý, tới mức ai đọc cũng thấy như... xạo. Lá đơn không uẩn khúc, không chửi bới, không luyến tiếc và theo lời ông bạn, đó là một lá đơn kinh điển.

Cái phòng làm việc mới ở công ty mới này nhìn ra một khoảng không mênh mông. Mỗi khi trời chuyển mưa thấy trong lòng tao tác, xung quanh lặng lẽ dù nhân viên và đồng nghiệp nhiều hơn.

Chả bù cho cái "lồng kính" giữa Sài Gòn, ngày nào cũng bắt mình nhìn xuống con đường lăng xăng người, lăng xăng xe cộ; còn nếu nhìn ngược lại chỉ thấy những bức tường. Rồi cũng tới lúc này.

Tôi đã rời cái nơi mà mình gắn bó và làm việc chung với một nhóm nhỏ như một "công ty gia đình" trong thời gian dài. Chỉ khi nghỉ việc mới thấy nó dài ơi là dài, mới thấy lý ra không nên để nó dài như vậy.

Biết rằng có một lúc nào đó mình sẽ ra đi vì có cơ hội tốt, muốn về gần nhà hơn hay chỉ vì không vừa lòng chuyện gì đó; nhưng khi nộp đơn xin nghỉ việc rồi cũng thấy hụt hẫng, thấy mất mát trong khi ở đầu bên kia, công việc mới vẫn đang đợi chờ.

Ra đi cũng phải cho "chuyên nghiệp". Một cái đơn xin nghỉ việc với lý do vô cùng hợp lý, tới mức ai đọc cũng thấy như... xạo. Lá đơn không uẩn khúc, không chửi bới, không luyến tiếc và theo ông bạn, đó là một lá đơn kinh điển. Một kế hoạch bàn giao (mặc dù chắc không cần), một danh sách công việc đang làm, một số công việc sắp hoàn tất... Tất cả được viết y như trong sách hướng dẫn.

Cái khó khi viết đơn là phần ghi thời gian khi nào thì chính thức nghỉ. Mai chăng, tuần sau chăng, hay tháng sau? Chỉ sợ ghi mai nghỉ thì sếp sẽ biểu cuốn gói xéo ngay hay bị áp tải ra thang máy tức khắc mà chưa kịp chia tay mấy đứa nhân viên, bạn bè.

Cuối cùng rồi đơn xin nghỉ cũng viết xong và nhắm mắt đếm ngược cho đến khi bấm nút "send" gửi đi. Ngồi bần thần một lúc rồi tưởng tượng ra đủ thứ cảnh chia tay (không biết có nước mắt nước mũi gì không hở trời!). Ra khỏi phòng, bạn bè đứa thì nói chúc mừng, đứa thì hỏi sao vậy, đứa thì thêu dệt tình tiết cho một quyển hồi ký... và cuối cùng thì... không có gì xảy ra, như chưa hề có cuộc chia ly!

Một buổi ăn bánh xèo Đinh Công Tráng là kết thúc cho mười năm cộng tác với nhau. Thế thôi. Sếp lớn, sếp nhỏ gửi vài cái e-mail giã từ, tiếc rẻ (chắc cũng kiểu như cái đơn của mình), còn sếp trực tiếp thì lạnh tanh, không hề có một thông điệp nào ngoại trừ cả tuần sau mới nhận cái tin nhắn từ bộ phận nhân sự: sếp đồng ý rồi! Khác biệt văn hóa mà.

Có mấy đứa xúi giục: cứ tà tà nhưng không làm gì hết. Đợi nó đuổi, bồi thường một đống tiền chơi chứng khoán. Đứa thì biểu: chửi nó đi cho nó đuổi lẹ rồi lãnh tiền. Trời, làm vậy chắc bên công ty mới chạy mình luôn. Làm người ai làm thế. Nói vậy chứ cũng ra mua cuốn Bộ luật Lao động đem về coi "nó" trả mình mấy tháng lương.

Hồi còn làm có thấy ai gọi rủ rê gì đâu. Vậy mà khi vừa nộp đơn xong, điện thoại cứ tấp nập chào mời. Một em "săn đầu người" xinh tươi cảm thấy tiếc rẻ khi mình nói đã có nơi trao thân gửi phận rồi. Vậy mà em còn quyến rũ. Em chờ anh sáu tháng nữa nhe, bảo đảm với anh sau thời gian đó anh sẽ xin nghỉ tiếp. Cái công việc sau đó mới bền. Kinh nghiệm của em đó.

Vái trời cho lời tiên đoán của em trật lất. Đã hơn một tháng rồi kể từ ngày chính thức nghỉ việc. Thỉnh thoảng bạn bè, đồng nghiệp cũ cũng í ới gọi nhau tâm sự, kể chuyện cơ quan như không có chuyện gì hết. Thế rồi cũng quen dần, tên của mấy đứa trong công ty mới cũng đã gần thuộc hết. Chỉ thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ thấy cái mênh mông trống trải mà nhớ tới không gian ăm ắp người. Muốn được vậy, ra đi cũng phải cho chuyên nghiệp!

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay